Phút giây buông thả, hậu quả một đời

Bên cạnh những sinh viên chăm chỉ với các bài học trên lớp, trong thư viện hay say mê nghiên cứu khoa học... còn có một bộ phận không nhỏ những sinh viên khác lại “cuống quýt” sống hưởng thụ và buông thả.

Nữ sinh viên: “Bắc Cạn đi anh ơi!”

Hàng tối, quán nhậu trên đường Nguyễn Quý Đức thường rất đông sinh viên. Một nhóm bạn gồm ba trai, ba gái đang ngồi “hò zô” tưng bừng. Hoành tráng và oanh liệt hơn khi những tiếng bắt nhịp chúc tụng và cạn ly đều do các cô gái khởi xướng: “Anh uống với em hết chén này coi như là làm quen nhé... “Bắc Cạn” đi anh ơi, đừng “Thái Nguyên” như thế!” Hay: “Tất cả các dòng sông đều chảy nào!” “Con gái bây giờ uống rượu, nhậu nhẹt và quậy phá tưng bừng không còn là chuyện lạ. Có đêm mình nhận được vài ba tin nhắn của các nàng rủ đi uống rượu để giải sầu” - Huy (ĐH Kiến trúc) tâm sự.

Vòng quanh đường Hồ Tây, Lương Định Của… những quán nhậu đêm ở đây không bao giờ thiếu vắng các “bóng hồng”. Khác hẳn với dáng vẻ yểu điệu thục nữ ban ngày, các nàng đã ngồi vào bàn nhậu đêm là một con người khác hẳn: “hết mình”và “chơi đẹp” với bạn rượu, thì mới là “nam nữ bình đẳng”. Dân nhậu đêm, cứ nhắc tới “Linh béo” - cựu sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh & Truyền hình (Thường Tín - Hà Nội) thì ai cũng biết. Bởi Linh nổi tiếng vì đã hạ “nốc ao” hàng chục đấng nam nhi trong những lần cá độ uống rượu. Linh không hề giấu diếm: “Con gái báo chí mà không biết uống rượu thì làm sao có thể tác nghiệp được chứ?” Với quan niệm đó, cô nàng cứ vô tư cụng li với các đấng nam nhi ở chỗ đông người và nhậu tới bến.

Đại náo các quán Karaoke

Không chỉ giải sầu bằng rượu, nhóm bạn của Phương (trường ĐH Quản trị kinh doanh) còn tìm cách giảm stress khá tốn kém là tới quán Karaoke, hò reo, nhảy nhót tưng bừng cùng bia rượu... Phương tâm sự rất tự nhiên: “Chơi và học là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhiều người học miệt mài, kết quả cũng có hơn được đâu. Quan trọng là được sống với chính mình, được là mình. Những khi tụ tập như vậy, em thấy rất thoải mái”.

Còn với Mai, cô sinh viên có phong cách ăn mặc hợp mốt: “Có gì phải ngại và lo lắng về cách sống như thế. Cũng có riêng một ai đâu. Người nổi tiếng cũng có tai tiếng, huống chi mình là người bình thường. Còn trẻ, lại có nhiều thời gian để chơi, chưa ràng buộc gì. Hơn nữa là sinh viên nên cuộc sống còn phụ thuộc vào gia đình, bố mẹ phải chu cấp hết”.

Phố Triều Khúc (Thanh Xuân) đoạn gần trường Cao đẳng Giao thông Vận tải có hơn chục quán karaoke thì hầu như tối nào cũng trong tình trạng “cháy” phòng hát. Chủ quán café - karaoke “Phương Dung” cho biết: “Khách toàn sinh viên các trường ở gần đây. Sinh viên bây giờ có tiền và chịu chơi lắm, nhiều cô cậu tuần nào cũng đến đặt phòng hát mấy bận…”.

Hát xong, nếu chưa hết đêm, sinh viên lại về tụ bạ ở chỗ này chỗ kia. Phòng trọ của Nhung (Đại học Tài chính) từ lâu đã trở thành nơi tập trung của mấy đứa bạn máu chơi cờ bạc và cá độ. Rất nhiều sinh viên trọ gần đó bức xúc: “Các bạn ấy chơi tối ngày, thua thì cãi nhau, đánh nhau thâm tím mặt mày, được chút xíu thì lại rượu chè ầm ĩ, không ai góp ý nổi”.

Hệ lụy từ những cuộc chơi này là những cuộc tình chóng vánh, rồi những khu trọ chỉ dành cho các cặp đôi sống thử ngày càng nhiều… Khánh (Đại học Thành Đô) tự tin: “Được cái mác bảnh trai, lại ga lăng nên mình tán tỉnh phái nữ cũng không phải là chuyện khó. Trong bữa nhậu sinh nhật thằng bạn có một cô cũng “bồ kết” mình, lại dính trận say, thế là nên chuyện ngay… Cô ấy chăm sóc mình rất chu đáo, cứ như là vợ vậy. Sau đó góp gạo thổi cơm chung. Chúng mình sống với nhau được một năm thì chia tay. Mình không có tình cảm, chỉ là hợp gu trong các cuộc chơi, sớm muộn cũng phải kết thúc thôi mà”.

“Ở chung đỡ tốn tiền phòng”

Tuy là người tỉnh lẻ, nhưng thói chơi của Hiếu (ĐH Dân lập Đông Đô) thì chẳng “lẻ” chút nào. Được gia đình quan tâm chu cấp tiền nhưng lại không quan tâm tiền đó Hiếu để làm gì, Hiếu tha hồ lao vào lô đề, cờ bạc, nhậu nhẹt... Quán xá hay bar ở đâu cứ có chút “chất chơi” là Hiếu đều biết: “Cần gì học, có tiền là có thể êm xuôi mọi chuyện. Thời gian học để chơi có phải sướng không” Áp dụng phương châm sống đó, nên dù mang cái mác sinh viên rất oai, nhưng cậu chẳng có mấy kiến thức tiếp thu từ môi trường học tập.

Oanh (ĐH Thành Đô), cô sinh viên từ miền núi xuống học cũng rất nhanh tiếp thụ cách sống “hiện đại”. Oanh đi học chỉ để điểm danh. Không đạt thì thi lại, học lại. Chuyện tình yêu cũng rất sành. Vừa nhập học, gặp được người ưng ý, là mạnh dạn sống thử luôn. Không cần biết cuộc tình ấy có đi đến đâu.

“Lúc mới yêu thì mỗi đứa một phòng, một khu ở khác nhau. Nhưng hòa trong những cuộc chơi, khi ra về khó dứt nhau ra. Không lẽ cứ như thế mãi. Với lại ở chung cho đỡ tốn tiền thuê phòng. Đâu phải chỉ có riêng mình mới sống như thế, ở dãy trọ cảnh sống như thế là thường tình”.

Đi học để lĩnh hội kiến thức hay để thể hiện cái “sành điệu” của mình? Liệu có lời giải thích nào biện minh nổi cho cách sống buông thả hiện nay của một bộ phận sinh viên?

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.