Sinh viên “bán duyên” trong mùa cưới

Nhắc đến việc làm thêm của sinh viên người ta thường nói đến nghề gia sư, kinh doanh, nhân viên tiếp thị, bán hàng thậm chí cả những nghề nặng nhọc như bốc vác, chạy bàn... Hiện nay, họ còn có một nghề mới khá “độc”: Đội lễ ăn hỏi.

Lo việc trăm năm cho… người lạ

Bà An ở phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chuẩn bị cưới vợ cho anh con trai. Vốn mấy đời độc đinh, nhà bà neo người, nam thanh niên trong họ lại càng hiếm hoi.

Ảnh minh họa

Muốn cho lễ ăn hỏi đàng hoàng, bà chuẩn bị hẳn 7 cái tráp đựng đồ lễ. Nhưng bà lúng túng không biết tìm đâu ra 7 anh thanh niên “cao to đẹp giai” đội lễ. Đang lúc bàn tính thì cô cháu gái ở trường đại học về nhanh nhảu: “Tưởng chuyện gì, chứ việc ấy thì không khó, bác để cháu lo”. Rồi cô rút điện thoại di động bấm lịa lịa. 5 phút sau cô bảo bà An: “Bác cứ yên tâm. Đúng ngày sẽ có đủ 7 thanh niên đẹp trai, cao từ 1,65m trở lên đi đội lễ cho nhà mình. Chỉ có điều bác phải trả tiền thuê họ...”

Đúng ngày ăn hỏi, 7 thanh niên mặc sẵn quần đen, áo trắng, thắt cà vạt, đầu tóc gọn gàng có mặt tại nhà bà An. Đến cổng nhà gái ở Gia Lâm, 7 chàng thanh niên nhanh nhẹn nhảy ra khỏi xe lần lượt nâng từng quả tráp lên vai. Họ đứng lại duyệt đội ngũ cho thẳng hàng rồi đều đặn rảo bước theo bà An tiến vào sân nhà gái. Bên trong, họ nhà gái cũng đã có 7 cô gái trẻ mặc áo dài đỏ đứng đợi sẵn.

Sau khi hai họ chào hỏi nhau, các chàng trai cùng các cô gái từng đôi một bưng lễ tiến vào đặt lên chiếc bàn kê chính giữa nhà. Rồi họ cùng nhau chụp một tấm hình lưu niệm với cô dâu chú rể và lui ra ngoài, kết thúc công việc của mình.

Trong đám ăn hỏi này, 7 chàng đội lễ của nhà trai cũng như 7 cô gái đỡ lễ của nhà gái đều là sinh viên và chưa hề quen biết với gia đình hai bên. Họ đều là những người được thuê đến phục vụ cho lễ ăn hỏi rồi nhận tiền công ra về.

Sinh viên “bán duyên” trong mùa cưới không chỉ tăng thu nhập mà còn là việc làm thêm hấp dẫn, mang lại cho các bạn trẻ cơ hội học hỏi và kinh nghiệm làm việc. Hiện nay, con số sinh viên làm nghề “bê tráp” và “đỡ lễ” đang ngày một tăng bởi công việc nhẹ nhàng, ít thời gian mà thu nhập lại khá cao, đặc biệt rất phù hợp với “chất” sinh viên như trẻ trung, năng động, cởi mở...

Tại Hải Phòng, Ngô Bách (Cao đẳng Cộng Đồng) đã lập ra được 4 nhóm từ các bạn trong trường và mở rộng cở sở ở nhiều nơi khác như tại ĐH Hải Phòng, ĐH Dân lập Hải Phòng. Mỗi trường có 2 - 3 đội sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình ở mọi nơi trên địa bàn thành phố.

Trung bình, trung tâm của Bách nhận được 5 đám hỏi trong một tháng, có những tuần cao điểm lên tới 3 đám/tuần. Theo Thu Trang (SV ngành Nhà hàng - khách sạn, ĐH Tôn Đức Thắng) bây giờ hầu như trong bất cứ trường đại học, cao đẳng nào cũng có những nhóm sinh viên làm nghề “bán duyên”.

Cơ hội làm thêm mới cho sinh viên

Phú Tài, sinh viên trường ĐH Thương mại cho biết: “Để giữ uy tín và đứng vững trong “thương trường”, việc khó nhất là tìm người làm lâu dài.”

Sinh viên mới đặt chân vào nghề được đi theo quan sát một buổi. Sau đó họ được huấn luyện cách đi đứng hành xử sao cho phù hợp với lễ ăn hỏi. Đào tạo tuy không quá công phu nhưng cũng mất vài ngày.

Nhưng theo quan niệm xưa, mỗi lần bưng tráp cũng như đỡ tráp là một lần “bán duyên”. Mỗi người chỉ được “bán” tối đa 3 lần, nếu không sau này sẽ khó lấy vợ lấy chồng. Chính vì vậy, nhiều người đi làm hai lần, vừa quen việc là đã xin “giải nghệ”. Trưởng nhóm lại phải đi tìm người mới về để hướng dẫn.

Thương (ĐH Thương mại) tìm người bằng cách vào kí túc xá “ngắm” các bạn “chân dài” rồi dán các tờ quảng cáo, phát tờ rơi, rao vặt trên mạng...

Vốn đầu tư ban đầu với những sinh viên đứng ra làm dịch vụ này cũng là một trong những vấn đề nan giải vì sinh viên hầu hết sống nhờ trợ cấp của bố mẹ, có làm thêm thì tiền lương cũng hết sức eo hẹp. Trong khi đó, nghề bê tráp lại đòi hỏi có một khoản đầu tư tương đối lớn vào các khoản như: Trang phục, phấn son, phương tiện đi lại...

Đối phó với vấn đề trên, các bạn sinh viên phải tận dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. Lúc đầu chưa có tiền thì đi thuê lại quần áo ở các cửa hàng, trung tâm trang phục, sự kiện. Sau vừa làm thêm vừa vay mượn để may trang phục. Phương tiện đi lại cũng là một vấn đề lớn, những đám cưới hỏi gần thì không phải bàn làm gì, nhưng cũng có đám cách xa hai, ba chục cây số, bỏ thì tiếc mà đi thì không có sức. Bắt xe thì lại phải trả thêm một khoản không nhỏ. Vì thế, nhiều khi cả đội lại cố gắng đạp xe đạp. Đây cũng chính là lí do để xảy ra tình trạng dở khóc, dở cười của những người trong nghề.

Quốc Huy (ĐH KTQD) kể lại: “Có lần cả nhóm đang đạp xe trên đường tới nhà trai thì bất ngờ trời mưa to. Chúng em phải vào cửa hàng thời trang mua tạm mỗi người một cái áo trắng loại rẻ tiền nhất. Quần thì ướt nguyên nhưng cả bọn vẫn cứ đi. Tiền công với tiền mua áo là hòa nhau nhưng vẫn cứ phải làm để giữ uy tín”

Một trong những khó khăn dễ vấp phải là vào mùa thi cử hay lịch học có sự thay đổi. Khi đó, sinh viên rất khó để sắp xếp thời gian cho công việc ngoài giờ vì họ phải dồn sức cho nhiệm vụ chính. Không muốn thất hứa và làm hỏng việc của khách hàng, các bạn trẻ đã kiếm tìm nhân lực ở nhiều trường, nhiều địa bàn khác nhau để hoán đổi vị trí khi cần. Theo họ, đây là cách để giữ chữ tín. Có như vậy thì mới mong tồn tại lâu dài trên thị trường.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.