Sinh viên quay cuồng trong vòng xoáy vay nặng lãi

Những hoạt động vay tiền bằng thế chấp đồ đạc như: thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân hoặc các tài sản có giá trị khác như xe máy, máy tính, điện thoại là điều thường thấy trong đời sống sinh viên.

Những hoạt động vay tiền bằng thế chấp đồ đạc như: thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân hoặc các tài sản có giá trị khác như xe máy, máy tính, điện thoại là điều thường thấy trong đời sống sinh viên.

Những ngã rẽ sai lầm

 

Dạo qua mấy phố lớn ở Hà Nội, chúng ta có thể thấy các hiệu cầm đồ mọc lên san sát. Đường Láng (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) được biết đến như một Đặng Dung thứ hai ở Hà thành con phố của tiệm cầm đồ, với dãy dài các hiệu mọc liền kề nhau, với những cái tên như Q.H, N.T, V.T... Vì thế, giới sinh viên thường gọi con đường này là "phố cầm đồ".

 

Đa phần, các chủ hiệu cầm đồ thường kiêm luôn các chủ nợ, chuyên cho vay tiền "nóng". Hai hoạt động kinh doanh này gắn chặt với nhau, nửa công khai, nửa bí mật nên rất khó nắm bắt.

 

Bạn Dương Văn Trung (SV ĐH Luật Hà Nội) cho biết: "Trên danh nghĩa, các tiệm cầm đồ hoạt động bằng việc cầm cố tài sản. Nhưng thu nhập chính của các quán này là dựa vào nguồn lãi khủng, mà các chủ hiệu lấy từ nguồn vay thế chấp của các con nợ. Đối tượng chủ yếu họ hướng đến là sinh viên, học sinh, đặc biệt là những cậu ấm ham chơi, dễ trở thành “mồi ngon” cho các chủ hiệu".

 

Không ít các sinh viên, ban đầu chỉ vì nhu cầu giải quyết nhanh một số khoản chi tiêu mà đến các quán cầm đồ mượn tiền, dưới hình thức vay nóng, nhưng sau đó không thể rút ra khỏi vòng xoáy của nợ nần.

 

Trước đây, tôi có quen một cậu bạn cùng quê tên là Tùng (Ân Thi, Hưng Yên). Tùng vốn là học sinh ngoan và học giỏi có tiếng. Cậu ta thi hai trường đại học đều đậu cả hai. Thế nhưng, sau mấy năm không có tin tức, giờ nghe tin cậu ta đã bỏ học và đang dặt dẹo ở quê...

 

Được biết, Tùng bắt đầu tham gia game online từ năm thứ hai. Không những thế, lô đề, bài bạc cậu ta đều rất thạo. Xa gia đình, nhà lại tương đối khá giả nên ban đầu, hễ cậu ta xin tiền, gia đình đều gửi lên cho.

 

Sau một thời gian, cậu ta bị gia đình phát hiện nên các khoản trợ cấp không còn như xưa. Cậu bèn quay ra vay tiền bạn bè, rồi cầm cố máy tính, xe máy để lấy tiền chơi game, chơi đề. Một thời gian sau, số tiền nợ đã lên tới 20 triệu đồng và Tùng bị chủ nợ đòi ráo riết. Gia đình phải từ Hưng Yên lặn lội lên Hà Nội để trả nợ thay. Cuối năm đó, Tùng cũng bị đuổi khỏi trường đại học vì học lực kém.

 

Những quán cầm đồ như thế này thường có một số kiêm luôn dịch vụ cho vay nặng lãi.
Những quán cầm đồ như thế này thường có một số kiêm luôn dịch vụ cho vay nặng lãi.

 

"Vay nóng" và lãi... khủng

 

Trong vai một sinh viên cần "vay nóng" một khoản tiền, PV đã xác thực được phần nào thực trạng vay nợ nặng lãi của sinh viên hiện nay. Không cần phải nhọc công tìm kiếm, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khóa "vay nóng", sẽ xuất hiện một loạt các quảng cáo, mời chào mọi người vay tiền với lãi suất thấp. Chúng tôi liên lạc với một số điện thoại để trao đổi việc vay tiền.

 

Người phụ nữ bên kia đầu dây hỏi địa điểm sinh sống, trường đang học... sau đó trả lời chúng tôi rằng: "Chắc tôi không giúp được. Tôi chỉ cho vay với những người có địa điểm ở khu vực Từ Liêm Hà Nội. Anh ở Thanh Xuân Hà Nội thì xa quá!". Chúng tôi phải năn nỉ mãi, người phụ nữ này mới đồng ý chuyển cho chúng tôi một số điện thoại liên lạc khác.

 

Lần này, một thanh niên nghe máy. Khi chúng tôi yêu cầu vay 3 triệu đồng thì người này có vẻ lưỡng lự. Sau cùng, anh ta hẹn chúng tôi đến tiệm cầm đồ của anh ta, gần trường đại học Công nghiệp Hà Nội để giao dịch cụ thể. Trước đấy, anh ta đồng ý lấy lãi là 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Theo địa chỉ đã cung cấp, chúng tôi đến địa điểm đã hẹn. Trong quán khá đông người, chủ yếu là sinh viên và một số cậu học sinh trung học chừng 16 - 17 tuổi đang đợi lấy tiền.

 

Khi biết chúng tôi chỉ có chứng minh thư mà không có thẻ sinh viên, chủ tiệm đã không đồng ý giao dịch tiếp. "Nếu không có thẻ sinh viên, phải có vật thế chấp khác có giá trị. Mỗi lần tôi cho vay, tối đa được 2 triệu đồng thôi", chủ tiệm nói.

 

Thấy vẻ lưỡng lự của chúng tôi, một thanh niên đứng gần đấy nói khẽ: "Lãi ở đây nhìn chung là mềm đấy. Một số nơi khác, giá "chát" hơn rất nhiều. Có nơi lấy lãi lên tới 15.000 đồng/1 triệu/ngày. Nếu không quen, giá còn cao nữa.

 

Nói chung ở đây, họ làm ăn uy tín, nếu không đúng hạn vẫn có thể gia hạn thêm mấy hôm, chứ không gắt gao như một số cửa hàng khác". Qua trò chuyện, chúng tôi biết được, thanh niên này là sinh viên của trường đại học Công nghiệp Hà Nội, là khách hàng quen thuộc của cửa hàng này.

 

Ngoài những đối tượng đến đây vay tiền là sinh viên, chúng tôi còn thấy cả học sinh phổ thông ở các trường lân cận cũng tìm đến. Nguyên do cũng không khác với lớp đàn anh là bao, như: Lô đề, bài bạc, điện tử... Có điều, những học sinh đến đây vay tiền được chủ hàng ưu ái hơn. Bởi lẽ, những học sinh này đều là người ở quanh khu vực, dễ kiểm soát và dễ "móc túi" hơn.

 

Giấy tờ, hóa đơn giao dịch cũng khá đơn giản. Đó là một tờ giấy viết tay do chủ tiệm viết có ghi ngày, giờ, tên người vay và thời gian trả nợ. Giấy này được lập thành hai bản, một bản do chủ tiệm giữ, một bản cho người vay giữ.

 

Ngoài ra, người vay còn phải cầm thẻ sinh viên và chứng minh thư nhân dân. Vẫn theo sinh viên trên, đối với những trường đại học bình thường thì giá một thẻ sinh viên “cầm” được khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với sinh viên các trường thuộc khối an ninh hoặc quân đội, số tiền được vay có thể tăng gấp 5 - 6 lần...

 

Có những sinh viên, ban đầu chỉ vay khoảng 4 triệu đồng, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi vỡ lở ra, số tiền phải trả cho mỗi chủ nợ lên tới vài chục triệu đồng. Có trường hợp cá biệt, con số lên tới hơn hàng trăm triệu đồng, như trường hợp sinh viên Nguyễn Thị Minh H. (khoa Hóa, trường đại học Thái Nguyên). Vì muốn giúp bạn nên cô nữ sinh viên này đã đi vay 25 triệu đồng. Sau một thời gian, số tiền cả gốc, lẫn lãi mà chủ nợ yêu cầu lên tới 175 triệu đồng...

 

Để có tiền trang trải cho cuộc sống, hiện nay, rất nhiều sinh viên đang đùa giỡn với tương lai của mình. Họ chấp nhận bị lợi dụng, thậm chí có người coi đó là cứu cánh cho những khó khăn trước mắt mà bất chấp những rủi ro sau này.

 

Đối với họ, "vay nóng" là một giải pháp hiệu quả và tiện lợi. Dựa trên tâm lý như vậy, giới chủ cho vay đã phất lên nhanh chóng nhờ vào những mưu mẹo, cũng như thủ đoạn của mình. Nạn nhân cuối cùng vẫn là những con nợ và gia đình của họ.

 

Điều 476, bộ luật Dân sự năm 2005, phần 3, chương 18 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

 

Trong khi đó, Điều 163, bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: 1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm;

 

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm; 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.            

 

Theo Đời sống& Pháp luật



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.