Sinh viên ra trường với nỗi lo thất nghiệp

Trước khi điền vào hồ sơ thi đại học, nhiều bạn trẻ đã băn khoăn trong việc chọn trường, chọn nghề. Tuy nhiên, sau 4 - 5 năm “dùi mài kinh sử”, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống, vẫn còn nhiều bạn không trả lời được câu hỏi: “Mình sẽ làm gì?”, “Ở đâu?”...

Học tiếp để được cha mẹ... nuôi

Học cao, học rộng, học nhiều là lựa chọn của những người ham học hỏi, mong muốn tích lũy kiến thức để phục vụ tốt cho công việc, sự nghiệp. Nhưng, nhiều sinh viên (SV) sắp ra trường, trước áp lực phải sống tự lập đã chọn giải pháp đi học tiếp để vẫn được bố mẹ chu cấp.

Nhiều sinh viên năm cuối sống trong nỗi lo không biết khi ra trường sẽ làm công việc gì

Bốn năm là SV trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, Thúy chưa bao giờ phải đặt chân đến Trung tâm Gia sư hay Trung tâm Giới thiệu việc làm nào. Cứ đầu tháng, bố mẹ Thúy đều đặn gửi tiền ăn ở, sinh hoạt cả tháng cho cô con gái “rượu” chi tiêu, họ không muốn Thúy phải lo lắng kiếm việc làm thêm mà chỉ mong con chú tâm vào học.

Chính vì được nuông chiều như vậy nên khi sắp tốt nghiệp đại học, phải đối mặt với cuộc sống tự lập khiến Thúy thực sự lo lắng. Ra trường rồi, cô không thể chỉ ngồi chơi để nhận không của bố mẹ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện nộp hồ sơ vào các công ty thì Thúy không đủ tự tin.

Tuy gia đình đã sắp xếp cho cô một công việc nhàn nhã trong một cơ quan Nhà nước ở tỉnh nhà nhưng theo Thúy “tuổi trẻ phải có nhiều hoài bão” nên cô tiếp tục bám trụ lại thủ đô.

Học văn bằng hai ở trường kinh tế là lựa chọn tối ưu nhất có thể giải quyết một lúc nhiều vấn đề của Thúy: Vẫn được ở Hà Nội và được bố mẹ chu cấp.

Cũng chật vật đi gia sư, đi làm thêm ở nhiều trung tâm nhưng đến thời điểm ra trường Loan vẫn không đủ tự tin: Em sợ mình không đủ kinh nghiệm để đi thi tuyển vào các công ty. Em chỉ muốn đi dạy hợp đồng cho một trường nào đó nhưng nghe nói họ chỉ trả 15.000 đồng/tiết học, số tiền đó chẳng... đủ ăn thì sức đâu mà dạy.

Trước thực tế đó, có đến 7/9 bạn cùng phòng Loan dự định sẽ học lên cao học hoặc học văn bằng hai để tích lũy thêm kiến thức cho mình. Nhưng, học mà không xác định rõ mục đích nghề nghiệp thì sau khi kết thúc mấy năm học thêm, các bạn vẫn không tìm được câu trả lời sẽ làm gì trong tương lai.

“Long đong” tích lũy... kinh nghiệm

Hầu hết SV mới ra trường đều chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Cho nên, ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, các bạn đều bị nhà tuyển dụng từ chối.

Một kinh nghiệm của các cựu SV cho rằng, ngay từ khi mới ra trường, các bạn nên nộp hồ sơ vào các công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần phù hợp với năng lực của mình để tích lũy kinh nghiệm. Khi đã làm quen với công việc, bắt kịp được tiến độ làm việc của công ty, cộng thêm chuyên môn vững, lúc đó sẽ đủ tự tin để nộp hồ sơ vào những công ty lớn.

Hồng Vân, ra trường gần 2 năm, hiện là điều phối viên cho một dự án phi Chính phủ với mức lương mà nhiều bạn trẻ mơ ước chia sẻ: “Khi ra trường, mình cũng tự ti lắm, đi dự tuyển mà người cứ run cầm cập. Rồi mình được nhận vào làm văn phòng cho một dự án nhỏ. Ban đầu, công việc cũng đơn giản, chỉ soạn thảo, gửi công văn và một vài công việc lặt vặt. Thế nhưng, mình học hỏi từ đồng nghiệp cách sắp xếp và quản lý công việc, dần dần mình được tín nhiệm giao những công việc phức tạp hơn. Và khi có dự án mới đang cần điều phối viên, thấy mình có khả năng đáp ứng được, dự án đó đã mời mình sang làm. Hiện giờ, hầu như mọi việc của dự án đều do mình xử lý và quyết định”.

Thực tế cho thấy, những bạn thời SV chịu khó đi làm thêm hay những bạn thường xuyên tham gia các phong trào Đoàn, Hội, phong trào tình nguyện có cơ hội tìm được việc làm cao hơn. Bởi, khi được sống trong những môi trường năng động, các bạn sẽ rèn được sự nhạy bén cũng như nhiều kỹ năng khác tốt cho công việc sau này.

Theo Linh Đan



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.