Sợ trộm, sinh viên “cầm đồ” để về quê ăn Tết!

Trong 1-2 tuần trở lại đây, ở các xóm trọ, nhiều bạn sinh viên đang cố gắng tìm cách để gửi đồ đạc có giá trị, thậm chí có bạn còn mang đồ ra gửi tại... tiệm cầm đồ để yên tâm về quê ăn Tết.

Trong 1-2 tuần trở lại đây, ở các xóm trọ, nhiều bạn sinh viên đang cố gắng tìm cách để gửi đồ đạc có giá trị, thậm chí có bạn còn mang đồ ra gửi tại... tiệm cầm đồ để yên tâm về quê ăn Tết.

Về quê ăn Tết, các bạn trẻ vẫn lo lắng cho đồ đạc để trên khu trọ hay KTX.

Bạn Ngô Thái Thịnh quê ở Thanh Hóa hiện đang thuê trọ ở ngõ 175 Xuân Thủy cho biết: “Năm nay là năm thứ 2 mình ở Hà Nội, năm ngoái do không biết nên mình chủ quan để máy tính và xe đạp ở trong nhà trọ.
 
Đến mùng 10 lên Hà Nội thì thấy nhà cửa tan hoang, máy tính và xe đạp đã không cánh mà bay. Vì vậy, năm nay thay vì để đồ ngay tại phòng trọ, mình đã xin chủ nhà cho để nhờ cái máy tính đã đóng hộp cẩn thận đến hết Tết”.

Không như bạn Thịnh có chủ nhà “dễ tính” cho để nhờ, bạn Lưu Linh hiện đang theo học tại trường Học viện báo chí tuyên truyền (Hà Nội) chia sẻ: "Bạn bè mình toàn người ở quê, không thể nhờ ai được.

Có gửi chủ nhà, nhưng ông bà khó tính, bắt đóng 300 ngàn tiền gửi đồ. Mình thấy đắt đỏ quá nên đành lích kích mang theo những đồ đạc có giá trị về quê, còn quần áo thì đành để lại xóm trọ và … xác định mất nếu không may”.

Những dãy nhà trọ xập xệ như thế này rất dễ bị kẻ trộm ghé thăm.

Liều hơn, có những bạn nam còn mang đồ đạc của mình đến tiệm cầm đồ để… gửi, vừa được  “giữ đồ hộ” lại có tiền tiêu Tết. Nhưng phương án này cũng có vẻ không phải là lựa chọn đúng đắn vì các tiệm cầm đồ có thể dễ dàng thay những linh kiện máy tính, đổi đồ xe,  thậm chí tráo đổi sản phẩm.

Không chỉ các sinh viên thuê nhà trọ ngoài lo lắng mà ngay trong cả ký túc xá của các trường Đại học cũng sợ hãi không kém. Bạn Bùi Lan Phương đang là sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội cho hay: "Mình ở ngay trong ký túc xá nhưng cách đây 2 hôm khi đi bán hàng Tết, mình có để quên ví và chiếc điện thoại ở phòng.

Mặc dù có khóa phòng hẳn hoi nhưng lúc về thì ổ khóa đã bị vỡ và đồ đạc của 9 bạn cùng phòng cũng đã bị mất hết. Trong đó có 4 bạn đã về quê trước đó, mình có gọi điện thông báo, nhưng giờ vẫn thấy sợ hãi và chuyển ra ngoài ở cùng với bạn chứ không ở trong ký túc xá nữa”.

Những vật dụng đắt tiền đều được các bạn sinh viên đem đi "gửi" nơi khác.

Tiếp lời, bạn Phương, bạn Kim Thúy  đang là sinh viên trường Học viện tài chính cho hay: Trường  tài chính năm nay nhà trường có tổ chức giữ đồ hộ cho sinh viên ở trong ký túc xá. Tuy nhiên điều đó cũng không đáp ứng hết được nhu cầu của sinh viên trường nên một số bạn đành chấp nhận mang đồ ra ngoài... gửi để tiện về quê cho kịp Tết.

Các khu xóm trọ sinh viên thuê, đa số an ninh thường không được đảm bảo, cửa nẻo tạm bợ, thậm chí chốt cửa còn không có, điều đó rất dễ cho kẻ trộm hoạt động mạnh.

Trao đổi với chúng tôi trung tá Mạc Đình Thắng, Phó Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu cho hay: Trên địa bàn phường có 6 trường Đại học và 3 trường Cao đẳng lân cận. Vì vậy, số lượng sinh viên thuê trọ ở đây rất nhiều, đó cũng là địa điểm lý tưởng cho các “đạo chích”  hoạt động.

Mặc dù phường đã liên tục cử các cán bộ đi kiểm tra và theo dõi nhưng vẫn không quản lý hết được những dãy nhà trọ quanh khu vực này”.

Theo Dạ Thảo (Dân Trí)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.