Teen ưa "hàng thùng"

Các phố chợ hàng "thùng" tung quần áo ấm ra bán, nhanh chóng tựa như ta nghe tin có đợt gió lạnh, bất chợt tràn về.

Kim Liên, Khương Thượng rồi một góc nhỏ phố Xuân Thủy, một ngách phố Quý Đức (quạn Thanh Xuân) v.v... la liệt những quần bò, budông, khăn quàng, áo len các kiểu.

Cũng không chỉ hàng dành riêng cho anh chị công nhân, sinh viên nghèo mà còn ngồn ngộn những thứ cho các em sắp lớn!

Đám tuổi "teen" có thể tự mình chọn hàng, cũng có thể rủ các bạn cùng đi. Ít khi các em đi cùng cha mẹ vì các cụ không cùng đích ngắm với các "teen".

Nghĩa, học sinh lớp 10 trường Am (Amterdam), tỏ ra là một tay sành điệu, có lẽ do cậu thấm cái mốt dùng đồ si của người anh trai. Nghĩa đưa nhóm bạn vào mấy shop chuyên hàng si nằm khuất trong chợ đồ "thùng" Kim Liên. Cậu lật từng chiếc quần bò, cái túi, chiếc dây lưng, đôi giầy, v.v... "second-hand" nhưng thuộc những thương hiệu tên tuổi như Guess, Gucci, Burberri, Ecco, Clarks... để nói với mấy bạn rằng chọn những thứ còn tám, chín chục phần trăm (chất lượng) rồi hãy hỏi giá.

Trong nhóm đi cùng Nghĩa, có cô bạn gái tỏ ra không ham mấy thứ hàng hiệu mà ưa mấy thứ Nghĩa gọi là "màu mè". Cô chọn mấy thứ có chất liệu rất khá, nhưng cái áo vàng rộm và chiếc váy xanh thẫm. Cô bé bảo hai màu không quá chọi nhau mà lại tôn vẻ rực rỡ lên mà thôi.

Quần áo loại "phá cách" của các "teen" gái khi này không phải là chuyện gì xa lạ. Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, đi trên đường phố Hà Nội, ta dễ bắt gặp các "teen" năm ba cô mặc áo quần "phá cách": Tóc đỏ, váy đỏ, giầy tất đỏ, cũng có khi trên đỏ, dưới vàng, giày tất màu xanh lét.

Khác với nhóm của Nghĩa, nhiều bạn trẻ chọn thứ hàng si mình ưa thích nhưng giá phải rẻ, bằng vài ba chục phần trăm đồ mới, cao hơn thì không ham. Tất nhiên những đồ này người ta dùng nhiều lần hoặc hơi lâu rồi, nhưng rẻ thì chọn được nhiều thứ để thay mốt, vẫn thích hơn. Lại nữa, thực ra hàng si bây giờ chất lượng không đến nỗi quá kém. Các "teen" được anh chị lớn chỉ dẫn hoặc tự phát hiện, vào tận nhà người bán, đến tiệm có địa chỉ, tên gọi đàng hoàng để chọn đồ.

Mua hàng si có điều là tốn thì giờ. Các "teen" học giỏi, uy tín với cha mẹ thì ít bị giám sát giờ giấc, còn nhìn chung thì không thể muốn sao cũng được. Các "teen" lại có một cách "khắc phục" là tìm web, nhìn hình dáng sản phẩm, check giá và khi ưng ý thì đến đúng địa chỉ, tận mắt xem, chọn hàng.

Nghĩa sành điệu là vậy mà có khi hấp tấp, háo hức ôm món hàng mấy ngày rồi thấy hớ, thấy không hợp với mình. Cậu lại phải "xử lý" bằng cách lên mạng rao bán. Đã một lần Nghĩa rao bán được "chú dế" nhiều chức năng, nhưng có những chức năng cậu không khi nào dùng. Các "teen" không thể buôn, nhưng với cách "xả" hàng như thế, cũng giúp các "teen" đổi được đồ, tiết kiệm được một số khoản tiền.

Cũng phải kể qua một chút về Đại, người anh trai của Nghĩa, cũng vừa mới qua tuổi "teen". Ngày Đại học lớp 11, cậu mơ có một đôi giầy "sịn". Nhưng tới tiệm nào cũng thấy có giá vài, ba triệu đồng. Trong lúc không còn dám nghĩ tới giày hàng hiệu thì cậu gặp trên mạng một đôi Ecco. Lần ấy, Đại "thành công" với đôi giầy đẹp chỉ với bốn trăm nghìn đồng.

Từ khi có giầy hiệu, Đại trang bị tiếp cho mình quần bò, áo phông, kể cả chiếc cặp sách cũng là đồ si. Phải nói rằng từ ngày biết mua hàng si, Đại trở nên "phóng khoáng" hơn trong những lúc tặng quà cho em trai, hoặc chia sẻ với nhóm bạn cùng lứa...

Theo Nguyễn Chí Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.