Tuổi mới lớn bỗng nhiên "trở chứng"

Thấy con gái đóng chặt cửa phòng từ sáng đến chiều, kêu mệt, không ăn uống, người mẹ tìm mọi cách thuyết phục nhưng cô bé nhất định không ra khỏi phòng, cũng không cho mẹ biết lý do.

Chị gọi điện cho chồng về thuyết phục được con ra, nhưng câu trả lời vẫn là sự im lặng và khuôn mặt vô hồn của con.

Nỗi buồn không tên

“Trước thì nó thích làm những điều mình muốn, quậy phá để gây sự chú ý, luôn chống đối cha mẹ và đua đòi bạn bè. Nay bỗng dưng nó quay ra... chán. Mở miệng kêu chán, ăn chán, nói năng càng chán. Tôi không biết phải làm gì khi nhìn đứa con đang tuổi lớn biến thành bóng vô hồn thiếu sinh khí”. Chị Phượng Nga, khu tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội buồn bã nói về Bích, cô con gái “rượu” của mình.

Tuổi dậy thì có rất nhiều biến động, lòng tự ái, tự trọng rất cao, muốn khẳng định để người khác biết mình là ai trong xã hội, muốn mọi người tôn trọng như người lớn.

Sau rất nhiều buổi tìm hiểu, lên blog của con, qua các cuộc điện thoại tâm sự của con với bạn bè, cuối cùng anh chị ngã ngửa khi biết lý do con mình chán là vì trót sinh ra... là con nhà giàu. Hóa ra, chỉ vì một câu nói của một cậu bạn trai mà Bích để ý “cậu thì biết gì, mở mắt ra đã sống trong nhung lụa, hiểu thế quái nào được đời”. Từ đó, con bé “mặc cảm”, không biết phải ứng xử với người bạn mình thích như thế nào. Càng chứng minh một điều gì đó, càng bị chê là “cậu ấm, cô chiêu, thả ra ngoài đời không làm gì nên hồn”; Bích càng bị ức chế, bị mất điểm và trở nên không thiết gì học hành, ăn chơi nữa...

Còn nỗi buồn của Thắng, học sinh trường THPT Kiến An, Hải Phòng là hay bị bố mẹ la mắng. Từ một học sinh có học lực khá, điểm của Thắng bỗng tụt xuống mức trung bình, thái độ học hành chểnh mảng, có những hành động bất cần. Cô chủ nhiệm kiên trì hỏi han, đồng cảm, Thắng tâm sự: “Trong con mắt của bố mẹ, em là đứa con vô tích sự. Mẹ rất hay để ý và chê em không bằng ai, hay chì chiết nói em là giống bố rồi cũng chẳng ra gì. Thương mẹ, nhiều khi em muốn học để mẹ vui lòng nhưng khi nghĩ lại những lời nói của mẹ, em không muốn học nữa. Em chỉ muốn bỏ hết, vào Đắk Lắk trồng cà phê với chú em, lập nghiệp trong đó, cho khuất mắt mẹ em”.

Cùng nỗi buồn với Thắng, Trúc Linh ở khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội luôn mặc cảm về hình dáng của mình, nhất là khi mẹ nói “tránh ra chỗ khác cho đỡ vướng”, “ăn vừa vừa thôi, không đủ tiền mua quần áo đâu”. Linh biết, mẹ có nhiều điều không hài lòng trong cuộc sống gia đình, nhưng em là con gái, rất cần sự cảm thông và dạy dỗ của mẹ. Nhưng mỗi lần ở gần, Linh lại sợ bị mẹ chê... Một lần, do quá buồn chuyện không được chọn đi thi học sinh giỏi Lý, lại bị mẹ chê trách, Linh đã viết thư và uống một vốc thuốc ngủ. May là cậu em của Linh phát hiện kịp thời...

Bước qua khủng hoảng

Không ít bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc không hiểu sao bỗng nhiên con mình trở chứng. Nhiều cha mẹ quá bận rộn với công việc, không có thời gian ở gần, tâm sự, tìm hiểu tâm tư của con. Thậm chí, mẹ của Bích cho rằng “nó sướng quá hóa dại, có thiếu thốn gì đâu mà bỗng dưng rồ dại chỉ vì không được biết cảm xúc của một đứa con gia đình khó khăn để phấn đấu. Trong khi con người ta không có tiền để ăn học, thì con nhà này tự nhiên thích làm kẻ túng thiếu. Không hiểu nó còn muốn gì nữa...”.

Theo các nhà nghiên cứu về tâm lý tuổi mới lớn, đa số các em ở độ tuổi này đều gặp những rắc rối về vóc dáng, trọng lượng, lối ăn uống vô độ hay những cảm xúc đầu đời mới lạ. Nhiều em biểu lộ sự chán nản, buồn bã đối với vấn đề mình đang phải đương đầu. Một số em lại không dám nói ra những băn khoăn gặp phải, cần sự giúp đỡ nhưng không biết phải nói với ai.

Biểu hiện thường gặp ở các em là thích thể hiện, nổi loạn, muốn chứng minh mình nhưng nếu gặp phải những vấn đề ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát thì ngay lập tức chán nản, như quả bóng xì hơi, uể oải, lừ đừ, kém năng động, không muốn đi ra ngoài, không thích thể thao hoặc chẳng buồn động đến sách vở. Sự phát triển của cơ thể, những áp lực của việc học hành thi cử, những băn khoăn tâm lý đầu đời... khiến trẻ mệt mỏi, chán nản. Giai đoạn “xì hơi” này cũng chỉ là một phần bình thường trong tiến trình phát triển của tuổi teen. Các cô bé, cậu bé cần thời gian riêng để... không làm gì cả.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Quý, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Tuổi dậy thì có rất nhiều biến động, lòng tự ái, tự trọng rất cao, muốn khẳng định để người khác biết mình là ai trong xã hội, muốn mọi người tôn trọng như người lớn. Nhưng người lớn lại không hiểu, coi chúng như trẻ con áp đặt. Những nhu cầu, trẻ con giao lưu mở rộng nên hiểu biết rất nhiều, đặc biệt là về quyền tham gia, quyền phát triển. Chúng ta gặp phải vấn đề là, nếu trước đây chúng ta đòi hỏi ở trẻ nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm mà quên mất quyền của chúng, thì nay, nhiều người lại quá coi trọng và tôn trọng quyền của trẻ mà quên không giáo dục trẻ nhiều về nghĩa vụ và trách nhiệm”.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi các bậc cha mẹ băn khoăn, khổ sở khi thấy con cái có biểu hiện khác thường, cách tốt nhất là bạn hãy coi như không có chuyện gì xảy ra. Nếu bạn vẫn băn khoăn, hãy gặp và hỏi bạn bè của con để biết có điều gì bất thường hay liệu con bạn có gặp rắc rối gì với “mối tình đầu” của chúng hay không, để tìm ra nguồn gốc của vấn đề nhằm có biện pháp xử lý...

Theo Hà Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.