Các ông bầu có nên rút khỏi VPF?

Việc các ông bầu có đội bóng đang thi đấu tại V-League và giải hạng Nhất nhưng lại nắm giữ những vị trí chủ chốt tại VPF được nhiều người cho rằng họ đang "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

 Việc các ông bầu có đội bóng đang thi đấu tại V-League và giải hạng Nhất nhưng lại nắm giữ những vị trí chủ chốt tại VPF được nhiều người cho rằng họ đang "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Mùa giải vừa qua, vấn đề rút lui của các ông bầu khỏi VPF đã được nhắc tới rất nhiều lần. Thậm chí, ở những vòng đấu đầu tiên của mùa giải khi các quyết định của trọng tài không biết "vô tình hay cố ý" nhưng có phần "nghiêng" về các đội bóng của các ông bầu trong VPF, đã có nhiều đội bóng cảm thấy không an tâm với việc các ông bầu trong VPF là những người trả lương cho các trọng tài. Trong khi trọng tài lại là những người cầm cân nảy mực trên thảm cỏ xanh.

Đã có ý kiến cho rằng "các ông bầu nên hạn chế đến sân cổ vũ đội bóng, để tránh sự phân tâm của các trọng tài". Thế nhưng, đâu lại vào đấy, và có vẻ như yêu cầu trên là "hơi quá" khi các ông bầu đã bỏ ra rất nhiều tiền để nuôi đội bóng, mà lại không được đến sân cổ vũ cho "đứa con tinh thần" của mình thì quả thực... vô lý.

Đã đến lúc các ông bầu rút khỏi VPF?

Câu nói "các ông bầu nên rút khỏi VPF" được Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nêu ra khi mùa giải 2012 chuẩn bị bước vào 6 vòng đấu cuối cùng, khiến cho sự việc càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Thực tế, thời điểm mà ông Phó chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng phát đi thông điệp trên có thể không phù hợp nhưng quan điểm trên của ông không phải là không có lý.

Với việc mùa giải 2012 đã kết thúc, lễ tổng kết mùa giải 2012 chuẩn bị diễn ra, giờ là thời điểm chúng ta cần phải đặt lên bàn cân soi xét việc các ông bầu nắm giữ các vị trí chủ chốt trong VPF có thực sự tốt cho sự phát triển của bóng đá nước nhà?

Nhìn lại cả mùa giải vừa qua, các ông bầu trong VPF đã tạo ra khá nhiều nét mới, trong đó có việc lôi kéo được khán giả đến sân đông hơn mùa giải trước đó, hay như việc bầu Đức bỏ tiền túi của mình trang bị 16 bộ đàm cho các trọng tài, cùng với việc các ông bầu đã minh bạch hơn trong việc tiếp xúc với báo chí và dư luận...

Thế nhưng, nếu nhìn rộng ra thế giới, hay đơn giản nhất là việc chúng ta đang đi theo mô hình của bóng đá Nhật Bản, thì sẽ dễ dàng nhận thấy, việc để các ông bầu có đội bóng tham dự cuộc chơi ở V-League cũng như giải hạng Nhất lại nắm giữ các vị trí chủ chốt trong VPF là đi ngược lại với xu hướng làm bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới nói chung.

Thiết nghĩ, bây giờ là thời điểm những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà cần phải đặt ra vấn đề "các ông bầu có nên rút khỏi VPF" ở thời điểm này?

Thay vì khi cuộc chơi đang diễn ra người ta lại bắt đầu đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy, khiến cho nơi hậu trường của bóng đá Việt Nam vốn đã lắm thị phi lại càng trở nên phức tạp...
Theo Vietnamnet

Bình luận