VPF thuê chuyên gia Nhật: Cổ đông không biết!

Trước thông tin VPF định thuê chuyên gia người Nhật Kazuyoshi Tanabe để tham gia điều hành mùa giải 2013, cổ đông của công ty này và giới chuyên môn đã lên tiếng…

 Trước thông tin VPF định thuê chuyên gia người Nhật Kazuyoshi Tanabe để tham gia điều hành mùa giải 2013, cổ đông của công ty này và giới chuyên môn đã lên tiếng…

Trao đổi với Dân Việt chiều 3.1, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc công ty CP bóng đá SLNA cho biết: “Là cổ đông của công ty VPF, nhưng tới giờ, chúng tôi vẫn chưa được biết về ý định thuê chuyên gia Nhật Bản điều hành giải.

Có lẽ đây chỉ là ý tưởng của một cá nhân ở VPF. Thực tế, bóng đá Việt Nam có những đặc thù riêng. Và chúng ta có đủ người hiểu và có thể làm được công tác điều hành giải. Bóng đá không thể tách rời doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp hưng thì bóng đá có điều kiện phát triển và ngược lại. Chúng ta cần bình tĩnh để có những giải pháp mềm dẻo”.

Chuyên gia người Đức Rainer Willfeld (trái) từng không được VFF trọng dụng

Theo ông Thanh, đây là thời điểm mà bất kỳ thành phần nào trong xã hội cũng đang gặp khó khăn về kinh tế, và VPF không phải là ngoại lệ. Đương nhiên, VPF cần phải chi tiêu sao cho hợp lý nhất.

“Tôi nghĩ, VPF chỉ nên có cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia Nhật Bản trong một thời gian ngắn. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế mà áp dụng ở trong nước, tháo gỡ khó khăn. Việc gắn bó lâu dài với chuyên gia Nhật Bản, đặc biệt nếu chỉ dùng họ trong công tác điều hành giải, theo tôi là không cần thiết”, ông Thanh bày tỏ.

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng VPF chỉ nên gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia Nhật Bản trong thời gian ngắn

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đưa ra quan điểm: “Không phải tới bây giờ mà từ trước đây, bóng đá Việt Nam luôn cần chuyên gia ngoại. Nhưng điều tôi lo ngại nhất là chúng ta sẽ tận dụng, học hỏi “chất xám” của chuyên gia ấy như thế nào?”.

Ông Vinh nhắc lại bài học của bóng đá Việt cách đây chục năm khi đã lãng phí chuyên gia người Đức Rainer Willfeld.

Trong khoảng gần 5 năm làm việc tại Việt Nam (1999-2004) với vai trò Giám đốc kỹ thuật của VFF theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam-Đức, ông Rainer nổi tiếng là người có chuyên môn tốt, được các đời HLV đội tuyển như A.Riedl, Calisto coi trọng. Nhưng vị chuyên gia này lại không được VFF trọng dụng (hoặc không biết cách tận dụng tài năng của ông) (?!).

Ấn tượng lớn nhất về chuyên gia Willfeld là một... “người làm tư liệu” nhiệt thành với chiếc máy quay phim luôn ở bên, thay vì đáng ra ông phải vào vai một “kiến trúc sư” bóng đá Việt Nam.

“Thời điểm này khó khăn thật, nhưng đời sống bóng đá vẫn phải tiếp diễn. Tôi không phản đối việc VPF thuê chuyên gia, nhưng thuê rồi, chúng ta phải biết cách “khai thác” sao cho xứng với "đồng tiền bát gạo".

Nếu chỉ thuê chuyên gia để điều hành giải thì quá lãng phí. Tôi hy vọng vị chuyên gia người Nhật này có thể đưa ra được những kinh nghiệm thiết thực để lôi kéo người hâm mộ tới sân, thu hút quảng cáo, tài trợ và đặc biệt “quy hoạch” được một lộ trình đào tạo bóng đá trẻ bài bản.

Nhật Bản là đất nước có thể thao trường học, hệ thống đào tạo trẻ rất phát triển và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được từ họ”, ông Vinh bày tỏ.

Bước đầu và cũng là bước đi quan trọng nhất là ngay sau khi chuyên gia Kazuyoshi Tanabe tới Việt Nam, lãnh đạo VFF, VPF cần có những cuộc làm việc để hiểu rõ về nhau. Khi hai bên cảm thấy thực sự cần nhau thì mới nên có những cam kết gắn bó.

“Trong bộ máy VPF có nhiều doanh nhân thành đạt và họ sẽ biết cách tiêu đồng tiền một cách đúng đắn nhất. Thời buổi khó khăn, không ai chấp nhận sự phung phí. Và nếu VPF không có chiến lược, những bước đi cụ thể, chi tiết song hành với quyết đinh thuê chuyên gia, thì chuyện họ phải đối mặt với phản ứng từ dư luận là điều đương nhiên”, ông Vinh chốt lại.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.