5 câu hỏi với 5 lần xăng tăng giá

- Từ đầu năm 2009 đến nay, tức trong vòng nửa năm tròn, giá bán lẻ xăng đã tăng lần thứ năm. Từ mức 11.000 đồng/lít xăng A92 nay là 14.200 đồng/lít (tăng thêm 700 đồng/lít từ 01/7/2009).

Nếu chỉ tính riêng từ 2/4 đến nay, giá xăng bán lẻ trong nước đã có 4 lần điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng là 2.700đồng/lít (từ 11.500đồng/lít lên 14.200đồng/lít), tương đương tăng lên 23%.

Chuyện giá xăng lên bổng xuống trầm như cơm bữa lâu nay luôn khiến đa số người tiêu dùng ngơ ngác. Theo dõi cả quá trình dài sẽ thấy ngay hầu hết những lần điều chỉnh giá tăng hoặc giảm đều ít nhiều gây bất ngờ và quan trọng hơn là khi tăng thì thường tăng mạnh, tăng đều còn khi giảm lại giảm tí tách, nhỏ giọt.

Chính việc điều chỉnh giá xăng, ở một số giai đoạn, đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng tạo sức ép lên giá tiêu dùng và áp lực thị trường.

Lần này, chỉ trong ít ngày, giá xăng tăng 1.000 đồng/lít và nay lại tăng thêm 700 đồng/lít, có thể sẽ gây sốc nhẹ với thị trường, nhất là trong thời điểm nền kinh tế đứng trước thách thức không để lạm phát quay đầu trở lại.

Giá xăng gần bằng mức đầu năm 2008, khi giá cả tiêu dùng bắt đầu leo thang. Ảnh: S.L

Có một số câu hỏi cần được nêu ra đối với lần tăng giá xăng này.

1 - Tại sao khi giá dầu thế giới lên mức cao nhất 147USD/thùng thì giá bán lẻ xăng dầu là 19.000 đồng/lít; đến nay, giá dầu thế giới ở quanh ngưỡng 70 USD/thùng thì giá bán xăng là 13.500 đồng/lít, mà các doanh nghiệp vẫn kêu lỗ và không ngừng tăng giá?

Theo VietNamNet (30/6), câu hỏi này đã được ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam giải thích. Đó là do giá trong nước vừa qua đã bị kìm nén quá lâu, tăng chậm quá và không đủ bù lỗ giá vốn. Điều quan trọng nhất, theo ông Dũng là cơ chế giá xăng dầu đã thay đổi. Ở thời kỷ lục của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn được bù lỗ, còn nay cơ chế này đã chấm dứt và giá là theo thị trường.

Một số lý do khác là các khoản phí, thuế xăng dầu hiện nay đã nâng lên nhiều, số % các công ty xăng dầu nộp về ngần sách cao hơn, tỷ giá VND/USD cũng đã tăng lên 200-200 VND trên mỗi USD.

Như thế, với mức tăng hiện nay thì việc kinh doanh xăng dầu vẫn bị lỗ nặng. Theo đó khả năng tiếp tục tăng giá là không loại trừ cho dù giá dầu thế giới giữ nguyên như hiện tại.

Với phân tích như trên phải chăng các doanh nghiệp xăng dầu đang trông chờ được giảm thuế nhập khẩu để “nước xuống thì thuyền mới xuống”?

2 - Tại sao việc giá xăng trồi lên thụt xuống kéo dài nhiều năm mà vẫn gây thắc mắc với người tiêu dùng? Đến bao giờ thì việc tăng hay giảm là đương nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu và Chính phủ không phải giải thích nhiều với mỗi lần điều chỉnh giá mà người dân vẫn thoải mái đón nhận?

3 - Nếu ngành kinh doanh xăng dầu đã được thả nổi theo giá cả thị trường thì các con số lỗ, lãi, bù trừ, chiết khấu, giá nhập khẩu (và cả xuất khẩu sang nước lân cận) có cần phải thực sự công khai, minh bạch để các nhà quan sát và người dân theo dõi?

Bao giờ ngành xăng dầu được mở rộng đối tượng kinh doanh để tăng tính cạnh tranh và sự giám sát của chính yếu tố thị trường, giảm bớt tính “độc quyền”?

Còn nhớ, theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về các phương thức xây dựng quỹ bình ổn giá xăng dầu có quy định việc “tăng giá xăng dầu không quá 500 đồng mỗi lần”, vậy sao đợt này lại “tăng quá” thế? Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hoạt động hiệu quả đến đâu?

4 - VN là nước xuất khẩu dầu thô, đó là một trong những nguồn lợi lớn và quan trọng của đất nước – nhất là khi giá dầu thế giới tăng cao; vậy chuyện người dân của nước xuất khẩu được hưởng lợi từ việc đó, tính vào giá xăng dầu được hưởng (Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá) có phải là chuyện đương nhiên hay không? Các nước xuất khẩu dầu mỏ khác trong khu vực liệu giá xăng dầu có cao và thiếu ổn định như ta hay không?

5 – Hiện nay VN vẫn đang trong quá trình thực hiện gói kích cầu. Việc tăng giá xăng có thể kéo theo việc tăng giá các mặt hàng khác, khiến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng. Vậy thì tại sao không “kích cầu” cho chính nhu cầu tiêu thụ xăng của người dân và sự can thiệp vào giá xăng của chính sách “kích cầu” có thể làm cho mọi người dân đều được hưởng lợi, nền kinh tế bớt đi gánh nặng về nguy cơ lạm phát?

***

Sẽ là không ngoa khi nói rằng giá vàng, giá đôla, thậm chí cả thị trường chứng khoán lên xuống cũng còn theo sát “sơ đồ” chuyển dịch của thị trường thế giới còn giá xăng lâu nay thì cứ nhấp nhổm như ú tim.

Với sự biến động giá cả như hiện nay, đi kèm theo là rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của người tiêu dùng, đã cho thấy chính sách điều hành thị trường xăng dầu trong nước của chúng ta còn lung túng, dường như chưa nhất quán và các doanh nghiệp xăng dầu thường xuyên phải chọn giải pháp tình thế.

Những lời giải thích vòng vo, rắc rối đi kèm sau mỗi lần giá xăng tăng (còn giá giảm nhỏ giọt thì ít thấy giải thích) làm cho người dân quen dần và ấm ức chấp nhận…

Danh Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.