Cá nhân vay vốn nước ngoài: Có cửa, nhưng chưa mở…

Sau 8 năm, một lần nữa quyền vay vốn nước ngoài của người dân được khẳng định, dù còn để ngỏ...

Sau 8 năm, một lần nữa quyền vay vốn nước ngoài của người dân được khẳng định, dù còn để ngỏ...
 Cá nhân vay vốn nước ngoài: Có cửa, nhưng chưa mở…

Ngày 13/12/2005, Pháp lệnh Ngoại hối ra đời. Điều 17 của Pháp lệnh chính thức tạo sự tách bạch, xác định cơ chế pháp lý cho phép người dân được vay vốn nước ngoài.

Ngày 18/3/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Việc vay vốn nước ngoài của cá nhân là một nội dung chính trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Điểm qua các kênh thông tin về sự kiện trên, có một chữ nhỏ thú vị: “sẽ”. Các cá nhân sẽ được vay vốn nước ngoài, hay sẽ mở cửa cho cá nhân vay vốn nước ngoài…

Nói vậy đúng mà chưa đúng. Chưa đúng, bởi việc mở cửa cho cá nhân vay vốn nước ngoài đã có từ 8 năm trước; nay nó được đưa ra xem xét lại, khẳng định lại. Đúng, bởi cửa đã có từ 8 năm trước nhưng thực tế là chưa mở, cho đến nay.

Người viết còn nhớ, tại một hội thảo liên quan đến dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối trước đây, đây đã là một nội dung được chú ý, bởi nó xuất phát từ yêu cầu thực tế.

Khoảng chục năm về trước, dòng kiều hối bắt đầu chảy mạnh về Việt Nam. Cùng với nó là những phát sinh về tranh chấp pháp lý. Một người ở nước ngoài gửi tiền về cho người thân trong nước, là kiều hối, nhưng lại “nhờ” hoặc cho vay đầu tư vào bất động sản hoặc gửi ngân hàng để có lãi suất cao hơn. Sau đó, tranh chấp sở hữu nảy sinh. Nên nhìn nhận nó như thế nào?

Dòng vốn dạng trên chưa có kênh đầu tư chính thống, nó núp bóng kiều hối. Vấn đề của nhà làm luật lúc đó (xây dựng Pháp lệnh Ngoại hối) là cần tách bạch rõ: kiều hối thực chất là một dòng giao dịch vãng lai; còn các cá nhân trong và ngoài nước vay mượn lẫn nhau lại là giao dịch vốn.

Xét về dòng kiều hối, sự nhập nhằng giữa hai dòng chảy dẫn đến thiếu minh bạch. Xét về giao dịch vốn, quan hệ vay mượn chưa được pháp luật quy định rõ, bảo hộ và quản lý như thế nào, và có khuyến kích hay không khi xem đó là một dòng vốn đầu tư cùng những tác động. Thứ nữa, vay vốn nước ngoài là một quyền chính đáng của người dân.

Ngày 13/12/2005, Pháp lệnh Ngoại hối ra đời. Điều 17 của Pháp lệnh chính thức tạo sự tách bạch, xác định cơ chế pháp lý cho phép người dân được vay vốn nước ngoài: “Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật”. Đồng thời, “người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài và sử dụng các hình thức bảo lãnh, tái bảo lãnh và các hình thức bảo đảm khoản vay khác”.

Chuyện là, mãi tới 8 năm sau, các nhà làm luật, cơ quan quản lý… vẫn để ngỏ nội dung đó. Cơ chế cho cá nhân vay vốn nước ngoài không có văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể. Một quy phạm pháp luật liên quan đến quyền của người dân, đến các giao dịch vốn có phạm vi rộng như vậy vẫn để ngỏ trong thời gian dài. Cửa đã có nhưng chưa mở là vậy.

Nay, 8 năm sau khi ban hành Pháp lệnh Ngoại hối, nội dung trên lại được đưa ra, và có ý kiến đề nghị hạn chế đối tượng được vay và trả nợ vay nước ngoài là cá nhân (theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội).

Song, ý kiến không hạn chế được chấp thuận, đồng nghĩa một lần nữa quyền vay vốn nước ngoài của người dân được khẳng định.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế.

“Tuy nhiên, việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trường hợp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Trong điều kiện nước ta hiện nay, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, đồng thời cũng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, tán thành không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này như thể hiện trong khoản 2 điều 17 - khoản 11 điều 1 dự thảo Pháp lệnh”, báo cáo kết luận.

Và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung được thông qua ngày 18/3/2013 tiếp tục ghi nhận điều đó.

Vấn đề là, gần chục năm trước các nhà làm luật đã bàn tính và xác định, đến nay vẫn lại bàn tính và nằm trên bàn thảo luận. Đâu là nguyên do tạo nên khoảng cách lớn giữa mở luật và đưa luật vào cuộc sống như vậy?
Theo VnEconomy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.