Chuyện cái giá

Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, Việt Nam đang được người ta biết đến như một “điểm đến” đắt đỏ. Đất đai, chỗ ở đắt hơn Tokyo, giá vàng và USD luôn cao ngất ngưởng so với quốc tế.

Bình luận về nghịch lý này, ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tâm sự: Nói về việc này, người tôi cứ như bị mất mát cái gì đó. Mất cái gì? Không chỉ là người tiêu dùng mất tiền vì phải mua đắt, chúng ta còn mất đi những cơ hội giao thương, mất đi những thời điểm đầu tư học lâu dài, mất đi những lợi thế… và cuối cùng là cái giá đắt phải trả cho những toan tính quản lý kiểu hụt hơi đó.

Ông Vang nói rằng, là một điểm đất đắt đỏ, chúng ta mất đi nhiều chứ. Không chỉ người dân bị móc hầu bao hàng ngày nhiều hơn, cuộc sống vất vả vì mưu sinh mà rất nhiều cơ hội để cải thiện đời sống người dân từ chính tiềm lực của đất nước không được quan tâm đúng mức nên xã hội phải chấp nhận nhìn một số nhóm người được hưởng lợi trên sự đắt đỏ.

Ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nói tiếp, giá cả không chỉ làm khổ dân mình mà nó còn làm cho Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong con mắt của những nhà đầu tư và du khách quốc tế. Khi sự đắt đỏ bất hợp lý trở thành “thương hiệu” thì sẽ có nhiều cơ hội làm ăn lớn bị tuột trôi sang những quốc gia láng giềng khác. Và nó góp phần làm chậm lại nhịp phát triển của chúng ta, mất đi cơ hội cho nhiều người lao động được đổi đời.

Ông Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Điểm nhấn đỏ lòe

Một trong những điểm nhấn đỏ lòe là giá sữa, đại diện tiêu biểu cho câu chuyện đắt đỏ. Mấu chốt của sự đắt đỏ nằm ở ngay trong chính sách thuế của chúng ta về nhập khẩu nguyên liệu sữa. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, chúng ta được phép sử dụng hàng rào thuế đối với mặt hàng này.

Cụ thể, chúng ta được phép đánh thuế nhập khẩu lên tới 30% để giảm nhập khẩu từ nước ngoài và khoản thu thuế đó còn làm tăng thu cho ngân sách, có thể lấy đó làm nguồn tài chính hỗ trợ loại hàng hóa sản xuất trong nước yếu thế.

Cam kết của WTO còn cho phép được lấy 10% giá trị của hàng hóa để hỗ trợ cho nông dân, tại sao chúng ta không tận dụng hết sự ưu đãi vậy? WTO cho chúng ta quyền làm một đường, thì chúng ta lại đánh thuế một nẻo. Thuế chúng ta đang đánh lúc đầu chỉ là 6% rồi sau nhiều tác động cũng mới đưa lên được 15%.

Thêm vào đó, người ta còn lập luận rằng, cách đánh thuế thấp như thế để giảm giá sữa. Điều này sai cơ bản. Sai về mặt nhân văn, sai cả về quan điểm sản xuất – ông Vang nói.

Nhờ cái chính sách thuế hời hợt này, các hãng sữa lãi khủng khiếp từ túi tiền vơi đi của người dân. Các bản báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã cho thấy, họ lãi đến 86%. Có doanh nghiệp chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009 đã lãi gần 500 tỷ đồng.

Từ năm 2007 đến nay giá sữa ở Việt Nam tăng liên tục (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Tiếc rằng, một lượng tiền lớn trong xã hội cùng biết bao cơ hội làm ăn, đổi đời đã không đến với đa số người dân mà bị hút vào chỉ vài doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam đã tự cung cấp được 28% nhu cầu về sữa mà chủ yếu là sữa tươi. Hơn 70% sữa tươi nguyên chất, tiệt trùng” lại còn trên thị trường là được “chế” từ sữa bột nhập khẩu của một số công ty.

Về bản chất, sữa bột kém chất lượng hơn nhiều so với sữa tươi trong nước. Nhưng do chính sách thuế nhập khẩu bất hợp lý, tạo siêu lãi cho những công ty chuyên sản xuất “nhái” sữa bột thành sữa tươi nên mấy doanh nghiệp đổ tiền ra nhập nguyên liệu của nước ngoài thay vì tập trung mua từ nông dân và đầu tư, mở mang, phát triển thêm lợi thế chăn nuôi trong nước.

Ông Vang cho rằng, khả năng thiên phú của nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Ông dẫn chứng về sự chênh lệch đầu tư cho lĩnh vực này. Trong 11 năm qua, chúng ta dành ra tổng cộng khoảng hơn 70 tỷ đồng đầu tư cho bò sữa trong nước, tức là khoảng trên 7 tỷ đồng một năm. Nhưng Bộ Công thương cho biết, chỉ trong năm 2008, Việt Nam chi 553 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng) để nhập khẩu sữa.

Điều này cho thấy sự chênh lệch trong chính sách dành cho lĩnh vực sản xuất sữa này đã góp phần làm cho số đông trong xã hội phải phụ thuộc vào vài doanh nghiệp nhập khẩu và bán sữa đắt nhất thế giới.

Cuộc đấu không cân sức (18 ngàn tỷ và một ngàn tỷ)

Một đất nước có 14 triệu héc ta rừng mà lượng gỗ nhập khẩu ngày càng lớn. Năm 2008, chúng ta nhập khẩu bằng gỗ và sản phẩm gỗ: 1.095 triệu USD (tương đương 18.000 tỷ đồng) Trong khi đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lập nghiệp năm 2006 là 609 tỷ đồng; 2007: 684 tỷ đồng; 2008: 820; 2009 dự kiến – 960 tỷ đồng.

Như vậy, mỗi năm bỏ ra khoảng 18.000 tỷ đồng để nhập khẩu nhưng không bỏ ra nổi 1.000 tỷ đồng để đầu tư cho rừng. Đành rằng, gỗ nhập khẩu về là gỗ có chất lượng tốt, nhưng để 30 năm sau không phải nhập khẩu gỗ thì phải đầu tư cho rừng ngay từ bây giờ.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở cuộc đấu không cân sức giữa 18 ngàn tỷ đồng với một ngàn tỷ đồng mà một tầm nhìn xa trông rộng, cơ hội phát triển lợi thế của quốc gia “rừng vàng biển bạc” và là cơ hội đổi đời cho nhiều triệu con người.

Việt Nam đang được người ta biết đến như một “điểm đến” đắt đỏ. (Ảnh minh họa)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích, nếu trồng keo lại thì trong vòng khoảng 7 – 8 năm sẽ cho thu hoạch, với mức phổ biến 70 – 90 triệu đồng/ha. Nếu đầu tư cách đây 7 năm cho việc trồng keo chỉ hết khoảng 6 triệu đồng/h, còn thời điểm hiện nay khoảng 12 triệu đồng/ha.

Như vậy, đầu tư 6 triệu đồng mà giờ thu về trung bình là 80 triệu đồng, rõ ràng ICOR là rất lớn. Trong vòng 8 năm mà lãi gấp 13 lần – thử hỏi có ngành gì lãi lớn như vậy. Chúng ta hiện còn 14 triệu ha rừng, nếu chỉ dành phần đó cho mỗi gia đình khoảng 8 ha thì cứ mỗi năm họ có thêm thu hoạch 80 triệu đồng.

Suy thoái giống nòi

Trước bức xúc của xã hội về tình trạng thực phẩm không an toàn, năm 2005, ông Vang cùng ngành của mình có tham gia xây dựng một chiến lược theo hướng sản xuất thực phẩm an toàn và theo hệ thống chuỗi thực phẩm khép kín từ trang trại tới bàn ăn. Chiến lược này được đánh giá là rất công phu. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đây là một nghiên cứu áp dụng ma trận. Nếu thay bất cứ một con số nào về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thì cả cuốn sách sẽ thay đổi.

Nhưng vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện phải đồng bộ. Đang triển khai 10 tỉnh thành trước và dự kiến sẽ nhân rộng ra. Nhưng điều đáng buồn là khi thực hiện đến khâu cuối cùng là giết mổ thì không tuân theo quy định nữa, việc giết mổ lung tung, giết mổ cả ngoài đường, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đến đây, ông Vang nhấn mạnh lại nguyên tắc ma trận của nghiên cứu là nếu một khâu thay đổi thì toàn bộ kế hoạch định sẵn sẽ bị đảo lộn về cả mục đích, hiệu quả. Chúng ta đã có nghiên cứu, có cách để làm nhằm đảm bảo giống nòi không bị suy thoái vì cái độc hại đến từ miếng ăn hàng ngày nhưng chúng ta không bài bản, không theo quy định. “Tôi tiếc lắm. Quản lý như thế sẽ dẫn đến cái giá đắt đỏ sau này mà khắc phục sự suy thoái của nòi giống thì bao nhiêu tiền cho đủ” – ông Vang nói.

Theo Hà Minh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.