Có lúc phải biết lùi lại phía sau

Trẻ hơn nhiều so với tuổi đời nhưng già dặn trong công việc, trông Nguyễn Thanh Sơn vẫn thư sinh với cặp kính cận như anh chàng sinh viên báo chí của Đại học MGIMO Moscow ngày nào.

Cảm giác ban đầu của người đối diện có lẽ chỉ thay đổi khi nhìn vào lý lịch trích ngang của anh: giám đốc một công ty truyền thông, tham gia vào ban lãnh đạo của một số công ty khác và cũng thành công, đó là chưa kể trong giới phê bình văn học, cái tên Nguyễn Thanh Sơn có một chỗ đứng khá vững với những bài phê bình gai góc.

Nghe nói anh vừa thực hiện một thương vụ thành công về mặt tài chính. Tiền bạc có thể đem lại những gì cho anh?

Không nhiều lắm. Tôi nghĩ vậy. Tiền bạc cũng có cái tốt, nó cho tôi sự độc lập về tài chính để chỉ làm những gì mình thích, còn ngoài ra cả tôi và vợ không phải là người có nhu cầu quá cao trong cuộc sống. Chúng tôi không cần đi xe hơi xịn, nhà to quá ở không hết, đồ hiệu không xài...Đối với tôi, thành công về mặt tài chính là thước đo cho những nỗ lực của mình đối với công việc mà thôi.

Vậy đâu là niềm vui trong cuộc sống của anh?

Là khi tôi có một bài viết làm mình đủ hài lòng để chia sẻ với vợ, bạn bè hay đồng nghiệp. Là khi ngồi cà phê hay quán bia vỉa hè tán gẫu với bạn bè hay đọc một cuốn sách hay. Tóm lại, để thỏa mãn niềm vui của tôi thì rất đơn giản.

Anh lấy đâu thời gian để đọc sách, không phải doanh nhân ngày nay là những người bận rộn nhất hay sao? Cuốn sách mới nhất anh đọc là cuốn nào?

Tôi nghĩ đọc sách thì không bao giờ là không có thời gian cả, chỉ cần mình muốn tìm ra nó. Khi còn bé, tôi hay mua sách ở hiệu sách Quốc Văn ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), nhưng chẳng bao giờ chờ được đến lúc mang sách về nhà. Tôi ra vườn hoa Con Cóc cạnh đó và đọc một mạch những cuốn sách mình mua, khi về đến nhà thường trời đã mờ tối. Còn bây giờ, tôi thích nhất đọc sách ở sân bay. Ngồi ở sân bay, có cảm giác anh không thuộc về bất cứ nơi đâu - một nơi thì anh sắp rời khỏi, một nơi thì anh còn chưa đến. Những lúc như vậy, những cuốn sách đưa anh đến một nơi chốn hoàn toàn khác - một cảm giác rất đặc biệt, như chúng ta đang cùng lúc nhìn thấy vài thế giới chuyển động vậy.

Cuốn sách tôi vừa đọc là cuốn sách tiếng Anh dạng tự sự của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, tựa đề là Run (Chạy), trong đó ông đi tìm những nét tương đồng của việc chạy marathon (ông cũng là một vận động viên marathon kỳ cựu) với công việc viết văn của mình. Có những liên tưởng rất thú vị giữa hai việc tưởng chừng không hề liên quan đến nhau như vậy.

Vậy có những liên tưởng thú vị nào giữa hai công việc cũng có vẻ không hề liên quan đến nhau như người kinh doanh thành công trong giới truyền thông tiếp thị và một nhà phê bình văn học? Anh bắt đầu công việc kinh doanh như thế nào, khi anh bao nhiêu tuổi? Thương vụ đầu tiên của anh diễn ra suôn sẻ không và liệu anh còn nhớ mình thu được bao nhiêu lợi nhuận không?

Tôi nhớ lắm chứ! Thương vụ đầu tiên của tôi kiếm được hai trăm ba mươi đôla, ba cái bánh chưng và một ký giò lụa. Vào năm thứ ba Đại học Báo chí Quốc tế ở Nga, tôi và một vài người bạn được Sứ quán giao cho việc kinh doanh báo Tết. Báo năm đó bán rất chạy, vì đã có bao giờ người Việt mình ở bên đó có báo Tết để đọc đâu.

Tổng kết lại, phòng chính trị văn hóa chia cho chúng tôi hai trăm ba mươi đôla và quý hơn cả là cho thêm ba cái bánh chưng với một ký giò. Chúng tôi có một cái tết linh đình nhất kể từ khi sang Nga. Chính vì vậy nên sau đó chúng tôi quyết định ra một tờ báo tiếng Việt để kiếm tiền.

Vất vả lắm, nhưng vui vô cùng. Có những hôm, chúng tôi lội tuyết đi lấy báo in, mà toàn in roneo thôi, tuyết ngập đến đầu gối, nhưng chúng tôi vẫn hăm hở đi, hét to động viên nhau cho đỡ lạnh là yên tâm đi, "mười năm sau sẽ có ba hảo hán trong làng báo Việt Nam".

Tờ báo của anh thuộc dạng báo nào?

Lá cải tuyệt đối (cười). Chúng tôi làm báo tiếng Việt có tính "phân khúc thị trường" hẳn hoi và chuyên đăng tin...giật gân phục vụ cộng đồng người Việt tại Moscow, vì lúc đó hầu như không có báo nào dành cho người Việt cả. Đối tượng độc giả là các bà đi buôn ở chợ. Được một thời gian thì kết thúc khóa học, chúng tôi về nước và chuyển giao cho một người bạn khác, rồi nó trở thành tờ báo For you có thời khá tiếng tăm ở Nga.

Làm báo như vậy có cái hay là được chủ động, dù chỉ là báo "giật gân". Cũng giống như anh vào sân đá bóng vì nhu cầu thì sướng, bởi không bị điều gì khác chi phối. Còn anh, anh rút ra được những gì cho mình?

Là khác với viết sách - khi chỉ có một mình anh đối diện với trang viết, và tất cả chỉ có thể dựa vào anh, vào hiểu biết, kiến thức, sự trải nghiệm và năng lực của anh - kinh doanh đòi hỏi ý thức làm việc tập thể, dựa vào thế mạnh và năng lực từng người cùng làm với mình nữa. Khi có những người cùng chia sẻ niềm say mê, chia sẻ tầm nhìn và cùng nỗ lực với mình, nó sẽ tạo ra một sức mạnh tinh thần rất cần thiết cho những người mới khởi sự doanh nghiệp.

Mỗi một lần thất bại khiến cho tôi học được một điều gì đó. Có những điều mình phải học đi học lại nhiều lần

Mơ ước khi đó của anh có phải là mở công ty truyền thông - lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam - khi về nước?

Chúng tôi sang học ở Nga vào giai đoạn bản lề của sự chuyển đổi. Cái cũ chưa hoàn toàn mất đi, cái mới chưa hoàn toàn định hình. Từ những cán bộ ngoại giao chuyên về tuyên truyền đường lối đối ngoại, chúng tôi bắt đầu học những kiến thức căn bản về truyền thông. Vì là cái mới nên ham lắm. Ba "hảo hán" mà tôi đã nhắc ở trên đập tay hứa với nhau khi về sẽ thành lập công ty truyền thông đầu tiên của Việt Nam. Thế mà khi về, mỗi đứa bị "tống" vào một nơi:tôi về phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, rồi sang văn phòng đại diện thương mại của bang Okalahoma ở Việt Nam, hai hảo hán kia một đi làm báo, một đi làm cho công ty Nhật. Tuy vậy, "hồn" thì vẫn mơ tưởng về một công ty quan hệ công chúng của riêng mình.

Hẳn phải có một khúc quanh mang tính bước ngoặt mới dẫn đến việc anh hiện thực hóa giấc mơ của mình. Thời điểm đó là...

Tôi nghĩ đó là vào năm 2001, khi tôi có cơ duyên được gặp ông Miles Young, hiện là chủ tịch toàn cầu của Ogilvy & Mather (công ty con của WPP - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới). Khi ấy ông là chủ tịch Ogilvy & Mather khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là một con người thật sự uyên bác, am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn học, hội họa Việt Nam. Lúc đó, Ogilvy & Mather tổ chức một cuộc họp quan trọng của các văn phòng châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam, có sự góp mặt của các lãnh đạo trong khu vực. Một người bạn quen trên mạng Internet bất ngờ hỏi tôi rằng liệu tôi có thể tổ chức được sự kiện đó không, đồng thời cảnh báo đây là sự kiện rất quan trọng của Ogilvy - công ty truyền thông chuyên...tổ chức các sự kiện lớn với nhiều ý tưởng sáng tạo, nên yếu tố đầu tiên là có các ý tưởng mới lạ. May mắn là sự kiện được tổ chức thành công và ông Miles Young nhờ bạn tôi chuyển lời mời ăn trưa tới tôi sau đó.

Người ta thường nói, sự may mắn chỉ đến với ai đã sẵn sàng đón nhận nó. Anh nắm bắt cơ hội này như thế nào?

Cuộc hẹn diễn ra tại Press Club Hà Nội. Chúng tôi cùng ăn trưa và chuyện trò cới mở về đủ thứ chuyện, trừ công việc. Dường như ông đã tế nhị xóa đi bất cứ khoảng cách vô hình nào có thể có giữa một vị chủ tịch nhiều kinh nghiệm với một người mới bước vào nghề như tôi. Chúng tôi tán gẫu về văn học, lịch sử, đặc biệt là hội họa Việt Nam vì ông sở hữu một bộ sưu tập tranh Việt Nam rất lớn. Sau một thời gian, ông lại gây bất ngờ khi trực tiếp đề nghị tôi trở thành đối tác của công ty ông trong ngành truyền thông tại Việt Nam. Ông chỉ nói ngắn gọn và đơn giản: "Sơn, tôi nghĩ anh là ứng viên tốt cho vị trí này".

Phản ứng của anh khi đó ra sao và - hơi tò mò một chút - anh có thể cho biết lý do khiến ông ấy chấm anh được không?

Lúc đó tôi làm cho văn phòng của bang Oklahoma tại Việt Nam và dù không hoạt động trong ngành PR nhưng vẫn có một công ty truyền thông nho nhỏ, chủ yếu để quảng bá hình ảnh Oklahoma ở Việt Nam. Tôi nói thật với ông ấy rằng tôi chẳng có gì, không có nhân viên, kinh nghiệm thì ít, nhưng ông vẫn khích lệ tôi. Ông ấy nói rằng: "Sơn, cậu có nhiều thứ đấy chứ, kiến thức nền tốt, được đào tạo bài bản về truyền thông, và quan trọng nhất là cách giao tiếp của cậu hợp với ngành này". Ông bật mí rằng đã ngầm quan sát từng chi tiết nhỏ của tôi, từ việc chọn rượu vang trong bữa ăn...

Thế anh chọn rượu sành như thế nào mà lại gây ấn tượng mạnh đến vậy với vị chủ tịch tinh tế?

(Cười). Khi danh sách rượu vang được mang ra, tôi chỉ nghĩ là chọn loại rượu mình thích từ hồi ở Mỹ mà lâu lắm không được uống. Đơn giản và ngẫu nhiên thôi, chứ tôi đâu có ý định chủ động tạo ấn tượng.

Không lẽ "lính mới" như anh lại lọt vào mắt xanh một tên tuổi lớn trong ngành PR thế giới một cách đơn giản như vậy sao?

Đúng là chỉ đơn giản có vậy. Có lẽ có những gì đó trong tính cách con người của tôi phù hợp với văn hóa công ty Ogilvy. Sau này cũng có nhiều công ty PR lớn trên thế giới đến đặt vấn đề hợp tác nhưng Ogilvy là sự lựa chọn đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi. Họ bày tỏ thiện chí với tôi từ những ngày đầu, lại tạo điều kiện, giúp đỡ tôi rất nhiều, kể cả việc cho tôi dự tất cả các cuộc họp quan trọng của tập đoàn ở khu vực, trong đó có những cuộc họp hoạch định chiến lược cho tập đoàn hàng năm.

Cũng có thể nói, ở một khía cạnh khác, họ đã "trói" anh bằng những ưu ái rất lớn và bằng cả tình cảm nữa?

Để tôi kể anh nghe chuyện này. Trong hệ thống Ogilvy có một chính sách rất hay gọi là "mentorship", nghĩa là khi tôi mở công ty PR (Công ty Tư vấn Truyền thông T&A -PV), họ chọn trong số các văn phòng ở châu Á một "mentor" (người thầy về tinh thần) để giúp đỡ. Công ty mở được khoảng hơn một năm thì Ogilvy cử một người từ Thái Lan qua giúp tôi. Bà ấy nói: "Sơn, tôi đã đi nhiều văn phòng châu Á tìm hiểu và mọi người đều nói với tôi rằng anh rất OK". Lúc đó tôi sướng lắm, cứ nghĩ họ khen thế là "ngon" lắm rồi. Nhưng...

Nhưng...nói vậy mà không phải vậy?

Bà ấy nói thẳng, lời khen như thế là rất nguy hiểm, không được. "Tôi sang đây là để nói với anh rằng khi xây dựng và quản lý một công ty truyền thông thì người lãnh đạo phải làm sao để khách hàng biết đến công ty chứ không phải tập trung chú ý vào người đứng đầu". Khi họ chỉ khen có mình tôi, tức là việc gì tôi cũng phải xông vào làm, nói thẳng ra là chưa biết dùng người. Bây giờ chỉ có một,hai khách hàng thì còn làm được, sau này có hàng chục khách hàng với bao nhiêu dự án thì liệu có ba đầu sáu tay để làm hay không.

Và lời khuyên bà ấy dành cho anh là...

Phải điều chỉnh, chấp nhận lùi lại phía sau để tạo cơ hội cho mọi người cùng làm. Đôi lúc phải chấp nhận dịch vụ sẽ đi không như ý mình, khách hàng có thể sẽ không hài lòng, nhưng nếu không để cho nhân viên làm thử thì suốt đời tôi sẽ phải làm thay cho họ và họ sẽ không bao giờ trưởng thành được. Suy rộng ra trong cuộc sống cũng vậy, có lúc phải biết lùi lại phía sau để ngẫm nghĩ những điều mà lúc thường không thể thấy vì còn mải chạy theo quá nhiều thứ. Đạo Phật chẳng dạy thế sao - "Lùi một bước biển rộng trời cao".

Có lẽ đó là một quyết định khó khăn đối với anh, khi phải giao nhiều vấn đề quan trọng của công ty cho các cộng sự trẻ. Nhưng cũng có thể nói việc "lùi lại hậu trường" này vừa tạo cơ hội cho họ vừa để anh làm mới chính mình. Anh có tin họ sẽ làm được không?

Nếu không tin ở họ thì công ty chắc chắn không phát triển tốt như ngày hôm nay. Bài học đầu tiên của tôi khi làm kinh doanh là phải biết tận dụng và phát huy sức mạnh cộng thêm của những người khác, nhưng sau này có những lúc tôi quên mất. Phải có người nhắc cho mình nhớ người ta. Còn hiện nay, chúng tôi có gần sáu mươi nhân viên chuyên tư vấn cho những thương hiệu lớn trên thế giới.

Đây là bước tiến đánh dấu sự trưởng thành của những người trẻ trong nhóm của anh. Còn những cột mốc nào khác gắn với sự nghiệp của anh không?

Tôi nhớ lời nói chân tình của Miles Young khi ông ấy tìm cách "truyền lửa" cho tôi, rằng khi anh có niềm tin lớn lao thì có thể đạt được mọi mơ ước. Người thứ hai chính là "mentor" của tôi. Bà ấy đánh trúng tâm lý đang tự mãn của tôi và đưa tôi trở lại thực tại bằng lời khuyên muốn thành công lâu dài phải biết điểm lùi, biết chia sẻ công việc với cộng sự và quan trọng là làm sao để công chúng biết đến tên tuổi của công ty chứ không phải tên Nguyễn Thanh Sơn.

Còn trong kinh doanh, bà ấy chia sẻ với anh những bí quyết gì để thành công trong một lĩnh vực cạnh tranh cao như truyền thông?

Tôi học được từ bà ấy là trong truyền thông, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của anh chính là bản thân anh. Truyền thông biến động không ngừng, chỉ cần anh ngừng học hỏi, ngừng theo dõi các biến chuyển trong chính trị, kinh tế, xã hội thì anh sẽ bị các đối thủ khác vượt qua ngay. Bà ấy dạy tôi rằng, người lãnh đạo chân chính là người ngày nào cũng phải đặt cho mình câu hỏi "tại sao những người khác lại mong được anh dẫn dắt". Người lãnh đạo luôn luôn giấu trong mình một nỗi lo thường trực, và chính nỗi lo đó là động lực phát triển công ty.

Anh có thể nói rõ hơn được không?

Người lãnh đạo khác người quản lý là ở chỗ, anh ta luôn nhìn trước được vấn đề, trước nhiều so với người khác, và chính vì vậy không bao giờ anh ta bằng lòng về hiện trạng của doanh nghiệp mà anh ta điều khiển. Anh ta luôn thấy nguy cơ của việc suy giảm thị trường, của năng lực và năng suất lao động của nhân viên, của đối thủ cạnh tranh, của những thay đổi trong công nghệ và môi trường, ngay ở thời điểm mà mọi người thấy doanh nghiệp thành công nhất. Nhưng người lãnh đạo phải biết giấu nỗi lo đó trong mình và tìm cách giải quyết nó, vì nếu không cẩn thận, nỗi lo đó sẽ cản trở năng lực làm việc của nhân viên, cản trở tính sáng tạo. Luôn luôn thường trực một nỗi lo và chế ngự nỗi lo đó - có lẽ là công việc nặng nhọc nhất của người làm lãnh đạo.

Vậy còn những thất bại của anh?

Đối với tôi, thất bại chỉ thực sự là thất bại nếu như mình không học được điều gì từ nó. Nếu mình biết học hỏi thì không còn là thất bại nữa. Nó có thể khiến mình phải trả giá đắt, nhưng nó có ích. Tôi cũng gặp nhiều thất bại chứ, khách hàng lớn và gắn bó thân thiết bỏ mình vì dịch vụ xuống cấp, nhân viên "ruột" chuyển đi làm chỗ khác vì không chia sẻ niềm tin của mình vào tương lai của công ty...Mỗi thất bại lại khiến cho tôi học được một điều gì đó. Có những điều, mình phải học đi học lại nhiều lần.

Một câu hỏi mà có lẽ nhiều người trong giới truyền thông quan tâm là, sau khi đưa công ty mình sáp nhập với hãng truyền thông lớn nhất thế giới, Nguyễn Thanh Sơn sẽ làm gì?

Trước đây tôi nghĩ khi đó tôi sẽ lên núi viết tiểu thuyết (cười), nhưng có lẽ tôi đã quen với môi trường kinh doanh sống động mất rồi. Tôi có rất nhiều dự định mới chỉ đang ấp ủ, một số công ty mới chỉ hình thành, cho nên ý tưởng "lên núi" chắc sẽ bị đẩy lùi thêm một chục năm nữa. Tôi vẫn muốn làm việc.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

Theo Nguyễn Chí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.