"Đạo" và "đức" trong kinh doanh

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã bước sang một ngã rẽ mới, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Khi tham gia sản xuất, dù ở mức độ nào, mọi người cũng cần tuân thủ đạo đức kinh doanh.

Khái niệm đạo đức thương trường đã có nền móng từ hàng nghìn năm trước. Aristotle từng đưa ra nhiều quan điểm có thể coi là cơ sở của đạo đức kinh doanh hiện đại.

Theo giáo sư James O"Toole của Đại học Tổng hợp Nam California, Mỹ, vị triết gia thời Hy Lạp cổ đại này là người thực tế và có thiên hướng kinh doanh nhất trong lịch sử triết học của loài người. Chính Aristole đã nêu ra ý tưởng: Vai trò chủ chốt của người lãnh đạo không phải là nâng cao quyền lực của mình trước cấp dưới. Họ phải tạo điều kiện để toàn bộ đội ngũ nhân viên cấp dưới có thể thể hiện được năng lực tối đa.

Giáo sư O"Toole đã thống kê những câu hỏi của Aristotle. Những câu hỏi đó có thể khiến các nhà quản lý hiện đại phải đau đầu đi tìm câu trả lời:

- Tôi muốn được người ta đối xử như thế nào khi tôi là thành viên của một tổ chức?

- Cơ hội thực sự để toàn bộ nhân viên phát triển tài năng và tiềm năng đạt được đến mức độ nào?

- Tôi có nhận nhiều hơn so với công sức mình đóng góp vào quỹ chung hay không?

- Việc phân phối tài sản có đảm bảo hạnh phúc chung của cộng đồng?

- Tiền thưởng của nhân viên chiếm bao nhiêu phần trăm số lợi nhuận thu được nhờ áp dụng các sáng kiến và nỗ lực của họ?...

Đạo đức kinh doanh thời hội nhập

Nhà giáo Giản Tư Trung, người sáng lập tổ chức giáo dục PACE, cho biết: "Doanh nhân thế hệ mới (3.0) phải mang trong mình những giá trị, phẩm chất, văn hóa mới để làm nền tảng cho những doanh nhân có năng lực thực hiện khát vọng của mình. Những giá trị này không nằm ngoài nền tảng đạo đức kinh doanh ông cha đã dày công vun đắp. Chúng cũng không nằm ngoài tinh thần phụng sự xã hội mà thế giới tôn vinh và "đạo kinh doanh" mà thế hệ doanh nhân 2.0 đã bắt đầu nghĩ đến và tạo dựng".

Những giá trị nền tảng (core values) đó có thể là Tín thực (Integrity), Tiên phong (Leadership), Khát vọng (Aspiration), Dấn thân (Dedication), Tôn trọng (Respect)...

Mãi đến giờ, một cựu phó tổng giám đốc của một công ty sữa còn nhớ như in cảnh tượng của ngày kinh hoàng ấy.

Buổi sáng, một tờ báo lớn viết vỏn vẹn vài dòng, nghi ngờ chất lượng sữa của công ty ông "có vấn đề". Chỉ một lát sau, một phụ nữ lao vào công ty, trên tay cầm một gói sữa của công ty ông, vứt mạnh xuống đất, lấy chân giẫm tan tành.

Chị vừa khóc, vừa gào thét: "Bao nhiêu năm nay tôi tin tưởng các người. Tôi dùng sữa các người bán để nuôi các con tôi. Tại sao các người lừa dối tôi? Tại sao? Tại sao?...". Những giọt nước mắt tức tưởi, chua xót của người phụ nữ ấy, đến giờ, vẫn như những nhát dao cứa vào lòng ông. Dù sau này, sản phẩm sữa của công ty đã được minh oan, được trở lại những giá trị mà nó đáng được nhận, nhưng ông không bao giờ quên bài học về đạo đức kinh doanh qua hình ảnh của người mẹ này.

Ông bảo: "Kinh doanh là nghề rất dễ bị lung lay về mặt đạo đức, lương tâm khi người ta thường đối diện với những tình huống bị dụ dỗ bởi lợi nhuận. Vì vậy, xác định một khung đạo đức là điều rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có hẳn một hệ thống những quy tắc hành xử và một ban kiểm soát để giám sát việc thực hiện nghiêm các quy tắc này". Đó là không được gây hại môi trường, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ra những sản phẩm có thể gây hại cho người sử dụng, đút lót, hối lộ để giành hợp đồng...

Từ cách hành xử của tổ chức...

Quả thật, thời gian gần đây, lòng tin của mọi người trong xã hội đối với giới kinh doanh đang bị lung lay. Có quá nhiều trường hợp các doanh nhân đạp bằng những nguyên tắc hành xử cơ bản của mỗi con người, chưa nói gì đến việc họ có thực hành đạo đức kinh doanh hay không.

Hàng tấn mỡ lợn thối, hỏng biến thành ổ vi trùng gây bệnh vẫn được người ta dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Hằng hà sa số hóa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người ngang nhiên được bày bán, được mua để cho vào những nồi lẩu, món chiên. Rất nhiều phụ gia độc hại vẫn thản nhiên tồn tại trong những mẻ bánh mới ra lò trông vô cùng ngon mắt.

Bên cạnh đó là những lo lắng quá hạn sử dụng, kém chất lượng đáng ra phải đem hủy lại được lén lút tuồn ra ngoài tiêu thụ với giá rẻ. Trái cây phần lớn có chất bảo vệ thực vật, có thể để hàng tuần không héo. Rau xanh được tuới các loại hóa chất độc hại để tươi màu, bắt mắt người mua.

Chẳng phải những người sản xuất không biết hậu quả của việc mình làm, nhưng họ thường biện minh cho những hành động được xem là tội ác bằng những lý luận tỏ ra ngây ngô: "Tôi không hiểu luật", "Tôi không biết", "Tôi không có thông tin"... Điều ngạc nhiên là không ai có thể làm việc xấu một mình. Vậy mà biết bao điều tệ hại như thế lại diễn ra trót lọt một thời gian dài, đến khi vụ việc vỡ lở.

... Đến tác phong của mỗi con người

Nhiều người cho rằng đạo đức kinh doanh chỉ là một khái niệm "hoành tráng" dành cho những doanh nhân, doanh nghiệp lớn. Nhưng thực tế ngược lại: Bất cứ thành viên nào tham gia quy trình kinh doanh cũng phải suy nghĩ về hai chữ "đạo" và "đức".

Khi chúng tôi tiến hành một khảo sát nhỏ đối với 3 4 tiểu thương kinh doanh nhỏ tại chợ Hòa Bình, Q.5, TP. HCM, về quan niệm "kinh doanh có đạo đức". Phần lớn câu trả lời đã vẽ lên một bức tranh: Đạo đức kinh doanh, thật ra, chỉ là hiện thực hóa, chi tiết hóa những yếu tố cơ bản nhất của đạo đức làm người trong việc làm ăn của chúng ta.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, 40 tuổi cho biết: "Tôi biết một người bán hàng bị tẩy chay vì làm ăn vô đạo đức. Chị này cân gian dối, tính tiền cố tình nhầm lẫn để có lợi cho mình. Một người khác phải đóng cửa hàng và dọn đi kinh doanh chỗ khác vì hay bán thịt cũ, thịt bẩn cho người nghèo, sau đó bị phát hiện và tẩy chay".

Không cần phải là người trực tiếp tham gia kinh doanh thì vấn đề đạo đức mới được đề cao. Anh Minh, người đề nghị được đổi tên trong bài viết này, kể về một việc làm anh cảm thấy ân hận suốt đời.

Công ty anh chuyên về sản xuất thực phẩm đóng hộp. Có lần, cả xí nghiệp của anh được huy động ngừng làm việc một ngày để ngồi cạo và sửa đát sử dụng của một lô hàng rất cũ.

Anh cho biết: "Với đát quá hạn sử dụng gần nửa năm, tôi biết là thực phẩm bên trong đã biến chất và có thể sản sinh ra nhiều vi khuẩn độc hại. Tuy nhiên, phần vì trung thành với công ty, hủy nguyên lô hàng đó sẽ thiệt hại rất nặng nề, phần vì cũng ham tiền, làm việc này được hưởng gấp ba lần lương bình thường nên tôi tham gia.

Công ty đã bán thanh lý hết số hàng hóa này cho một trung tâm chế biến thức ăn công nghiệp, chuyên cung cấp bữa trưa đến các khu chế xuất, nhà máy... Một nhóm công nhân bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một người bị suy dạ dày và mất hẳn sức lao động. Tôi đọc báo, biết chị này không đi làm được, không có tiền nên hai đứa con chị phải nghỉ học ở nhà, đi bán vé số dạo. Tôi biết chính mình là người đã góp phần gây ra thảm cảnh này chỉ vì tham lam số tiền ít ỏi".

Sau này, anh Minh không chịu đựng được sự cắn rứt lương tâm nên đã đi tìm người phụ nữ kia và đề nghị hỗ trợ để chị nuôi con đi học. Anh thở dài: "Muộn màng còn hơn không. Vợ chồng tôi tin vào luật nhân quả. Mình gieo gió thế nào cũng gặp bão".

Khi kinh tế thị trường bắt đầu phát triển, xuất hiện một thế hệ các doanh nhân trẻ. Đó là điều đáng mừng. Nhưng tiếc rằng một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ đó đang bất chấp đạo lý để kiếm tiền. Người này buôn ma túy. Người kia nấu lẩu bằng thứ gia vị có khả năng gây ung thư. Người khác nấu chè bằng cần sủi, đường siêu ngọt và hàng loạt chất phụ gia khác của Trung Quốc cũng có thành phần gây ung thư. Có người lại nhập thực phẩm quá hạn, hàng tồn kho, thậm chí là hàng... rác của nước ngoài về, "mông má" lại và bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng tốt đôi chút.

Mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày, báo chí lại phanh phui một vụ việc nào đó có liên quan đến đạo đức kinh doanh. Mới đây, một công ty bị phát hiện gữi hàng chục tấn hương liệu quá hạn sử dụng trong kho. Người phát ngôn của doanh nghiệp cho biết họ không dùng, chỉ là chưa bỏ đi. Có sử dụng hay không, chỉ người trong cuộc mới biết. Chúng ta chỉ có thể hy vọng họ giữ đúng lời hứa đó.

Một điều dễ nhận thấy là lâu ngày nhìn lại, số tiền doanh nghiệp kiếm được trên nền tảng đạo đức không vững chắc cũng nhanh chóng trôi ra sông ra biển. Thậm chí, họ phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, xã hội. Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là sự dằn vặt, cắn rứt lương tâm khôn nguôi trong những lúc họ nhìn lại bản thân.

Chuyện của... phụ nữ

Nhiều người cho rằng phụ nữ làm kinh doanh, đặc biệt trong những lĩnh vực đòi hỏi nhiều mối quan hệ, sẽ dễ dàng hơn nam giới. Khi nói như thế, hầu hết họ đều có chút ẩn ý gì đó... thiếu trong sáng.

Quả thật, có nhiều câu chuyện sởn tóc gáy vì cách làm phớt lờ mọi quy chuẩn cơ bản nhất của xã hội từ phía những nữ doanh nhân. Chẳng hạn một công ty chuyên về tổ chức sự kiện, triển lãm có bà chủ rất nổi tiếng với nghệ thuật giỏi huy động sức mạnh của nhan sắc trong việc đấu thầu các dự án.

Công thức phổ biến của bà là mời các anh có quyền quyết định chọn thầu dự án đi ăn tối. Sơn hào hải vị là chuyện thường, nhưng lúc nào bên cạnh khách mời cũng có một cô gái trẻ trung, xinh xắn và biết chiều lòng người ngồi nói chuyện.

Bà chủ sẽ mời mọc liên tục. Rượu rót tràn ly, ngập môi. Sau cơn say, cô gái trẻ có nhiệm vụ lo lắng cho giấc ngủ của vị khách có quyền hành đó.

Nhiều người khi nhắc đến tên của bà chủ này vẫn còn lắc đầu rụt cổ vì sợ.

Lại có chuyện nữ doanh nhân khác, rất phụ nữ, lúc nào cũng thích... tỏ tình với khách hàng. Nhan sắc mặn mà, giọng hát mềm lòng người, chị mang về cho công ty non trẻ của mình những hợp đồng lớn. Cho đến ngày chị bị đánh ghen tơi tả. Công việc mất, tình yêu (nếu có) cũng mất, chỉ còn lại những ánh mắt chán chường của người quen, bạn bè. Chị thất bại vì con đường mình đã chọn.

Doanh nhân nữ có được thế mạnh ở sự ngọt ngào, mềm dẻo của mình. Chỉ khi khai khác thế mạnh đó một cách đúng đắn, thành công mới bền vững. Với sự ấm áp phụ nữ, cộng với chút e ấp của văn hóa Á Đông, nhiều nữ doanh nhân đã làm nên những điều kỳ diệu, chẳng hạn như bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty dược Hậu Giang.

Bà cho biết: "Tôi không nghiên cứu sâu về đạo đức kinh doanh, nhưng tôi hiểu mình làm công việc của người thầy thuốc thì phải giữ đạo của người thầy thuốc. Tôi còn là một người vợ, người mẹ và người bà, nên phải giữ trách nhiệm chăm sóc cho mọi người như những người thân trong gia đình mình".

Quy chuẩn của cộng đồng doanh nghiệp

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PepsiCo Đông Dương, trong một buổi chia sẻ với các doanh nhân của câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC, từng nói: "Lợi nhuận là điều những nhà kinh doanh luôn phải nghĩ đến. Tuy nhiên, để công ty có thể phát triển tốt, bền vững và lâu dài, thì cần có những cách ứng xử có đạo đức, được xây dựng trên tinh thần tôn trọng những giá trị con người, giá trị nhân văn và giá trị xã hội".

Ông nói nhiều về cách một công ty nước giải khát hàng đầu thế giới phải tuân theo. Xây dựng một nhà máy phải gắn liền với sự quan tâm về môi trường, cộng đồng, con người ở khu vực xung quanh, thực hiện những công việc kinh doanh mang lại hiệu quả xã hội, chẳng hạn như dự án làm bánh snack Poca giúp cải thiện đời sống của nhiều nông dân trồng khoai tây tại Lâm Đồng, nghĩ nhiều hơn đến những đáp trả cho cộng đồng đã cho mình sự tăng trưởng kinh doanh bằng những dự án chăm lo cho tài năng trẻ như Dynamic, SIFE, Quỹ Khuyến học Trường Sơn, hay chương trình hoạt động xã hội hàng năm ở Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông kết luận: Sự thành công của một doanh nhân, một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của họ trong cuộc sống. Tiền chưa phải là thước đo quan trọng. Cách xã hội nhìn nhận, tôn trọng và ủng hộ anh mới thực sự là thành công.

Cách đây khá lâu diễn ra một dự án nghiên cứu đầy công phu của trường Doanh nhân và Giám đốc PACE trên 25 huyền thoại doanh nhân thế giới. Qua đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra công thức "đạo kinh doanh của người Việt với thế giới", được xem như một quy tắc hành xử chung của cộng đồng doanh nhân. Trích nguyên văn: "Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn".

Đạo kinh doanh này được họ quán triệt từ buổi đầu khởi nghiệp gian khó cho đến lúc thành công. Tinh thần trách nhiệm này cũng giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ được xã hội tôn vinh, nể trọng. Họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại. Doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn như tên tuổi những doanh nhân đó.

Với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình tốt đẹp hơn, dù xã hội đó có thể nhỏ gọn như một ngôi làng hoặc rộng bằng cả hệ mặt trời, chính họ, những doanh nhân, dù già hay trẻ, dù "Tây" hay "Ta", dù cổ hay kim, luôn được xã hội tôn vinh. Họ được kính trọng không phải vì số tài sản khổng lồ họ có mà vì những đóng góp vô giá vào sự đổi thay của thế giới. Học họ trong việc giữ đạo kinh doanh, nữ doanh nhân chúng ta sẽ được thành công lâu dài và bền vững.

Theo Trần Nguyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.