Đất "vàng" hoang hóa thành sông

Đến 7 trong số 9 địa chỉ đất "vàng" tại TP HCM bị bỏ hoang trong tay các công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa. Nơi thì ngập nước mênh mông thành "sông", chỗ cây cỏ um tùm, thậm chí chỉ để chứa phân bón.

>> Dấu hiệu bất thường trong đấu giá “đất vàng” ở TP.HCM

Đây là kết quả vi hành của Ban kinh tế ngân sách HĐND TP HCM chiều 23/7. Điều gây kinh ngạc cho đoàn kiểm tra là gần 20.000 m2 đất kho bãi ngập nước, chỗ bị chìm trong nước nông nhất gần một mét của Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) quản lý, sử dụng, tại phường 16, quận 8. Trong lúc xem xét hiện trường này, Phó ban kinh tế ngân sách Huỳnh Công Hùng cũng phải thốt lên: "20.000 m2 đất giờ thành 20.000 m2 nước".

Giải thích với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Duy Hòa, chuyên viên của Công ty Petec phân bua, doanh nghiệp vẫn đóng tiền thuê đất gần 200 triệu đồng nhưng không thể nào sử dụng được từ 2 năm nay. Bởi lẽ, muốn tiếp tục khai thác phải có hồ sơ đất đai hợp lệ rồi tiến hành đầu tư xây dựng lại, ước kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, nhưng trên thực tế khu đất vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết vì vướng nhiều quy định.

20.000 m2 đất kho bãi của Công ty Petec ngập nước trở thành sông và bị hoang phế gần 2 năm nay tại phường 16, quận 8. (Ảnh: Vũ Lê)

Kế đến là những kho bãi hoang nằm dọc theo mặt tiền đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, có số phận càng thê thảm hơn. Đứng đầu là Công ty phân bón miền Nam quản 14.300 m2 đất mặt tiền nhưng nơi này chỉ chứa phân bón và hoang phế. Kế đến là mặt bằng nằm ngay giữa phố, tại số 574 Kinh Dương Vương của Công ty cổ phần chế tạo máy Sinco có đến 26.200 m2 đất chỉ toàn cây cỏ, mía, chuối... mọc um tùm.

Ngoài ra, các khu đất "vàng" khác gồm: hơn 60.000 m2 tại địa chỉ 561 Kinh Dương Vương của Công ty lương thực miền Nam tiếp quản, kho 52 Kinh Dương Vương rộng 3.300 m2 trực thuộc sự quản lý của Công ty bảo vệ thực vật II, 13.700 m2 (538 Kinh Dương Vương) thuộc Xí nghiệp phân bón An Lạc 1... đều bị bỏ không hoặc chưa hoàn tất hồ sơ pháp lý chuyển mục đích sử dụng.

Hầu hết chủ đất tiếp quản những địa chỉ "vàng" này đều cho rằng nguyên nhân bỏ hoang đất từ nhiều năm qua là do thành phố chậm duyệt phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đa phần công ty đều kiến nghị xin giữ lại các khu đất để chờ duyệt phương án chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo báo cáo ban đầu, hầu hết địa chỉ đắc địa này đều sẽ trở thành trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê... theo quy hoạch của địa phương. Trong quá trình kiểm tra sơ bộ, Ban kinh tế ngân sách thành phố nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, Bình Tân đang thiếu trường trung học nhưng đất mặt tiền bỏ hoang là hết sức vô lý và lãng phí.

Phó ban Kinh tế và Ngân sách Huỳnh Công Huỳnh nhận xét, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa và quản lý đất đai, các diện tích kho bãi này đã được đưa vào để tính toán. Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là phải xác định diện tích kho bãi khi đưa vào cổ phần hóa một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng.

Ông Hùng cho biết thêm, sau đợt giám sát thực tế kho bãi này, Ban Kinh tế và Ngân sách thành phố sẽ kiến nghị lãnh đạo UBND TP HCM có hướng xử lý để các kho bãi, mặt bằng được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả hơn.

Theo Vũ Lê



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.