Giá hiệu hàng... không hiệu

Hiện nay, có rất nhiều người xài hàng hiệu. Nhưng ít ai biết được những món hàng họ mua với giá cao ngất ngưởng ấy có thật là "hiệu" hay không?

Không ít tín đồ mê hàng hiệu sẽ chẳng vui vẻ gì khi nghe lời kể của T.H - nhân viên kỳ cựu của một hệ thống cửa hàng thời trang cao cấp có mặt khắp TP. HCM: "Đa số những sản phẩm mắt kính, ví da, dây nịt, đồng hồ... đều có xuất xứ từ Trung Quốc". Chuyện tưởng như đùa, bởi các hệ thống cửa hàng từ vài năm nay vốn đã trở thành dịa chỉ đáng tin cậy của vô số thượng khách "có điều kiện" xài hàng hiệu.

"Hàng hiệu" từ đâu đến?

Để chứng minh những điều mình nói là sự thật. T.H đưa ra vài ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, những chiếc đồng hồ "nhái" Gucci với giá bán ra từ khoảng 59 - 399 USD sẽ được lấy hàng từ khu vực chợ Thiếc nằm trên đường 3/2 với giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng. Tương tự, một chiếc ví nữ hiệu Channel bán ra trong cửa hàng với giá khoảng 500.000 đồng, một chiếc ví nam với giá 700.000 đồng đều được lấy ở Chợ Lớn với giá khoảng chừng 70.000 - 80.000 đồng.

M.L - một nhân viên của cửa hàng mắt kính thời trang uy tín tại TP.HCM cũng "bật mí": Như nhiều cửa hàng bán mắt kính thời trang trong và ngoài thành phố, cửa hàng của M.L cũng lấy mắt kính, gọng kính, tròng kính thời trang hiệu Gucci, Channel, LV, CK... nhưng thực chất là hàng nhái từ Trung Quốc với giá rẻ bèo trên đường Trương Định và Lê Thánh Tôn (Q.1). Đơn giản nhất có thể lấy ví dụ một trong kính với giá khoảng 9 đến 10.000 ở các địa điểm này thì được mang vào cửa hàng "chính hiệu" thì có thể bán với giá từ 100 đến 180.000 đồng.

Nhu cầu xài hàng hiệu đang ngày càng tăng

Theo thu thập của chúng tôi, có trên 50% hàng nhái được bày bán công khai với giá hàng chính hiệu tại TP. HCM và nhiều tỉnh khác. Bên cạnh đó, một số cửa hàng thời trang có hệ thống rộng lớn thường xuyên cập nhật mẫu mã mới lạ, độc đáo từ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, sau đó tìm mua chất liệu tương tự và tự thiết kế, sản xuất bằng cách hợp tác với những công ty may trong nước. Họ bí mật cho ra những sản phẩm thời trang thế giới ngay tại trong nước. Khâu cuối cùng là dán tem bảo đảm và sau đó vô tư bán với giá trên trời.

Hàng nhái cũng năm bảy loại

Bao giờ cũng vậy, hàng nhái thường được bán với giá rẻ nên bắt buộc chất lượng, quy trình, bao gói, bảo quản cũng tỉ lệ thuận với giá bán ra dĩ nhiên là có sự thỏa thuận giữa nhà sản xuất đối với chủ cửa hàng. Đa số các sản phẩm đều được chia ra loại 1, loại 2, loại 3... chiều theo thị hiếu của người mua. Với nhiều cửa hàng bán nhái "uy tín" thì thường lựa chọn sản phẩm loại 1, gần giống với chất lượng sản phẩm hàng chính hiệu nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc giá những hàng loại 1 sẽ là cao nhất.

Dĩ nhiên, hàng nhái với giá cực bèo cũng chẳng có gì là lạ. Ngọc Phương - sinh viên Đại học KHXH&NV, TP.HCM chia sẻ: "Đã có lần Phương mua một chai nước khoa CK 100ml với giá 15.000 đồng ở chợ đêm Kỳ Hòa mà mùi hương của nó kông khác gì hàng xịn". Còn chị T.N, nhân viên bán nước hoa tại một tòa nhà lớn, cho biết: "Nếu người nhà của mình mà mua nước hoa, bao giờ mình cũng cản vì hầu hết các chai nước hoa dán tem hẳn hoi nhưng vẫn bị pha cồn ít nhất là 20%".

Theo cô bán hàng này những loại nước hoa nhái hàng hiệu kiểu như chị Phương mua thì nhiều vô số kể và chẳng ai có thể ước tính bao nhiêu chai nước hoa "chính hiệu" được sản xuất từ chợ Kim Biên. Chúng hiện diện ở mọi nơi các cửa hàng mà chỉ có người nhiều tiền mới dám bước chân vào".

Chiêu thức tiếp thị hấp dẫn

Nếu không thể thu hút khách hàng đông đúc như mong nghĩ ra những chiêu thức kinh doanh khôn ngoan để không bị lộ tẩy. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để khách hàng tìm đến cửa hàng là liên kết với những trung tâm mua sắm lớn hay những cửa hàng thời trang lâu năm.

Ví dụ như khi khách hàng mua một sản phẩm trị giá vài triệu tại một trung tâm điện máy khách hàng sẽ được tặng Voucher (thẻ ưu đãi) trị giá vài trăm ngàn mua hàng ở một của hàng thời trang cao cấp nào đó. Bằng cách này, chủ cửa hàng đã đánh trúng tâm lý không nỡ bỏ phí phiếu ưu đãi của khách hàng. Vì tiếc mấy trăm ngàn, người tiêu dùng tìm đến những cửa hàng thời trang cao cấp ấy mà không biết rằng dù được tặng thêm bao nhiêu thẻ ưu đãi thì họ vẫn phải chịu thiệt thòi.

Thực tế là không có một sản phẩm nào có giá thấp hơn thẻ ưu đãi, vì vậy việc móc hầu bao thanh toán với giá "hiệu" cho một sản phẩm hàng nhái là điều tất yếu. Và khi khách hàng đã một lần tìm đến cửa hàng thì những chiêu thức tiếp thị hấp dẫn khác tiếp tục được tung ra: lưu tên khách hàng với lời hứa sẽ ưu đãi nếu mua sản phẩm lần sau, mua một tặng một, chăm sóc chu đáo...

Nhận biết hàng giả bằng cách nào?

Đa số những khách hàng nhiều kinh nghiệm đều biết rằng việc rao bán sản phẩm hàng hiệu giá rẻ "bất ngờ" là điều không thể xảy ra. Vì hàng giả có thể bán với giá hiệu nhưng hàng hiệu thì nhất định phải bán với giá hiệu. Minh Lan (Q.3, TP. HCM), một người khá sành sỏi trong việc sử dụng hàng hiệu cho biết: thường để ý đến mã số được gắn trên sản phẩm hàng hóa. Mã số này thường có khoảng 13 số hoặc 18 số cho sản phẩm có kích cỡ nhỏ.

Mã số được tính từ trái qua phải, hai hoặc ba số đầu tiên là mã số quốc gia (của Việt Nam là 893). Tuy nhiên, do những lý do khác nhau nên rất nhiều sản phẩm hàng nhái không sử dụng mã số theo quy định. Nếu bạn thấy một dãy số nào đó không theo quy định của nhà nước hoặc không có mã số thì có nghĩa là sản phẩm đó là hàng nhái 100%".

Thành Trung - sinh viên Đại học Sư pohạm thì cho biết anh rất thích mua mắt kính. "Nhìn tinh mắt sẽ thấy dù giống hệt nhau về kiểu dáng nhưng hàng nhái luôn nhẹ hơn và đường nét thì không được tinh tế như hàng hiệu", Trung nói.

Ngọc Linh - nhân viên bán hàng cho một cửa hàng mỹ phẩm chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng có đến khoảng 80 - 90% mỹ phẩm ngoại nhập là hàng nhái. Khách hàng không nên mua mỹ phẩm ở những cửa hàng tư nhân, kể cả những cửa hàng tư nhân hợp đồng với siêu thị.

Còn nếu muốn sử dụng hàng chính hiệu thì nên để ý một điều như sau: hàng chính hiệu thường có đậy một lớp mỏng trên cùng trước khi tay bạn tiếp xúc với sản phẩm phía trong. Nếu là hàng nhái thì thường không có lớp chắn ấy hoặc lớp chắn ấy bị dấu tay do bóc ra".

Đa số những khách hàng sành mua sắm thì khuyên nên tìm mua sản phẩm ở những trung tâm thương mại lớn, uy tín dù giá cả có cao hơn nhưng sẽ đảm bảo an toàn hơn. Và một điều cuối cùng cần chia sẻ là trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, bạn hãy dành chút thời gian để tìm hiểu về sản phẩm ấy một cách chắc chắn như: giá cả, uy tín, dấu hiệu nhận biết... Tránh việc mua sắm thụ động sẽ không bao giờ có chuyện bạn sẽ tìm được một sản phẩm hàng hiệu với giá "hời".

Theo Nguyễn Quỳnh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.