Hàng "dỏm" bán chỗ...xịn

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã khiến cho nhiều người tiêu dùng "choáng váng" khi phát hiện nhiều vụ hàng "dỏm" (hàng giả, hàng nhái) không rõ nguồn gốc , kém chất lượng được bày bán ở các trung tâm thương mại rất "hoành tránh"...

Nhãn ngoại, hàng nhái

Các trung tâm thương mại (TTTM) thường được đánh giá là điểm mua sắm tin cậy với nguồn hàng phong phú, đảm bảo chất lượng, bán theo giá niêm yết. Chỉ riêng tại TP.HCM, hiện có 82 siêu thị (ST) các loại và hơn 22 TTTM.

Trong đó, phần lớn các TTTM thuộc quyền sở hữu của tư nhân cho các cá thể thuê mặt bằng dể kinh doanh mà không phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước.

Điều này đã tạo kẽ hở cho không ít TTTM, ST tránh né "Quy chế TTTM, ST" theo Quyết định 1371/2004/QĐ - BTM. Chính vì không ghi rõ trong hợp đồng cho thuê mặt bằng các quy định về loại hàng hóa nào được phép kinh doanh và cấm mua bán, tạo cơ hội cho nhiều hộ kinh doanh cá thể ở những nơi này bán hàng có nguồn gốc không rõ ràng.

Điển hình, trong các đợt kiểm tra gần đây, Chi cục quản lý thị trường TP. HCM (QLTT) đã phát hiện 6 gian hàng ở TTTM Lucky Plaza (Q.1, Tp.HCM) bày bàn đồng hồ đeo tay nhập lậu, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Rado, Panerai, Chanel, Longines... Sạp Mi-Fa, quầy bán hàng Thu Hồng ở Sài Gòn Square (Q.1, TP. HCM) bán túi xách, ví da nhái nhãn hiệu Louis Vuitton.

"Cơn sốt" thích hàng thời trang "hàng hiệu" đang trở thành "mốt" của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ do muốn chính tỏ về đẳng cấp "dân sành đồ hiệu"

Chưa hết, ở TTTM An Đông Plaza (Q.5, TP.HCM) tiếp tục phát hiện ở quầy kinh doanh túi xách, ví, thắt lưng nhái nhãn hiệu Louis Vuitton. Còn ở siêu thị Big C An Lạc (Q. Bình Tân, TP. HCM) tại quầy 9-10 của cửa hàng Thúy Nga (nằm trong khuôn viên) bán đồng hồ giả hiệu Q&Q, CK, Omega, Senko, Rado, Seiko...

Vì sao các TTTM này có bán hàng "dỏm"? Nhiều tiểu thương cho biết, 2009 là năm của hàng hiệu. Cơn sốt thích hàng thời trang "hàng hiệu" đang trở thành "mốt" của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ do muốn chính tỏ về đẳng cấp "dân sành đồ hiệu". Nhưng chiếc túi xách, dây thắt lưng, mắt kính hiệu Louis Multicolor, Chanel, Burberry hay Monogram Vernis... rẻ nhất cũng có giá khoảng từ 150- 950 USD...

Chưa có quốc gia nào trên thế giới việc kinh doanh hàng nhái, hàng lậu lại diễn ra công khai như ở Việt Nam. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TP. HCM cho biết, không ít thương nhân đã lợi dụng mác TTTM để bán hàng giả, hàng kém chất lượng với giá hàng hiệu. Hầu hết hàng hóa vi phạm có xuất xứ "Made in China" nhưng nhân viên bán hàng đều nói là của Mỹ, Nhật, Singapore...để bán với giá "trên trời", thậm chí đẩy lên gấp 10 lần so với giá trị thực của sản phẩm, nhằm để người tiêu dùng an tâm là đã mua hàng chính hiệu.

Trên đây chỉ là phần nhỏ trong 6.790 vụ vi phạm, tăng gần gấp đôi so vơi cùng kỳ năm 2008. Song, để làm rõ nguồn gốc của hàng nhái là vấn đề cực khó vì khi nó vào đến các cửa hàng để tiêu thụ thì đã bị "chia năm sẻ bẩy" nên rất khó kiểm tra được từ gốc.

Tinh vi đến mức khó lường

Các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... là những trung tâm kinh tế và là đầu mối tiếp nhận những hàng hóa từ các nước. Do dân số đông nên các nơi này cũng là "vùng trũng" của nạn sản xuất hàng nhái và hàng nhập lậu.

Và một thực tế là chưa có quốc gia nào trên thế giới việc kinh doanh hàng nhái, hàng lậu lại diễn ra công khai như ở Việt Nam. Bởi qua kết quả khảo sát nhiều mặt hàng tiêu dùng (quần áo, thời trang, mỹ phẩm...) ở đâu có cửa hàng bày bán hàng hóa thì ở đó có bán hàng nhái, hàng nhập lậu.

Ví như theo điều tra, sản phẩm Lacoste có tới 95% được bán trên thị trường hiện nay là hàng nhái. Có một số chi tiết để phân biệt hàng chính hãng và hàng nhái, song không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt giữa hàng dỏm và hàng thật qua các chi tiết như: hàng Lacoste chỉ được làm từ chất liệu 100% cotton và không pha trộn gì khác, rất nhẹ.

Trong khi đó, hàng nhái dù ở cấp độ nào cũng thường nặng hơn rất nhiều. Logo hình con cá sấu được khâu và may tinh tế hơn nhiều so với hàng nhái. Răng của cá sấu được hiện rõ và có khả năng phát sáng, cúc áo của hàng nhái thường phẳng, cứng, chỉ làm từ nhựa bình thường, trong khi hàng "xịn" có một đường gờ nhỏ, được làm từ ngọc trai, không ghi bất kỳ chữ gì. Hàng Lacoste thật có phần viền tay áo không quá rộng mà cũng không quá nhỏ và ký hiệu kích cỡ của áo (size) theo dạng S, M, L...chứ không dùng những con số 1,2,3,4...

Ngoài ra, một số hàng nhái còn được sản xuất tinh vi không thua gì hàng thật mà ngay cả dân sành điệu cũng "bó tay" vì không thể phân biệt được. Cụ thể như mặt hàng đồng hồ đeo tay. Với hàng nhái-giả Hồng Kông thì những chi tiết như mặt đồng hồ, kim, lo go...trông rất "phô". Trong khi đó, nếu là hàng nhái "Made in Thailand" thì lại tinh vi đến từng chiếc kim chỉ giờ và sự chính xác đến 98% so với hàng "xịn".

Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ hàng nhái lại các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tại các trung tâm thương mại rất "hoàng tráng"

Xử lý ra sao?

Đứng trước thực trạng này, nhiều người tiêu dùng đã đặt ra câu hỏi rằng có giải pháp nào để hạn chế thực trạng hàng "dỏm" tại TTTM, ST? Ông Trương Trung Việt, PGĐ Sở Công thương TP. HCM cho rằng: "Ban quản lý (BQL) các TTTM, ST cần phải thể hiện rõ trách nhiệm quản lý, cơ quan kiểm tra có quyền buộc BQL phải chịu trách nhiệm liên đới khi phát hiện ra hộ kinh doanh thuộc TTTM, ST vi phạm bán hàng gian, giả, kém chất lượng...

Bởi hiện nay, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sai phạm thì chỉ có chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm , còn BQL các TTTM, ST khi đó chỉ đóng vai trò làm chứng. Kinh nghiệm cho thấy, từ nay đến cuối năm là thời điểm hàng quá "dỏm" bành trướng, xâm nhập ồ ạt vào cả các ST, TTTM lớn.

Đối với ngành QLTT, tập trung toàn lực lượng cho công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Hướng mạnh việc kiểm tra vào các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, trong đó đặc biệt chú ý các đối tượng chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang, các điểm bán sỉ, kho hàng. Sở Tài chính kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải kê khai đăng ký.

Tuy nhiên, đối tượng kinh doanh hàng "dỏm" thường thuê chung một nơi để chứa nhiều chủng loại hàng, do đó khi lực lượng kiểm tra chủ mặt hàng này phải có đủ mặt các chủ hàng khác, mà việc này không dễ thực hiện.

Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua hàng hóa phải lưu ý đến nhãn mác. Nếu phát hiện khả nghi, cần báo cho lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT địa bàn...Có như vậy mới mong kiểm soát được nạn hàng "dỏm" đang đến hồi báo động.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.