Hàng không tư nhân: Tham vọng ngàn tỷ ồn ào bầu trời Việt

Sau Vietjet Air, Bamboo Airways là hãng hàng không thứ ba đang chuẩn bị ra nhập thị trường, hứa hẹn cuộc cạnh tranh khốc liệt trên bầu trời Việt trong thời gian tới.

Sau Vietjet Air, Bamboo Airways là hãng hàng không thứ ba đang chuẩn bị ra nhập thị trường, hứa hẹn cuộc cạnh tranh khốc liệt trên bầu trời Việt trong thời gian tới.

Cục diện thay đổi

Nhiều sân bay mới được xây dựng cũng như các sân bay cũ được nâng cấp mở rộng, nhu cầu đi lại bằng hàng không của người dân gia tăng, đồng thời khách du lịch vào Việt Nam ngày càng đông... Đó là những điều kiện tạo cơ hội cho ngành hàng không phát triển mạnh hơn. Thị trường hàng không Việt Nam nội địa có vẻ rất hấp dẫn khi số lượng người chơi vẫn còn ít ỏi với 3 hãng hàng không chiếm phần lớn thị trường.

Hãng hàng không Bamboo Airways vừa chính thức công bố thông tin sẽ cất cánh vào cuối năm 2018. Được định vị trở thành hãng hàng không Hybrid lai giữa hàng không truyền thống và giá rẻ, giá vé của hãng này sẽ nhỉnh hơn Vietjet Air và thấp hơn so với Vietnam Airlines.

Hàng không tư nhân: Tham vọng ngàn tỷ ồn ào bầu trời Việt-1
Tham vọng của FLC

Tới thời điểm này, theo ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways, doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện về thủ tục pháp lý, hồ sơ đã được nộp cả ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải. Hãng sẽ bắt đầu nhận các máy bay theo hợp đồng mua 24 chiếc A321 NEO từ Airbus từ năm 2021 và hoàn tất trong 3 năm.

“Tuy nhiên, để kịp tham vọng bay ngay trong quý IV/2018, Bamboo Airways sẽ thuê 10 chiếc, nhận dần máy bay mới những năm tiếp theo và hoàn thiện đội bay”, ông cho biết.

Để cạnh tranh, Bamboo Airways tập trung tuyến bay quốc tế nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan,... đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nha Trang,... Trong dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang,...

Trước đó, hãng hàng không giá rẻ Air Asia sau khi bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh, liên doanh hàng không mới này sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, và Air Asia góp 30% vốn theo con số này.

Vietstar Airlines có vốn điều lệ 800 tỷ đồng đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Ở lĩnh vực hàng không chung, Globaltrans Air vừa được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký quyết định cấp giấy phép kinh doanh, vốn bị thu hồi từ tháng 11/2016.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm đầy đủ các nội dung theo quy định. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện thị trường kinh doanh hàng không chung ở Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, VASCO và Công ty Cổ phần hàng không Hải Âu khai thác.

Cạnh tranh trên bầu trời

Sự có mặt của Bamboo Airways và một tân binh khác là Vietstar Airlines (nếu thực hiện được) sẽ giúp cho thị trường hàng không Việt thêm sôi động cùng với Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Hải Âu.

Đồng thời, các hãng hàng không tư nhân mới xuất hiện một lần nữa cho thấy, những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư vào lĩnh vực hàng không cũng đều hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.

Hàng không tư nhân: Tham vọng ngàn tỷ ồn ào bầu trời Việt-2
Hàng không cạnh tranh gay gắt

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng, tiềm năng phát triển đối với hàng không là rất lớn. “Nếu thấy có khó khăn thì chúng tôi đã không vào. Với thị trường gần 100 triệu dân. Trong khi đó phương thức vận tải hàng không đang phổ biến và được ưa chuộng thì chúng tôi nghĩa không chỉ Bamboo, kể cả 1-2 hãng nữa ra đời thị vẫn sẽ có cơ hội chiếm thị phần”, ông Trọng nói.

Không thua kém, Vietjet Air hiện cũng tăng cường mở rộng các đường bay dài quốc tế. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao hãng này quyết định nâng cấp lên SkyBoss. Vietnam Airlines gần đây đầu tư mạnh mẽ cho phân khúc thấp hơn qua hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines - hiện sở hữu gần 70% vốn.

Thực tế, cuộc đua trên bầu trời không hề dễ dàng. Công ty CP Hàng không Mekong (Air Mekong) cũng đã ngừng bay nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán khoản nợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gần 26 tỷ đồng... Hãng hàng không Indochina Airlines - do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc - đã phá sản, vẫn còn nợ đối tác 30 tỷ đồng tiền nhiên liệu bay, chưa trả nổi.

Hay như Globaltrans Air gửi Cục Hàng không Việt Nam, hãng đã được thành lập tháng 7/2014 tại TP.HCM, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2014-2015, hãng sẽ mua hai máy bay BeechCraft King Air B200 bằng nguồn vốn của công ty và bảo lãnh ngân hàng. Mặc dù vậy, Globaltrans Air vẫn chưa thể cất cánh. Việc thực hiện giao dịch, trao đổi hồ sơ, hợp đồng mua bán máy bay với nhà cung cấp cũng chưa thể hoàn tất.

Còn về phía người tiêu dùng, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hàng không, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn. Nhiều đường bay mới được mở ra, các hãng cạnh tranh về giá cả và chất lượng, hành khách sẽ được hưởng lợi.

Theo VietNamNet


Hàng không tư nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.