Hệ lụy của sự thiếu tế nhị

Muốn xem một món đồ, chúng ta không thể tự tiện đưa tay lấy trước khi người đang giữ món đồ ấy tự tay trao cho chúng ta. Đó là một phép lịch sự quan trọng tại nhiều nước phương Tây.

Còn ở nước ta, có khi một ai đó tự nhiên lấy ngay món đồ người khác đang cầm trên tay chỉ sau một lời ngỏ mượn chiếu lệ. Sẽ chẳng ai góp ý nếu không đủ thân thiết và chúng ta sẽ chẳng nhận ra sự không hài lòng của "khổ chủ" nếu không để ý kỹ. Nhưng từ chuyện nhỏ nhặt ấy có thể dẫn đến những dè dặt hay ít ra là giảm đi sự nồng hậu trong những giao tiếp tiếp theo.

Trong quản trị nhân sự, một cách vô tình, đôi khi chúng ta có thể rơi vào những tình huống "bất lịch sự" như trên. Hậu quả có thể là chúng ta và cả tập thể, bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Nghiêm trọng hơn, có thể phát sinh những tâm lý tiêu cực trong nhân viên: bi quan, bất mãn, thiếu hợp tác, thậm chí là "trả đũa"...

Chẳng hạn nếu có sự thay đổi vị trí, trong thuyên chuyển nhân sự thì cần bàn giao và nhận bàn giao một cách rõ ràng và chi tiết các công việc, quyền hạn và trách nhiệm rồi mới chính thức thay đổi. Bàn giao "trọn gói" một lần giúp công việc được chuyển và nhận đầy đủ hơn hẳn so với cách người mới phải dần dà "nhặt nhạnh" việc của người cũ một cách không chính thống. Trong trường hợp không đủ khả năng tiếp nhận công việc trong một lần, việc lập một kế hoạch để chuyển dần từng phần việc theo thời gian cũng là một giải pháp.

Bên cạnh đó, sự công bố người đảm nhiệm mới nếu có thêm sự giới thiệu rõ ràng từ người tiền nhiệm sẽ gắn kết tích cực giữa người mới và các nhân viên cũ. Tại một doanh nghiệp lớn, trước khi nhân viên phụ trách quan hệ báo chí nghỉ việc sẽ phải giới thiệu người mới thay thế cho tất cả các phóng viên có quan hệ biết. Điều này có ít nhất ba lợi ích: thương hiệu doanh nghiệp có cơ hội được nhắc đến, thương hiệu nhân sự được một điểm cộng trong mắt đối tác (ở đây là các phóng viên). Cuối cùng, tránh được tình huống xấu là người mới không được các đối tác tin cậy, thậm chí còn thắc mắc vì sao người cũ ra đi

(Ảnh minh họa)

Từng diễn ra tình huống của một quản lý cao cấp (tạm gọi là A) khi có nhân viên dưới quyền là một quản lý cấp trung (là B) thuyên chuyển công việc. Trước khi các thông tin chính thống được đại diện doanh nghiệp ban hành khá lâu và trước khi B trực tiếp thông báo, A đã loan báo thông tin về việc ngưng phụ trách công việc cũ của B đến các nhân viên mà B trực tiếp phụ trách, đồng thời "nhanh nhẹn" tiếp quản tất cả các công việc của người này mà không yêu cầu bàn giao chính thống. Với tư cách là cấp trên và cũng là người mới tiếp quản, A không cần phải thông báo cho B về tình hình công việc, khiến B có cảm giác mình bị "cho ra rìa" quá sớm.

Đối với các bên liên quan trong công việc thì cả A lẫn B đều thông báo "lẻ tẻ" mỗi khi có phát sinh liên quan. Vì thế, dù được phân công hỗ trợ tư vấn về công việc cũ, nhưng B cũng không mặn mà trong việc đóng góp ý kiến tư vấn và cũng không có đủ dữ liệu để làm căn cứ tư vấn. Đó cũng là đặc điểm tâm lý phổ biến của người làm công: không nhiệt tình đối với các công việc không có tính bắt buộc nếu không nhận thấy lợi ích nhận được. Quyền hạn, trách nhiệm cùng lợi ích là ba vấn đề nên đi chung với nhau trong việc dùng người.

Một câu chuyện về hệ lụy của sự thiếu tế nhị. Theo thần thoại Hy Lạp, cuộc chiến thành Troy máu lửa có nguyên nhân sâu xa là quả táo vàng của thần Eris. Vì không được mời dự tiệc, Eris trả đũa bằng cách lén để một quả táo vàng có chữ "Dành tặng người đẹp nhất" vào bàn tiệc. Điều này tạo nên mâu thuẫn giữa ba nữ thần xinh đẹp là Athena - thần Thủ công mỹ nghệ (đồng thời là thần Chiến tranh), Aphordite - thần Tình yêu và Hera - vợ của thần có quyền lực cao nhất là Zeus.

Paris, hoàng tử thành Troy được chọn làm "giám khảo" đã trao quả táo cho thần Tình yêu vì bị người đẹp hứa ban cho một người phụ nữ đẹp nhất thế giới... Oái oăm thay, người đẹp đó lại là Helen, vợ của vua thành Sparta nên chiến tranh mới nổ ra. Ba nữ thần dự thi sắc đẹp cũng tham gia cuộc chiến này: thần Tình yêu giúp đỡ thành Troy, hai thần còn lại ủng hộ thành Sparta.

Theo Yến Nguyệt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.