Lạm phát tháng 1/2013 tăng mạnh trở lại

Ngay từ tháng 1/2013, chỉ số CPI đã tăng 1,25% so tháng trước và tăng 7,07% so cùng kỳ, trong khi mục tiêu kìm giữ lạm phát cả năm dưới 6,8%.

Ngay từ tháng 1/2013, chỉ số CPI đã tăng 1,25% so tháng trước và tăng 7,07% so cùng kỳ, trong khi mục tiêu kìm giữ lạm phát cả năm dưới 6,8%. Lương thực, thực phẩm đảo chiều tăng mạnh; giá y tế tiếp tục góp phần lớn vào đà tăng chỉ số chung.

Sáng nay (24/1/2013), Tổng cục Thống kê chính thức công bố về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013. Theo đó, CPI tháng này đã tăng 1,25% so với tháng 12/2012 và tăng 7,07% so với cùng kỳ.

Đây là tháng có mức tăng mạnh nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây (nếu không kể đợt tăng đột biến 2,2% hồi tháng 9/2012). Còn nếu tính cùng thời điểm, mức tăng giá tháng 1/2012 cũng chỉ ở mức 1% trước khi tăng lên 1,37% vào tháng Tết Nguyên đán.

CPI tháng 1 tăng mạnh trở lại, chủ yếu do giá y tế, thực phẩm và may mặc (Nguồn: GSO/Dân trí).
CPI tháng 1 tăng mạnh trở lại, chủ yếu do giá y tế, thực phẩm và may mặc (Nguồn: GSO/Dân trí).


Tháng mở đầu năm 2013 đánh dấu sự trở lại về giá của giá lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá của nhóm này đã tăng 1,34% so với tháng 12/2012 sau một thời gian dài giảm giá liên tục trong năm qua, nhất là giá thực phẩm tăng rất mạnh, mức tăng đạt 1,96%. Trong ki đó, ăn uống ngoài gia đình cũng chỉ tăng 0,6%. Lương thực tăng 0,15%.

Giữ vị trí "quán quân" về đắt đỏ cũng như về tốc độ tăng giá "chóng mặt" vẫn là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Chỉ số giá nhóm này tăng 7,4% trong đó dịch vụ y tế tăng 9,5%.

Ngoài ra, thời gian cận Tết cũng đã đẩy nhu cầu mua sắm của người dân lên, khiến nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng giá 1,3%.

Trong số 11 nhóm mặt hàng để tính giá, chỉ duy nhất có nhóm bưu chính viễn thông giảm giá 0,05% so tháng trước. Còn lại tất cả các mặt hàng còn lại đều tăng giá nhẹ. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, chất đốt...) tăng 0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,54%; giao thông tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,3%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,74%.

Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng giảm 1,73% so với tháng 12/2012 và tăng 2,37% so với tháng 1/2012. Chỉ số giá USD cũng giảm 0,08% so tháng 12/2012 và giảm 1,09% so với cùng kỳ 2012.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế độc lập, TS Vũ Đình Ánh đánh giá, mức 1,25% là "cao quá". Ông nói: "So với thời điểm tháng 1 hàng năm, mức tăng này là cao. Cần lưu ý đến sự đảo chiều đến giá lương thực, thực phẩm đã chi phối đến chỉ số chung - tuy nhiên, do tính chất mùa vụ nên cũng có thể lý giải được".

Do đây là tháng khởi đầu năm, mức tăng giá cao trở lại sau nhiều tháng liên tăng thấp, do vậy, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: "Mục tiêu kiềm giữ được lạm phát năm nay dưới mức 6,8% không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vì vậy, cơ quan điều hành sẽ phải cẩn trong hơn trong các quyết sách sắp tới".

Hiện tại, theo nhiều phản ánh, trên thị trường, nhiều mặt hàng liên quan tới thực phẩm đã tăng nóng, chẳng hạn đợt tăng giá trứng, rau xanh vừa qua. Nếu cơ quan chức năng không có sự can thiệp kịp thời để phòng chống tình trạng làm giá hàng hóa, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung của thị trường cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, do rơi vào tháng Tết, giá giao thông dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, thêm vào là cộng hưởng của chính sách tăng giá điện hồi cuối tháng 12 (đưa vào kỳ tính giá tháng 1), khó tránh khỏi CPI tháng 2 sẽ ở mức cao.
Theo Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.