Năm nội dung cơ bản của kế hoạch kinh doanh

Dù doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ thế nào thì không thể thiếu một kế hoạch kinh doanh. Một kế hoạch kinh doanh có thể dài vài trang, có khi dày đến vài trăm trang.

Tuy nhiên, dù có độ dài ngắn thế nào, một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh cần phải hội đủ năm nội dung cơ bản sau đây.

Phân tích tình hình

Ở phần này, doanh nghiệp phải nhận định tình hình hiện tại một cách khách quan. Nên nhìn lại doanh thu trong ba năm gần đây và so sánh chúng với các con số tương tự của các đối thủ cạnh tranh.

Doanh nghiệp cũng phải đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của mình và làm một phân tích theo mô hình SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và các thách thức). Theo mô hình này, doanh nghiệp cần tìm hiểu đâu là những điểm đặc thù của sản phẩm hay dịch vụ của mình so với sản phẩm hay dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phân tích các yếu tố môi trường, chính tác động đến hoạt động kinh doanh của mình, phải xem xét đến môi trường kinh tế của ngành mà mình định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm tới. Phải lường trước xem sẽ có những thay đổi nào trong các luật lệ và quy định của chính phủ làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành hay không. Đây là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp nhưng chúng sẽ tạo ra tác động trực tiếp và tức thời lên ngành kinh doanh mà doanh nghiệp đang đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc.

Thị trường

Nên phân tích kỹ các đối thủ cạnh tranh. Ai là những đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất của doanh nghiệp? Các công ty này đang áp dụng những chiến lược gì để thu hút khách hàng? Doanh nghiệp có thể học được điều gì từ những chiến lược của họ không?

Nên nhìn các đối thủ cạnh tranh ở nhiều góc độ hơn. Họ đang áp dụng mức giá nào và mức giá đó có gì khác biệt với mức giá của doanh nghiệp? Sản phẩm của doanh nghiệp đang là sản phẩm cao cấp hay cũng tương tự như sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác qua cách định giá hiện tại? Việc định giá có ảnh hưởng thế nào đến nhận thức của khách hàng về sản phẩm của doanh nghiệp?

Tiếp theo, nên tìm hiểu xem các đối thủ cạnh tranh đang quảng bá cho sản phẩm hay dịch vụ của họ như thế nào, họ có trang web không, có phát hành bản tin không...

Định vị cho sản phẩm

Sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có những giá trị đặc biệt gì so với sản phẩm hay dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh? Nếu không biết được sự khác biệt này, hãy tìm hiểu tại sao khách hàng mua sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian qua và tại sao họ sẽ tiếp tục mua trong tương lai.

Doanh nghiệp cần phải nhận diện ra chân dung của những khách hàng triển vọng nhất của mình dựa trên việc tìm hiểu những khách hàng hiện tại. Hãy vẽ ra một viễn cảnh, chỉ rõ những điều mà doanh nghiệp cần phải làm để thu hút những khách hàng triển vọng mua sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Vạch ra các mục tiêu

Tất cả mọi phân tích trên đây đều không có tác dụng nếu doanh nghiệp không sử dụng chúng để đặt ra các mục tiêu cho năm tới. Các mục tiêu này phải bao gồm doanh thu dự kiến cho từng tháng, số khách hàng mà doanh nghiệp cần phải tiếp cận để đạt được các con số đó. Nên nhớ rằng các mục tiêu phải đánh giá được và có thời hạn hoàn thành rõ ràng.

Xây dựng chiến lược

Đây là phần quan trọng nhất của một kế hoạch kinh doanh. Dựa trên phân tích tình hình, phân tích cạnh tranh, các tuyên bố định vị sản phẩm và các mục tiêu, ở bước này doanh nghiệp phải đi tìm lời giải cho câu hỏi "Làm thế nào để đi đến đích, tức đạt được các mục tiêu?". Nói cách khác, doanh nghiệp cần phải vạch ra những chiến lược để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm tới.

Điều quan trọng nhất khi xây dựng kế hoạch kinh doanh là doanh nghiệp cần phải thành thật với chính mình và vạch ra những mục tiêu khả thi. Chỉ nên chọn và tập trung vào những gì thấy có cơ hội để phát triển kinh doanh và trong khả năng của doanh nghiệp.

Theo Đông Dương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.