Nỗi ám ảnh trên thị trường chứng khoán

Trong thời điểm hiện nay, điều khiến giới đầu tư trăn trở nhất là dòng tiền liệu có rút ra khỏi thị trường sau một giai đoạn đã sinh lời khá.

>> Xuất hiện làn "sóng" bán tháo trên sàn chứng khoán

>> Dòng tiền chững lại, Vn-Index tiếp tục đi xuống

>> Tiền chứng khoán nằm chờ thời cơ mới

>> "Đỏng đảnh" như chứng khoán Việt Nam

>> Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu nhỏ

Đi cùng với nỗi lo một phần vốn sẽ quay lưng lại với thị trường là nỗi lo về niềm tin của nhà đầu tư sẽ "đảo chiều".

Nóng ruột với "dòng tiền nóng"

Ba chữ "dòng tiền nóng" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn về chứng khoán và trong câu chuyện hàng ngày của giới đầu tư. Được nhắc nhiều đến mức giờ đây câu chuyện về dòng tiền đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Lo ngại dòng tiền mạnh mẽ đã giúp thị trường vươn lên trên ngưỡng 500 điểm vào đầu tháng 6/2009 có thể bị rút ra bất cứ lúc nào khiến nhiều nhà đầu tư ngại ngần. Nỗi ám ảnh này xuất phát từ những phỏng đoán, lo ngại việc một số doanh nghiệp đã không sử dụng đồng vốn ưu đãi từ gói kích cầu của Chính phủ với lãi suất ưu đãi 4% đúng mục đích mà lại đổ vào... chứng khoán.

Niềm tin của giới đầu tư hiện quá mong manh. (Ảnh minh họa)

Niềm tin của giới đầu tư hiện quá mong manh. (Ảnh minh họa)

Mới đây, trao đổi với báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhận xét: không loại trừ hoàn toàn có một phần vốn kích cầu chảy sang thị trường chứng khoán. Việc kiểm tra luồng vốn có đi đúng hướng đang được khẩn trương triển khai. Việc đặt dấu hỏi và kiểm tra của cơ quan quản lý là những việc làm thường xuyên, cần thiết, tuy nhiên qua những con số về tình hình tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cho thấy thực tế không đáng ngại như những thông tin đang âm ỉ trong giới đầu tư.

Đến thời điểm cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện cung tiền 43% chỉ tiêu Chính phủ phê duyệt. Việc điều hành chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng nhưng nới lỏng một cách thận trọng và phù hợp với chính sách vĩ mô chứ không phải nới lỏng là tung một lượng tiền ra để tác động mạnh tới thị trường.

Đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 14,01% so với cuối năm 2008, kế hoạch cả năm tăng trưởng tín dụng của Chính phủ phê duyệt là 30%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đang tiếp tục tăng cao khoảng 3% trong tháng 6, tức là lên đến 17% nhưng những tháng cuối năm sẽ tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, quy chế quản lý tín dụng của Việt Nam áp dụng từ 2001 đến nay phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm kiểm soát hoạt động tín dụng của mình trên tinh thần quy định này. Luồng tiền nếu kiểm soát dựa trên quy chế chưa có gì bất ổn.

Niềm tin có dễ "đảo chiều"?

Những nhà đầu tư từng chứng kiến giai đoạn thăng hoa của thị trường năm 2007 cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn vừa qua. Nhiều tổ chức chuyên nghiệp, chuyên gia chứng khoán với đủ các hình mẫu, các phương pháp phân tích kỹ thuật đã "bó tay", không thể nhận định được xu hướng thị trường.

Giải thích cho sức bật khó tưởng tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là niềm tin về khả năng phục hồi sớm của một nền kinh tế năng động. Bên cạnh đó là khát vọng nắm bắt lấy cơ hội có được từ đáy của cuộc khủng hoảng.

Có quan điểm cho rằng niềm tin của giới đầu tư hiện quá mong manh. Quan điểm này vô hình trung đã đánh giá thấp "tầm" của đại bộ phận nhà đầu tư. Sau khi đi từ đỉnh cao 1.170 điểm của năm 2007 xuống đến vực sâu 235 điểm hồi đầu năm 2009, không thể phủ nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đã trưởng thành hơn, công tác quản lý có nhiều thay đổi, giới đầu tư chuyên nghiệp hơn nhiều.

Tất nhiên, lòng tham và sự sợ hãi cao độ của trạng thái này hay trạng thái kia, vẫn luôn song hành (cho dù là thị trường chứng khoán non trẻ hay lâu đời) và tạo nên những diễn biến bất ngờ.

Nhắc lại câu hỏi niềm tin đến từ đâu (?) vào lúc này dường như quá cũ. Nhưng để đánh giá về khả năng "ra đi" của niềm tin cần phải nhắc đến điểm khởi nguồn. Những con số về tăng trưởng kinh tế, về lợi nhuận của doanh nghiệp và quan trọng hơn là những bước đi của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế Việt Nam vượt qua những hậu quả, khó khăn của cuộc khủng hoảng chính là nền tảng cho niềm tin của nhà đầu tư.

Không chỉ giới đầu tư trong nước, nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài đã có cùng nhận định: kế hoạch kích thích kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang phát huy tác dụng tốt và thời kỳ xấu nhất đã qua. Thực tế, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế dã tạo ra sự dịch chuyển mạnh từ các kênh đầu tư có tính an toàn cao sang chứng khoán. Liệu có thức thời khi cho rằng thị trường đã quá nóng, đến mức làm tan chảy nền tảng của niềm tin?

Theo Song Hà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.