Tại sao lại phải "nhái"?

Một số nhà sản xuất đánh vào tâm lý chuộng hàng hiệu của một bộ phận người tiêu dùng để làm hàng giả. Bạn đừng để mình trở thành đồng phạm của hành vi phạm pháp.

Từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, mức sống của người dân được cải thiện, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng cũng bắt đầu gia nhập thị trường. Phần lớn hàng hiệu đều có giá bán từ hàng chục đến vài trăm triệu một sản phẩm nên không phải người Việt nào cũng có thể sở hữu chúng.

Thế nhưng, rất nhiều người Việt vẫn dùng...hàng hiệu. Khi ra đường, chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy điều đó. Những chị bán rau lam lũ mặc áo Chanel đính đá lấp lánh, những bạn trẻ tung tăng trên xe đạp, vai đeo chéo túi Louis Vuitton. Bất ngờ nhất có lẽ là những chiếc xe máy bọc yên với vải canvas hiệu Gucci, Burberry hay Louis Vuitton. Tất cả đều là hàng nhái.

Văn hóa dùng "hàng hiệu" của chúng ta đây sao?

Dùng hàng nhái là phạm tội

Hàng nhái ở thị trường Việt Nam đã trở thành một lẽ tự nhiên. Chúng có mặt khắp nơi, thậm chí dễ tìm hơn hàng thật. Vì thế, ít người biết việc sử dụng chúng cũng là một hình thức phạm tội.

Khoảng bốn năm trước, cộng đồng mạng xôn xao về vụ kiện của Louis Vuitton với hãng BMG Sony, bởi Britney Spears đã sử dụng logo Louis Vuitton trong video clip Do Something. Louis Vuitton thắng kiện, buộc Sony BMG và MTV Online bồi thường 117.600 đô-la Mỹ đồng thời ngừng phát hành video clip này.

Vốn là fan ruột của Britney, tôi đã có dịp xem qua clip Do Something trên mạng trước khi vụ kiện xảy ra. Khi nghe tin, tôi lên mạng xem lại clip này, phải rất chú ý mới phát hiện ra căn cứ của vụ việc. Đó là đoạn mở đầu video clip, khi Britney lái chiếc Hammer màu hồng bay trên trời và ngón tay cô đang đánh nhịp lên hộc đựng của xe.

Quay cận cảnh những ngón tay công chúa nhạp pop, tôi thấy phía ngoài chiếc hộc này được bọc lớp da nhái mẫu cherry blossoms của Louis Vuitton. Phân cảnh này chỉ lướt qua vỏn vẹn khoảng hai giây. Nếu không chú ý, bạn khó lòng nhận biết. Câu chuyện khiến người ta giật mình khi nghĩ đến tầm quan trọng của luật bảo vệ thương hiệu.

Có lẽ chúng ta sống chung với đồ nhái quá lâu nên nhiều người chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên. Tại sao người ta dùng hàng nhái? Có nhiều lời giải đáp cho câu hỏi này.

Có người dùng hàng nhái rồi thuyết phục bản thân và những người xung quanh rằng đó là đồ thật để vuốt ve cái "tôi" của mình. Có người biết, nhưng thờ ơ, không quan tâm. Có người không nhận thức được điều đó vì chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng của nó...

Chiếc ví Chanel giả nhưng hoàn hảo như thật

Hôm trước, cô bạn tôi trở về từ chuyến du lịch Hồng Kông. Cô ấy khoe chiếc ví Chanel thuộc bộ sưu tập mới nhất. Chiếc ví mới cáu cạnh với đủ túi chống bụi, hộp và túi giấy bên ngoài.

Khi tôi đang trầm trồ ngắm nghía với chút ghen tỵ trong lòng, cô ấy phán: "Thích không? Quà của bà đấy!". Trong khi tôi mắt tròn mắt dẹt không tin nổi vào tai mình, cô cười khúc khích giải thích: "Đồ giả đấy, mà giả loại hạng nhất. Bà có đem ra cửa hàng Chanel, nhân viên cũng không tài nào phân biệt được đâu".

Sau đó, cô ấy giải thích chi tiết cho tôi về các chủng loại hàng giả. Như chiếc ví cô tặng tôi, giá của phiên bản thật khoảng 7.000 đô la Mỹ. Cô ấy chỉ bỏ ra khoảng hơn 200 đô la Mỹ cho phiên bản nhái loại A. Khoảng cách giữa cái giá của phiên bản thật và nhái quả là một trời một vực. Trong khi đó, chiếc ví nhái này nhìn không khác chút nào so với chiếc ví kiêu sa nằm trong tủ kính của boutique.

Chanel vốn là nhãn hiệu thời trang tôi vô cùng yêu thích. Thời đại học, tôi từng ky cóp lương làm thêm suốt mấy tháng để mua một chiếc khăn lụa và chỉ dùng trong những dịp thật đặc biệt. Cầm chiếc ví nhái như thật trong tay, tôi thật sự bối rối. Hàng loạt suy nghĩ khác nhau chạy lộn xộn trong đầu.

200 đô - la Mỹ cho một chiếc ví cầm tay không phải rẻ. Chiếc ví này, cũng hoàn hảo tới từng nét dập nổi của lớp vải lót. Thế nhưng, tôi biết nó là đồ giả. Điều ấy cũng làm lòng tôi cuộn lên một chút mỗi khi nghĩ tới.

Tôi luôn nhận mình là tín đồ của Chanel, nhưng điều đó không có nghĩa tôi sở hữu nhiều đồ hiệu này. Tôi chỉ có vài món, nhưng tất cả là niềm tự hào của tôi. Tôi thuộc lịch sử và từng bước thăng trầm của Chanel như thuộc tên những người thân trong gia đình. Tôi tự hỏi, nếu những món đồ Chanel thật tôi đang sở hữu có linh hồn, chúng sẽ nghĩ thế nào nếu tôi rước về "nàng ví" Chanel giả loại A? Nghĩ vậy, tôi đành gửi trả lại cô bạn chiếc ví. Tôi không phủ nhận mình cảm thấy chút tiếc nuối vì chiếc ví quá đẹp.

Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Nghĩ lại vẻ hí hửng của cô bạn khi tiết lộ về nguồn gốc chiếc ví, tôi không khỏi băn khoăn. Vấn nạn đồ nhái từ lâu đã hoành hành tưởng chừng không cách nào dẹp được. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng góp một phần quan trọng cho sự bành trướng của hàng nhái. Tôi lại nghĩ về món quà của bạn tôi. Với số tiền 200 đô- la đó, cô ấy có thể mua một chiếc ví cầm tay hiệu Guess hay Miss Sixty và tránh cho cả hai lâm vào tình thế khó xử.

Đôi khi, tôi tự hỏi những người đứng sau lưng ê-kíp sản xuất ra các sản phẩm nhái suy nghĩ gì. Có nhiều sản phẩm rất công phu, tỉ mỉ, chỉ nhìn sơ, ta cũng có thể biết người làm ra nó đã bỏ ra không ít công sức. Vậy tại sao họ không tự thiết kế ra những mẫu mã riêng và tạo ra những sản phẩm chất lượng tương đương?Phải chăng họ quá lười tư duy hay do người tiêu dùng luôn chạy theo hàng hiệu, dù là giả?

Mỗi khi đến những khu chợ trời ở TP. HCM, tôi tưởng mình đang lạc giữa Milan, nước Ý, với hằng hà sa số nhãn hàng nổi tiếng giăng đầy khắp.Chỉ có điều, những món hàng ở đây tính bằng vài chục hay vài trăm nghìn đồng chứ không phải đô-la. Khi được hỏi, nhiều người không hề biết đến sự tồn tại của các nhãn hiệu như Diesel, Express, Coach hay Hollister. Họ mua món hàng vì nó đẹp và giá cả phải chăng.

Không chỉ có túi xách, quần áo mới bị làm giả, ngay cả những chiếc điện thoại cực kỳ đắt tiền cũng không được tha. Hiện nay trên thị trường rộ lên phong trào mua Vertu giả. Đây là dòng điện thoại cao cấp với giá lên đến hàng chục nghìn đô-la Mỹ, còn sản phẩm giả chỉ khoảng hơn một triệu đồng. Hay chỉ cần trên dưới năm triệu đồng, người ta có thể đem về một chiếc GoldVish, trong khi chiếc điện thoại của hãng này có giá thấp nhất là 25.000 đô-la Mỹ. Trong những trường hợp này, người đáng trách nhất là những nhà sản xuất.

Tôi có người bạn đang theo học ngành Đông y tại một tỉnh miền núi ở Trung Quốc. Anh bảo, nơi mình ở rất khó mua được hàng thật. Ở đây, từ chai nước rửa bát, pin tiểu đến những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống đều bị làm nhái. Có lẽ trách nhiệm về sự phát triển của thị trường hàng giả này nên chia đều cho người sản xuất, cơ quan quản lý thị trường và người tiêu dùng.

Đáng trách nhất có lẽ là những người tiêu dùng có đầy đủ nhận thức về việc ăn cắp thương hiệu với sản phẩm nhái nhưng vẫn mua. Lý do có thể là do sự thuận tiện, giá cả...Dù gì đi nữa, chính sự thờ ơ của người tiêu dùng đã tiếp tay cho hàng giả hoành hành, vì phải có cầu với có cung. Đồ giả, đồ nhái không chỉ làm hại các nhà sản xuất chân chính, đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến giá trị của người sử dụng.

Tuyệt đối không ủng hộ hàng bất hợp pháp

Nguy hiểm hơn nữa, có những loại hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm hay dược phẩm.

Nhận thức được mối nguy hại này, L"Oreál Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để loại trừ hàng giả. Hãng này đã chỉ đích danh 22 shop tại Hà Nội chuyên bán mỹ phẩm nhái và có những hướng dẫn cụ thể cho khách hàng về cách phân biệt sản phẩm giả.

Theo chị Nguyễn Đình Liên Chi, thuộc bộ phận truyền thông của L"Oreál Việt Nam, đa phần mỹ phẩm nhái đều có chất lượng rất kém, sử dụng nhiều hóa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ vi phạm bản quyền, người tạo sản phẩm nhái còn ăn cắp ý tưởng và lợi dụng thương hiệu.

Những thương hiệu nổi tiếng hôm nay đều bắt nguồn từ một cái tên không ai biết. Qua bao thăng trầm, họ mới tạo được uy tín. Giá trị của một cái tên như Chanel hay Dior không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn bao hàm cả tinh thần và lịch sử, là niềm tự hào của nhãn hiệu đó.

Đối với tôi, Chanel không chỉ là một nhãn hiệu mà còn là một phong cách sống, một nền văn hóa. Cái giá chúng ta bỏ ra cho một món đồ hiệu cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của nó. Tôi luôn trân trọng giá trị của thương hiệu. Dù rất thích Chanel nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, tôi không thường xuyên chọn nhãn hiệu này khi đi mua sắm. Tôi hay chọn trang phục của Mango, Pull and Bear, Forever 21 vì chúng hợp với túi tiền, hoàn cảnh sống và công việc của tôi. Hơn nữa, chúng cũng đẹp và hợp thời trang.

Theo tôi, điều quan trọng không phải bạn đang dùng đồ hiệu gì mà sử dụng chúng như thế nào. Chỉ cần biết cách chọn lựa và phối hợp, dù dùng hàng trong nước bạn vẫn có nét đẹp riêng. Ở các nước phát triển, chính phủ ra lệnh truy bắt những người bán hàng nhái. Trong khi đó, ở nước ta, vấn đề này chưa được quan tâm đến nơi đến chốn.

Vậy mua và sử dụng mỹ phẩm nhái, giả có hại như thế nào?

Những sản phẩm này được sản xuất lén lút và người sản xuất không phải nộp thuế thu nhập . Ước tính ở Mỹ năm 2004, các nhà sản xuất hàng nhái đã trốn khoảng 200 tỷ đô-la tiền thuế. Điều đó có nghĩa thuế của người dân nước này đóng sẽ được dùng để bù vào thất thoát trên. Hơn nữa, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ những hoạt động trái phép. Có lẽ những lý do trên cũng đã đủ để chúng ta suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình mỗi khi đứng trước những món hàng nhái bắt mắt với mức giá quá hời.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.