Thị trường máy tính Việt Nam còn tiềm năng lớn

Năm 1997, Gary Phùng về nước với nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ nhân viên của văn phòng Acer được thành lập trước đó một năm. Sau 15 năm làm việc trong hệ thống của Acer toàn cầu, ông được bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng giám đốc Acer Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua

Thời điểm hãng này tung ra thị trường Aspire Timeline - dòng máy tính xách tay (MTXT) siêu mỏng, siêu nhẹ có thời lượng sử dụng lên đến tám giờ sau mỗi lần sạc.

So với 12 năm trước, sứ mạng của Gary Phùng trong lần trở về thứ hai xem ra còn nặng nề hơn: với mong muốn khôi phục ngôi vị số một của Acer tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng kể từ đại suy thoái trong thập niên 1930.

Trước khi về Việt Nam, người đàn ông sinh năm 1968 tại Sài Gòn này đã có 5 năm làm việc tại Thái Lan - thị trường mà Acer liên tục đứng vững ở vị trí số một. Trao đổi với báo giới, ông nói:

Sau hơn 20 năm Đổi mới, diện mạo kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Việc ra nước ngoài định cư từ lúc còn rất nhỏ khiến tôi có chút bỡ ngỡ khi quay về làm việc nơi mình đã sinh ra.

Tuy nhiên, lần trở về này cũng chính là cơ hội để tôi áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau 15 năm làm việc trong hệ thống Acer toàn cầu để phát triển công việc kinh doanh của hãng tại Việt Nam.

Gary Phùng, Tân tổng giám đốc Acer Việt Nam

Gary Phùng, Tân tổng giám đốc Acer Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của GFK, Acer đã vươn lên vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam trong hai năm 2006 và 2007. Tuy nhiên, sang năm 2008, Acer đã rớt xuống vị trí số 2. Xem ra nhiệm vụ của ông trong lần trở về này cũng khá nặng nề?

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay, Acer đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành một thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng trong nước. Đó là nền tảng tốt để chúng tôi tiếp tục phát triển tại thị trường này.

Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 86 triệu người, trong đó có khoảng hai triệu người có khả năng mua máy tính. Đó làm một tiềm năng rất lớn mà nhiều hãng mãy tính đều "thèm muốn", chứ không riêng gì Acer. Xu hướng phát triển của thị trường Việt Nam hiện nay khá giống với Thái Lan nên chúng tôi hy vọng áp dụng tốt những kinh nghiệm giúp Acer thành công ở Thái Lan vào thị trường Việt Nam.

Sau mười năm hoạt động tại xứ sở chùa Vàng, chúng tôi đã có một nhà máy lắp ráp hiện đại rộng hơn 5.000m2 với mạng lưới chăm sóc khách hàng rộng khắp. Sản phẩm chất lượng cùng dịch vụ hậu mãi là hai yếu tố quyết định, khiến Acer trụ vững ở ngôi vị số một tại thị trường Thái Lan trong 5 năm qua.

Có thể hiểu bài học Thái Lan sẽ được Acer tiếp tục áp dụng tại thị trường Việt Nam, thưa ông?

Đúng vậy. Có một thực tế là nhiều hãng bán máy tính qua nhà phân phối và phó thác việc chăm sóc khách hàng cho kênh trung gian này. Chúng tôi không đi theo hướng đó. Phương châm của chúng tôi là "đến và ở lại". Hiện tại, Acer có hai trung tâm bảo hành tại TP. HCM và Hà Nội và hơn 10 trung tâm bảo hành ủy quyền của Acer.

Tuy nhiên, chúng tôi đang thăm dò và sẽ đưa thêm hai trung tâm bảo hành khác tại TP. HCM đi vào hoạt động và tương tự cho thị trường Hà Nội. Trong dài hạn, mỗi tháng tôi đi khảo sát tại một tỉnh, thành. Nếu thị trường đủ lớn, chúng tôi sẽ xây dựng thêm các trạm dịch vụ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đều có xu hướng phòng thủ. Còn Acer thì có vẻ như đang "bung" ra?

Chúng tôi không giấu giếm tham vọng quay trở lại ngôi vị số một. Ngoài các trạm dịch vụ, chúng tôi còn đưa ra chương trình bảo hành vàng đối với MTXT, áp dụng từ ngày 20/6/2008. Theo đó, những hỏng hóc về kỹ thuật do lỗi của hãng thì hãng sẽ chịu mọi chi phí sửa chữa. Còn trong trường hợp máy bị sự cố do lỗi của người tiêu dùng, chẳng hạn như máy bị thấm nước khi đi đường, sơ ý để máy bị va đập... nếu chi phí dưới 200.000 đồng, khách hàng sẽ không phải trả bất kỳ chi phí nào, nếu trên 200.000 đồng thì hãng sẽ chia sẻ với khách hàng chi phí sửa chữa theo tỷ lệ 70-30.

Chúng tôi muốn khách hàng hiểu rằng họ không chỉ mua một cái máy tính, mà là mua dịch vụ trọn gói. Chương trình này cũng đã được triển khai khá thành công tại Thái lan trong 5 năm qua. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn làm việc với Kaspersky để mua bản quyền một năm phần mềm diệt virus và tặng kèm cho tất cả các máy tính Acer bán ra trên thị trường Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng luôn an tâm với sản phẩm máy tính của Acer.

Như vậy thì chi phí sẽ tăng lên, đẩy giá bán đội lên?

Thành thực, chúng tôi đã tính đến phương án hợp tác với các hãng bảo hiểm để thực hiện chương trình này. Như vậy, giá thành sản phẩm sẽ rất cao do rủi ro của thị trường Việt Nam cao. Sau khi cân đối, Tập đoàn Acer và Acer Việt Nam quyết định trích một phần lợi nhuận của hãng để thực hiện chương trình này.

Acer có nhiều dòng sản phẩm, từ MTXT đến máy tính để bàn (PC). Một vấn đề khiến người tiêu dùng quan tâm là chương trình bảo hành này được áp dụng đại trà hay chỉ dành cho một số dòng máy nhất định?

Chúng tôi hiện đang thử nghiệm với sản phẩm MTXT mới nhất là Aspire Timeline. Nếu thị trường phản ứng tốt, chúng tôi sẽ triển khai đại trà. Aspire Timeline cũng là dòng MTXT mới nhất của chúng tôi, vừa được đưa ra thị trường vào cuối tháng 5/2009.

Acer Timeline là dòng sản phẩm mới nhất của Acer, sử dụng con chip hiện đại tiết kiệm điện năng của Intel cho phép người sử dụng máy tính liên tục 8 tiếng sau mỗi lần sạc và máy không bị nóng. Sự hợp tác giữa Acer và Intel khiến chúng tôi đi trước các đối thủ cạnh tranh sáu tháng.

Được biết, giá bán của Acer Timeline ở nước ngoài là 699 USD, trong khi ở Việt Nam là trên 13 triệu đồng (tương đương 799 USD). Đâu là lý do tạo nên sự chênh lệch này, thưa ông?

Đó là do mức thuế nhập khẩu. Nếu thuế nhập khẩu giảm xuống, giá bán rẻ hơn, người tiêu dùng mua nhiều hơn. Khi đó, chính phủ cũng sẽ thu được nhiều tiền thuế hơn.

Một câu hỏi cuối cùng. Ông kỳ vọng bao lâu nữa Acer sẽ trở lại vị trí số 1?

Chắc chắn là không phải năm nay nhưng có thể là năm 2010 và cũng có thể là lâu hơn nữa. Hiện tại, Acer mới đang tập trung vào thị trường bán lẻ. Trong số hai triệu người có khả năng mua máy tính như đã đề cập ở trên, thì chỉ có 20% sử dụng laptop. Chúng tôi đang hướng tới đối tượng là các tổ chức, cơ quan.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp cận với ngành giáo dục thông qua đối tác lớn nhất của chúng tôi là Intel. Đơn vị này đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình Máy tính học đường.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dương Lễ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.