Trả lương công chức theo vị trí: Ngân sách chịu nổi không?

Tiêu chuẩn của một trưởng phòng cấp huyện có tương đương tiêu chuẩn của một trưởng phòng đơn vị cấp bộ?...

Tiêu chuẩn của một trưởng phòng cấp huyện có tương đương tiêu chuẩn của một trưởng phòng đơn vị cấp bộ?...
 Trả lương công chức theo vị trí: Ngân sách chịu nổi không?

Nếu áp dụng trả lương theo vị trí việc làm mà đề án của Viện Khoa học lao động xã hội xây dựng, thì nguồn trả lương theo đúng năng lực, vị trí sẽ từ đâu ra?

Đồng tình với việc xây dựng cơ chế trả lương đối với cán bộ, công chức trên cơ sở vị trí việc làm, tuy nhiên ý kiến đại diện của một số cơ quan quản lý, các chuyên gia vẫn bày tỏ sự quan ngại bởi nhiều bất cập từ việc lấy vị trí để đánh giá mức hưởng lương.

Nhiều điểm chưa hợp lý

Dài gần 100 trang, báo cáo tóm tắt về phương án trả lương cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm của Viện Khoa học lao động xã hội đã được đưa ra “mổ xẻ” tại cuộc hội thảo bàn về vấn đề này hôm 25/4.

Trong đó, Viện Khoa học lao động xã hội nêu ra các chức danh gốc trong khu vực hành chính nhà nước để xếp lương được chia thành nhiều dạng, ngạch: bậc chức danh thừa hành (nhân viên và trợ lý); chức danh chuyên môn (gồm 5 ngạch: chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, chuyên gia, chuyên gia trưởng); chức danh chức vụ lãnh đạo (gồm 5 ngạch: phó trưởng phòng, trường phòng, phó vụ trưởng, vụ trưởng và thứ trưởng).

Trong các tham luận gửi tới hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng làm thế vẫn đang là “đánh đồng” việc trả lương cho cán bộ, công chức, vẫn thiếu công bằng.

Một đại biểu cho rằng, nếu áp những tiêu chuẩn đó là bất hợp lý, bởi tiêu chuẩn của một trưởng phòng cấp huyện không thể tương đương tiêu chuẩn của một trưởng phòng đơn vị cấp bộ.

Ngoài ra, theo ông Mai Quốc Chánh, Viện Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực thì, đối với  phương án xây dựng tiêu chuẩn chức danh chức vụ lãnh đạo, cần áp dụng tiêu chuẩn chức danh gắn với ngạch chuyên môn. Người có chuyên môn giỏi có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết công việc, có uy tín trong công việc nên được cân nhắc cho vị trí quản lý. Việc này nếu làm không tốt, sẽ xảy ra xu hướng chỉ lo chạy chức vụ mà không chú ý đến nâng cao trình độ chuyên môn.

Nêu ra một khía cạnh phức tạp khác của vấn đề, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng, không đơn giản để thực hiện việc trả lương theo vị trí công việc khi số lượng vị trí việc làm trong mỗi cơ quan là khá nhiều. Ông Tuấn lấy ví dụ,  riêng cơ quan Bộ Nội vụ đã có 172 vị trí việc làm, như vậy cả nước sẽ có số lượng vị trí việc làm không nhỏ.

“Mặt khác, không phải mỗi vị trí việc tương đồng về nội dung công việc thì đều mang lại hiệu quả việc làm như nhau. Hiện nay, nhiều đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm nhưng lại được trả lương như người cùng vị trí và làm tốt hơn thì không ổn. Vì thế, với mỗi vị trí vẫn cần lấy tiêu chí kết quả công việc là tiêu chí chủ yếu để đánh giá. Vì thế, phải có cơ chế sử dụng thực chất, có đào tạo, bồi dưỡng, có lên, có xuống, có vào, có ra và phải có đào thải”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ một góc nhìn khác của cơ quan giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng trả lương theo vị trí việc làm là cần thiết,  như thế mới có thể đảm bảo được việc trả lương đúng, công bằng, phù hợp với năng lực, trình độ và kết quả làm việc. Đồng thời, sẽ góp phần vào xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, tạo động lực cho công chức hết lòng cống hiến.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lợi, nếu dựa vào nhu cầu thiết yếu của người lao động (nhân viên) có tính đến nhu cầu nuôi con và mức độ phức tạp lao động của vị trí việc làm và khu vực làm việc (quản lý nhà nước), thì mức lương thấp nhất khu vực quản lý nhà nước mà nhóm soạn thảo đưa ra là chưa hợp lý, không đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Ông Lợi dẫn chứng, lấy năm 2013 để tạm tính thì tương đương với từng phương án đưa ra về mức lương thấp nhất khu vực hành chính nhà nước lần lượt là 2.420.000 đồng và 3.468.000 đồng. Trong khi đó, hiện nay đối với một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường được tuyển dụng vào ngạch chuyên viên bậc 1 cơ quan hành chính nhà nước đã hưởng hệ số lương là 2,34 x 1.050.000 đồng = 2.457.000 đồng, vậy thì mức đưa ra như vậy đã là phù hợp?

Ngân sách chịu nổi không?

Nếu áp dụng trả lương theo vị trí việc làm mà đề án của Viện Khoa học lao động xã hội xây dựng, thì nguồn trả lương theo đúng năng lực, vị trí sẽ từ đâu ra?

Theo ông Mai Quốc Chánh, Viện Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, tiền lương của cán bộ công chức theo quy định là được trích ra từ ngân sách Nhà nước. Việc tiến hành trả lương theo vị trí việc làm, có thể làm tăng quỹ lương đột biến. Trong điều kiện cải tiến kết cấu các loại chi tiêu của ngân sách, song bộ phận trích ra không đủ để trả lương cho công chức thì sao? Từ trước tới nay, trong trả lương cho cán bộ, công chức, chúng ta đều bị áp lực bới giới hạn này.

Ông Vũ Hồng Phong, Phó trưởng bộ môn Tiền lương, Khoa Quản lý lao động, Đại học Lao động - Xã hội cũng chỉ ra rằng, đề tài đã đề xuất các mức lương theo vị trí việc làm rất cao.

Ông Phong dẫn chứng, với các mức lương đặt ra như vậy nhóm nghiên cứu cũngđã tính đến các phương án tài chính cụ thể là: năm 2013, quỹ tiền lương chiếm 44,29% ngân sách Nhà nước, chiếm 77,25% ngân sách thường xuyên; năm 2014 các tỷ lệ này là 40,49% và 71,04%; năm 2015 là 37,05% và 63,36%.

Thế nhưng, nếu thực hiện các mức lương này thì ngân sách Nhà nước chịu nổi không khi mà hiện nay mức lương chi trả cho cán bộ, công chức thấp hơn nhiều mà mỗi lần điều chỉnh lương là mỗi lần ngân sách phải “gồng mình”?

Muốn thực hiện được, cần phải tính toán kỹ hơn, và có cái nhìn thực tế hơn. Đặc biệt, cần phải có giải pháp mạnh cho việc xác định nguồn ngân sách để trả lương cho cán bộ, công chức, nhiều đại biểu nêu quan điểm.

"Theo chúng tôi, nếu coi tiền lương là khoản đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho sự phát triển, thì phải bằng mọi cách tạo nguồn trả lương cho cán bộ công chức, kể cả phải đi vay, hoặc ghi nợ lương của công chức. Số tiền đi vay có thể trả nợ bằng 2 nguồn: một là, từ hiệu quả của công tác quản lý kinh tế sẽ dẫn đến tăng GDP do đó tăng quỹ lương; hai là, song hành với quá trình trả lương, chúng ta sàng lọc và loại bỏ dần 60% cán bộ công chức không có khả năng làm việc, nhằm tiết kiệm quỹ lương”, ông Mai Quốc Chánh nói.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, sau khi giảm biên chế, tình trạng cán bộ, công chức dôi dư chưa bố trí được thì sẽ xử lý như thế nào mà vẫn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ, cũng như vấn đề tâm lý, tư tưởng đối với những cán bộ, công chức này. Làm không khéo, thất nghiệp lại gia tăng, lại phải tính đến phương án bảo trợ xã hội thì "quá tội".
Theo Vneconomy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.