Trung thực trong kinh doanh sữa

Nhu cầu tiêu dùng càng cao thì càng "khỏe" bị móc túi - chân lý này có đang đẩy các "Thượng đế" đi từ thiệt thòi này tới thiệt thòi khác?

Giá sữa - đồ thị hình sin không tồn tại

Thông tin liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây đã minh chứng rất cụ thể một thực tế:Người tiêu dùng hiện đang bị con rệp mang tên lợi nhuận "hút máu" thậm tệ.

Dẫn chứng là, đối với sản phẩm sữa tươi bán ở Việt Nam, chi phí cho nguyên liệu là 34% giá bán, chi phí đóng gói chiếm 15%, chi phí sản xuất khác 10%. Trong khi đó, lợi nhuận của nhà chế biến chiếm tới 28%, chi phí cho phân phối và bán lẻ là 13%.

Thị trường sữa bột còn chứng kiến sự "tăng trưởng" ngoạn mục hơn: Nếu chi phí một hộp sữa bột là 100.000 đ thì tại thị trường Việt Nam đã bị đẩy lên thêm 86.000đ, cộng với các loại chi phí thuế, hải quan, phân phối, giá bán lẻ hộp sữa này bị đẩy tiếp lên mức 215.000 đ/hộp.

Người tiêu dùng khi mua sữa đã chịu hết thiệt thòi này đến thiệt thòi khác

Như vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh sữa bột tại Việt Nam vô cùng lớn, mức trung bình từ 22-86%. Chứng tỏ rằng, mấu chốt của việc giá sữa Việt Nam quá đắt là do các công ty hưởng siêu lợi nhuận chứ không phải là do các kênh phân phối.

Bên cạnh đó, theo TS Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù khi giá sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh nhưng giá bán của các loại sữa trong nước vẫn không hề giảm.

Thậm chí, một số loại sữa bột nhập khẩu giá vẫn tăng. Nghịch lý tưởng chừng rất khó xuất hiện trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, đáng tiếc thay, vẫn đang tồn tại.

Lý giải cho thực tế này, ông Thắng khẳng định: "Đó là do tâm lý của người tiêu dùng, bởi chẳng có lý do gì nhà phân phối phải giảm giá khi chỉ cần một thông tin giá sữa sắp tăng được "rò rỉ" ra thị trường là lập tức các bà mẹ ùn ùn kéo nhau đi mua hàng thùng để dự trữ". Chính vì vậy, giá sữa luôn trong xu thế tăng. Đồ thị hình sin - quy luật giá cả thị trường đang không tồn tại trong thị trường nóng bỏng này.

Chất lượng có tương xứng với sự đắt đỏ?

Sự kiện

Không phải sản phẩm sữa nhập khẩu nào cũng đảm bảo chất lượng hay đảm bảo đủ các thành phần ghi trên bao bì - khẳng định này đã được chứng minh sau khi những "thông tin mang tính kỹ thuật" được công bố. Theo GS - TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, với hơn 300 dòng sản phẩm về sữa hiện nay, việc quản lý đã có sự thả lỏng khiến chất lượng sữa kém đi.

Một số hãng sữa, nhà sản xuất, nhập khẩu do chạy theo lợi nhuận nên tỷ lệ nhiều chất dinh dưỡng trong thành phần của sữa bị thiếu so với công bố trên bao bì sản phẩm, hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.

Theo kết quả khảo sát của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thực hiện tháng 9/2008 với 20 mẫu/20 loại sữa / 15 cơ sở chế biến đã phát hiện 10/20 mẫu (chiếm 50%) không đạt tỷ lệ đạm như công bố; 6/20 mẫu (chiếm 30%) tỷ lệ đạm rất thấp, dưới 10%, 4/20 mẫu (chiếm 20%) tỷ lệ đạm cực thấp, dưới 2% và một mẫu đạm 0,5% trên nhãn lại ghi 24%.

Bên cạnh đó, hiện tượng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm sữa còn phổ biến, đặc biệt là sữa cho trẻ em do không có sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc quảng cáo mặt hàng này.

Kiểm soát trung thực bằng quy chuẩn

TS Hồ Tất Thắng kiến nghị, để quản lý tốt chất lượng sữa trên thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định điều kiện vệ sinh an toàn đối với sữa và sản phẩm từ sữa. Đồng thời, cần thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố quy chuẩn Việt Nam thay thế cho việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thực phẩm, "vì thực tế, có doanh nghiệp công bố chất lượng, có doanh nghiệp không. Trong số doanh nghiệp tự công bố chất lượng, không ít doanh nghiệp bán ra thị trường sản phẩm sữa kém chất lượng, không đúng với công bố".

Theo ông, phải đưa sản phẩm sữa vào danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn và kiểm soát giá, thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu sữa tươi, đồng thời lập quỹ bình ổn giá sữa.

Theo tiết lộ của một nhà phân phối sữa, đối tượng nhắm tới của các hãng sữa ngoại là bệnh viện sản và lão khoa. Với số tiền hoa hồng lớn, không bị khống chế chi phí quảng cáo, các hãng sữa nước ngoài sẵn sàng "chi đậm" cho bác sĩ sản, chuyên gia dinh dưỡng để kê các loại sữa ngoại đắt tiền cho những em bé sơ sinh mà mẹ thiếu sữa cũng như người bệnh, người già.

Nhu cầu sử dụng sữa của người Việt Nam ngày càng cao. Do đó, thay vì chờ đợi sự chủ động trung thực từ phía đơn vị kinh doanh, rất cần sự bắt tay liên thông giữa nhiều cơ quan chức năng để quản lý tốt về chất lượng và giá cả nhằm hạn chế thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Theo Huyền Dương



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.