10 điều "không" trong nuôi dưỡng trẻ em

Julia Gippenreyter, nhà tâm lý học người Nga đã có 10 lời khuyên trong giao tiếp với trẻ, những điều này được tác giả A. Chachko trên trang Slon.ru ghi lại.

Julia Gippenreyter là nhà tâm lý học người Nga (sinh 1930), tác giả nhiều cuốn sách về nuôi dưỡng trẻ. Bà đã có 10 lời khuyên trong giao tiếp với trẻ, những điều này được tác giả A. Chachko trên trang Slon.ru ghi lại.

Không sợ thay đổi cuộc sống

Nhiều bạn hỏi, cái gì tệ hơn – một đứa trẻ bị bỏ rơi vì mẹ đi làm suốt ngày, hay một đứa trẻ suốt ngày thấy mẹ khổ sở với việc nhà? Có ý kiến cho rằng phải chọn một trong hai – hoặc sự nghiệp, hoặc con cái.

Thực tế thì, nếu bạn ở nhà với trẻ mà cảm thấy chán và không vui – hãy thay đổi tình thế. Nếu bạn đi làm cả ngày, và cảm thấy cắn rứt vì bỏ con ở nhà – cũng nên thay đổi tình hình. Điều đó không có nghĩa là bỏ việc, mà nên nghĩ lại xem bạn cần loại công việc nào và bận đến mức nào.

Cần đáp ứng những cảm giác không thoải mái của bản thân. Cảm xúc là người dẫn đường chính của mỗi chúng ta.

nuôi dưỡng trẻ em, tâm lý trẻ em, giao tiếp với trẻ em
Julia Gippenreyter- nhà tâm lý học người Nga

Người ta trở nên hạnh phúc hơn khi các thành phần của tâm hồn và lý trí thỏa thuận được với nhau. Không nên đè nén bất cứ thành phần nào của bản thân, không vì con cái, vợ chồng hay công việc. Hãy nhạy cảm với chính mình và thoát khỏi ý nghĩ máy móc: hoặc bếp núc, hoặc địa vị xã hội. Cách đơn giản hóa như vậy không phù hợp với cuộc sống thực tế với nhiều cảm xúc và ý chí sẵn sàng thay đổi. Đừng sợ mạo hiểm, đừng ngại thay đổi quỹ đạo đời mình.

Không chờ phép màu

Có bà mẹ hỏi: Nếu chồng tôi đi làm về khoảng 15 phút trước khi con đi ngủ, thì làm thế nào để bố con bắt thân với nhau?” Bắt thân thì có thể, nhưng trở thành một ông bố đúng nghĩa thì không thể chỉ dành 15 phút mỗi ngày.

Trong ký ức đứa trẻ sẽ có mẹ, bà, dì, bảo mẫu cùng với tính cách, tư duy và thế giới quan của họ, nhưng không phải của bố. Bởi vì rất nhiều thứ được đứa trẻ ghi nhận không qua lời nói trực tiếp, mà qua quan sát những người xung quanh và quan hệ giữa họ.

Những tương quan đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này. Do đó, rất đáng tiếc là đến lượt đứa trẻ về sau sẽ không thể giáo dục con nó một cách đầy đủ, đơn giản là nó không biết phải làm thế nào, vì chính nó có được bố dạy dỗ đâu. Không có phép màu nào ở đây.

Không bắt mình chơi với trẻ

Với trẻ, trước tuổi đến trường sống nghĩa là chơi. Nhưng quan trọng không phải là bạn chơi với con bao lâu, mà là chất lượng các trò chơi đó. Đừng ép mình phải chơi với trẻ, chúng cảm nhận được là bạn chán. Hãy tìm những trò mà bạn khoái chơi cùng trẻ.

Ngoài chơi chung, bọn trẻ cần tự chơi và sinh hoạt một mình. “Con tự làm”, “con tự nghĩ ra” sẽ dần chuyển thành “con tự tư duy”. Bạn không thể tư duy hộ chúng. Do đó, quan trọng không chỉ có “ta cùng nhau”, mà còn cả “con tự”. Cần thả chúng ra, để chúng khỏi lúc nào cũng bám mẹ: con làm gì bây giờ? Chơi trò gì đi? Cần khéo léo rút khỏi trò chơi, để trẻ chơi một mình.

Hơn nữa, cha mẹ không nên xưng “chúng mình” trong hành động của trẻ. “Mình đi nhà trẻ”, “mình lên lớp hai”, “mình chuẩn bị đi học” rồi thì “mình thi đại học”. Cần cho trẻ phân biệt được đâu là “mình”, đâu là “tôi”.

Không “giáo dục” trẻ

Trẻ thường được giáo dục theo những gì cha mẹ thấy quan trọng, theo quan điểm của họ về việc trẻ cần hành xử như thế nào, và cuộc sống cần được tổ chức thế nào. Tất nhiên, trẻ cần được bảo đảm an toàn và hạn chế nhiều thứ, ví dụ để không bị ngã từ tầng cao, hay để qua đường an toàn.

Để chúng ăn đúng bữa, ngủ và biết đi vệ sinh. Nhưng như thế chưa đủ để gọi là hiểu. Hiểu được trẻ – nghĩa là biết nó muốn gì, có khó khăn gì, cái gì nó không thể làm, mơ ước gì và cái gì quan trọng.

Thường trẻ con thể hiện mong muốn của mình dưới dạng khá gay gắt: “con không muốn ngủ”, “con muốn ăn kem”, “con muốn mẹ ở nhà”. Tất cả những “muốn” và “không muốn” đó chẳng qua là sự đảo dấu của những “phải”, “cần” mà bố mẹ hay nói và coi là “giáo dục”.

Bố mẹ cần con ngủ và ăn đúng giờ, bố mẹ cần đi làm. Nhưng con trẻ cần gì? Có thể tôi phát biểu hơi cực đoan và phi lý, nhưng sự thực là nếu cha mẹ muốn hiểu và được trẻ cảm thông – hãy ngừng giáo dục chúng.

Không nên lúc nào cũng đúng

Thông thường cha mẹ coi giáo dục trẻ là dạy dỗ. Ta nói: hãy làm thế này, thế kia. Nếu trẻ không làm thế, ta chỉnh chúng. Tức là điều khiển chúng. Trường hợp tốt thì bố mẹ kiên trì “đọc đi, đọc đi, đọc đi – việc này cần thiết”. Trường hợp tệ thì dọa dẫm “chơi máy tính nhiều thì mày sẽ nghiện như ma túy” “học kém thì mày sẽ bị đuổi học và đi quét đường”.

Sự giáo dục của chúng ta ép trẻ vào khuôn phép mà chúng ta cần, và tất cả những phê bình, dọa dẫm, trừng phạt nhằm cố định cái khuôn đó: “không được thế này”, “phải thế kia”.

Nếu trẻ sai, thường cha mẹ vội chỉnh: “con biết cách cộng mà, bố đã dạy rồi…”. Nhưng thay vào đó, bạn thử giả sai đi, thử viết cho đứa trẻ lớp một là 2+5=6. Đứa trẻ sẽ hạnh phúc vì bố mẹ cũng sai! Trẻ em quen với việc chúng bị điều khiển, bị chèn ép, quen với suy nghĩ mình chẳng là gì cả. Đừng dạy dỗ trẻ, hãy chơi với chúng.

Thực tế là ngay từ khi sinh ra, trẻ em đã có rất nhiều năng lượng sống. Đa phần là nó sẽ tự phát triển. Khi 1 tuổi, đứa trẻ đã là một nhân cách. Cần tôn trọng những mối quan tâm của nó và cho nó cơ hội tự xác định.

Không ngăn trẻ, hãy cho nó đi đâu nó muốn

Cha mẹ tất tả mặc quần áo cho con, vì muộn giờ đi học. Đứa trẻ thì ngồi thõng, nghĩ ngợi về điều gì đó của riêng mình. Bởi vì nó đã biết: bố mẹ sẽ mặc cho nó, dẫn nó đi – khi nào bố mẹ cần và đến nơi nào bố mẹ muốn.

Người ta sẽ nhào nặn nó. Thế còn nó, bản thân nó muốn gì? Quan tâm đến cái gì? Hãy hỏi nó, khi nó còn nhỏ – nó sẽ kể cho bạn. Nếu không thì sẽ muộn đấy – ở tuổi vị thành niên nó sẽ giấu bố mẹ những mối quan tâm của mình – vì nó đã quen với việc mình là đối tượng dạy dỗ, chứ không phải một chủ thể tự xây nên cuộc sống của mình.

Động lực, mối quan tâm của trẻ cần được giữ như con ngươi và phát triển thêm. Cơ hội và khả năng tìm được chính mình là bí quyết của hạnh phúc. Đứa trẻ luôn muốn cái gì đó, và nếu mối quan tâm được nuôi dưỡng, nó sẽ đi theo con đường hạnh phúc. Hãy để trẻ tìm thấy chính mình và đừng la hoảng “Giời ơi, nó định trở thành người thế à?” Hãy để nó đi. Đứa trẻ hai tuổi nói chưa sõi, nhưng đã nói “con tự!”.

Không lấy “giang hồ hiểm ác” ra dọa

Gần đây có người hỏi tôi: “bà truyền bá chủ nghĩa nhân văn và tôn trọng trẻ. Nhưng xã hội thì truyền bá bạo lực, tàn nhẫn và gian trá. Nếu đứa trẻ ở nhà trong trắng và êm ái, thì làm sao nó sẵn sàng ra ngoài, chí ít là đến trường, là nơi có hệ thống mệnh lệnh và áp đặt?”

Câu trả lời của tôi thế này, khi ra ngoài thế giới, đứa trẻ càng nguyên vẹn thì lại càng sẵn sàng và càng rắn rỏi. Nếu nó được thấu hiểu và tôn trọng càng nhiều, thì càng có khả năng hiện thực hóa các mối quan tâm của mình, càng dễ tự lập và có khả năng tự vệ trong những tình huống hà khắc.

Và ngược lại: nếu bạn dạy dỗ đứa trẻ một cách khắc nghiệt, nó sẽ yếu ớt hơn khi ra ngoài.

Không quên nói về cảm xúc

Các nghiên cứu cho thấy việc phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) có vai trò to lớn trong việc đứa trẻ có khả năng xử lý các tình huống phức tạp trong tương lai như thế nào. Để phát triển EQ cho trẻ, cần sử dụng từ điển cảm xúc trong giao tiếp.

Hãy sử dụng nhiều hơn những từ mô trả trạng thái của bản thân bạn và của trẻ, hãy gọi tên những lo lắng, đam mê, cảm xúc.

nuôi dưỡng trẻ em, tâm lý trẻ em, giao tiếp với trẻ em
Julia Gippenreyter- nhà tâm lý học người Nga

Đứa trẻ cần được nghe về những cảm xúc của chính mình: “con đang muốn”, “con đang không hài lòng”, “con đang tức giận”, “con đang khóc”, “con rất muốn ăn kem nhưng bố không cho, và con thất vọng vì điều đó”

Hãy kể cho trẻ nghe về bản thân nó, trạng thái, sự thay đổi cảm xúc. Hãy chuyển những cơn giận dữ hay ăn vạ của trẻ thành cuộc trao đổi về cảm xúc của trẻ. Nhưng đừng làm việc đó một cách khó chịu, mà làm một cách thấu hiểu. Và đừng hỏi kiểu “Tại sao con k0 nghe lời? Mình đã thỏa thuận…”.

Nhiều khả năng là đứa trẻ không có câu trả lời cho những câu hỏi đó, còn bạn thì đang khóa lại những kết nối về cảm xúc mà chuyển sang tranh luận logic.

Và cũng đừng quên nói cho trẻ cảm xúc của bạn: “con không chịu mặc áo, và điều đó làm mẹ buồn”, “mẹ rất tiếc, nhưng không thể cho con ăn thêm kem”.

Không quở mắng

“Chính con đã hứa chỉ xem nốt phim này!”. Chữ “chính” được gọi là quở mắng, và nó rất có hại. Đừng cấm đoán điều gì đó mà hãy đưa ra các luật lệ. Người ta không tranh cãi và mặc cả về luật lệ.

Trẻ nói: “con không muốn đi ngủ”. Hãy tiếp lấy tâm trạng của trẻ: “con không muốn đi ngủ? Và con thất vọng vì điều luật này? Giá mà không có những điều luật! Đúng thế, có những điều luật rất khó chịu, nhưng mẹ không làm khác được, vì đó là luật”. Cuộc đối thoại như thế dễ dàng cho cả hai bên.

“Con thừa biết là chỉ được mua xe vào ngày sinh” – đây cũng là quở mắng. Khi đứa trẻ cần gì đó, đừng biến thành đàm phán, đừng tranh cãi từ ngữ, mà đưa ra những giới hạn. Và quan trọng nhất là đừng giảng bài cho nó, mà hãy hiểu nó “con rất cần ô tô, rất muốn nó. Nhưng bây giờ mẹ không thể mua nó cho con. Nhưng mẹ sẽ nhớ là con muốn có nó”.

Nhưng đừng quên là ngoài luật lệ thì trẻ con phải có quyền. Nếu như trẻ không nhận được thứ mà nó thực sự cần, nó sẽ phá vỡ các luật lệ bạn đặt ra, sẽ cãi, nói dối và giấu diếm. Trẻ sẽ tôn trọng các luật lệ của bạn, nếu bạn tôn trọng động cơ và quyền của nó.

Không đánh đổi thế giới thật với thiết bị công nghệ

Đặc điểm của công nghệ là chúng cho tương tác tức thì. Đứa trẻ lớn lên bằng thiết bị công nghệ sẽ không quen với việc hành động của chúng không được đáp ứng ngay. Một đặc điểm nữa: sự tương tác này bị hạn chế về vật lý.

Một cái gạt nhẹ đã mang về một lượng thông tin rất lớn, do đó nó không cho trẻ khả năng tìm hiểu các định luật vật lý về tương tác giữa các đồ vật. Và đặc điểm thứ ba: các mối quan hệ cảm xúc trên máy tính và mạng xã hội nghèo nàn, bị hạn chế ở những hình thái định trước.

Cha mẹ cần hiểu sự phong phú của thế giới thực và các tham số của nó. Hiểu rằng các tham số nào bị rút gọn trong thế giới công nghệ. Khi bạn hạn chế trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, hãy bù bằng những hoạt động mà qua đó đứa trẻ nhận được những thứ mà công nghệ không có.

Hoạt động thể lực, tương tác với vật thật, tương tác cảm xúc với bố mẹ – đó là những thứ cần được chú ý. Trong mạng xã hội không có mùi, không có động chạm, không ngữ điệu. Nếu chia sẻ cảm giác với trẻ, phát triển sự hứng thú với thế giới thực, thì đến khi trẻ đi học, chúng đã quen với việc hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ. Và bản thân trẻ không muốn chơi điện thoại quá nửa giờ.

Theo Vietnamnet

kỹ năng làm cha mẹ

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.