3 tuổi là giai đoạn 'vàng' để con học cách tự lập

Con gái đã 5 tuổi nhưng chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn xúc từng thìa cơm cho con mỗi bữa, trước sự bất bình của bố mẹ chồng.

Con gái đã 5 tuổi nhưng chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn xúc từng thìa cơm cho con mỗi bữa, trước sự bất bình của bố mẹ chồng.

Câu chuyện bé Nghé, con chị Thu Hà, không chịu tự ăn cơm có lẽ là câu chuyện điển hình của việc trẻ thiếu tự lập. Bản thân chị thừa nhận, khi con lên 3, bắt đầu ăn cơm, chị thiếu quyết đoán trong việc dạy con tự ăn cơm. “Chỉ vì cháu còi quá, 3 tuổi mà chỉ được 13kg nên tôi rất sốt ruột! Nhiều lúc cũng quyết tâm lắm, nhưng thấy cháu gầy gò lại không đành lòng. Cứ lần lữa mãi, đến giờ mới thấy lo vì sang năm con học lớp 1 rồi!”, chị chia sẻ.

be1.jpg
 Dạy con tự lập là bài toán khó của nhiều gia đình có trẻ nhỏ. Ảnh minh họa internet.

Không chỉ lười tự xúc cơm, con gái chị Hà còn thường ỷ lại mẹ, không chịu dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Đi học về, bé cũng thường vứt dép, cặp sách... bừa bãi. Bà nội bé rất bực mình vì cháu gái lớn rồi mà không tự lập. “Chỉ tại bố mẹ cháu không nhất quán trong việc rèn con. Giờ con sắp vào lớp 1, việc uốn nắn càng khó hơn. Tôi nhắc nhở thì mẹ cháu lại khó chịu nên bực lắm cũng không muốn can dự!”, bà nội cháu Nghé cho hay.

Theo nhiều cha mẹ, việc dạy con tự lập là điều cần thiết nhưng không hề dễ dàng nếu chính cha mẹ không quyết tâm, thậm chí nếu không có chút “máu lạnh”.

Anh Trần Xuân Được (Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Từ 5 đến 6 tuổi, tôi đã rèn cháu tự làm một số việc như tự đánh răng, xếp sách vở, đồ chơi, thu dọn quần áo… Lúc đầu, cháu rất bướng nhưng tôi phải kiên nhẫn, khích lệ con đúng lúc. Kể cả chê con cũng cần đúng thời điểm để con không tự ái và không thấy xấu hổ với người xung quanh. Góp ý, nhắc nhở con khi chỉ có hai bố con, điều này khá hiệu quả!”, anh Được kể.

Còn theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Ngọc Anh (Nghi Tàm, Hà Nội), tùy lứa tuổi để cha mẹ rèn con tính tự lập, nhưng nguyên tắc quan trọng nhất chính là rèn luyện cho con càng sớm càng tốt. “Bố mẹ cần tự đặt ra nguyên tắc cho bản thân khi dạy con tự lập như kiên định, không “yếu lòng” nếu con bị tổn thương, không sốt ruột, khen chê đúng thời điểm để khích lệ con. Làm được những điều này, tôi tin là bố mẹ sẽ thành công!”, chị Ngọc Anh nói.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng, dạy trẻ kỹ năng sống tự lập phải từ cả hai phía là gia đình và nhà trường, có sự phối hợp chặt chẽ. “Đặc biệt, vai trò của cha mẹ cực kỳ quan trọng. Trẻ không tự lập không phải lỗi của con mà vì cha mẹ quá cưng chiều, họ nghĩ rằng làm thế vì yêu con, thương con mà không hay rằng đang hại con”, ông Nhĩ nhìn nhận.

Theo ông Nhĩ, trẻ không được rèn tính tự lập từ bé sẽ trở nên lười nhác, phụ thuộc dựa dẫm vào cha mẹ, lớn lên thiếu hụt kỹ năng sống, luôn bị động trong cuộc sống. “Trẻ từ 18 tháng tuổi trở đi đã có thể được dạy một số thói quen nhưng lứa tuổi “vàng” để dạy con tự lập là 3 tuổi. Từ tuổi này, con cần được rèn thói quen tự ăn cơm, tự lấy ghế ăn, mang bát đi cất, xếp đặt đồ chơi. Mỗi lứa tuổi sẽ có những kỹ năng nhất định”, ông chia sẻ.

Một số phương pháp dạy trẻ tính tự lập mà các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ: 

Tách trẻ ra khỏi mẹ dần dần. Đừng vì quá thương con mà ngay từ khi bé sinh ra bạn đã suốt ngày ôm ấp bé trong vòng tay, làm như thế trẻ sẽ “quen hơi” mẹ và không thể tự chơi khi không có mẹ. Mẹ có thể tách bé từ 5 đến 6 tháng tuổi bằng cách buổi tối nên để trẻ ngủ riêng, để bé tự nằm chơi ngay sau khi cho bé bú, ăn xong…

Hướng dẫn trẻ tự làm những việc vừa sức, theo từng lứa tuổi. Lúc đầu bé có thể phá hư, làm hỏng,… mẹ đừng vội la mắng mà hãy hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng để dần dần trẻ có thể tự làm.

Phân công việc cho từng thành viên. Điều này giúp bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Bạn có thể giao cho bé nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị,… và nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt.

Khen ngợi, động viên bé. Mẹ nên hạn chế việc khen ngợi “quá đáng” cho một hành động đơn giản, điều này sẽ làm phản tác dụng. Thay vào đó, cần động viên khích lệ tích cực, càng cụ thể càng hiệu quả.

Luôn bên cạnh trẻ nhưng hạn chế sự trợ giúp. Vì các bé còn nhỏ nên rất cần tình yêu thương, sự bảo bọc của cha mẹ, do đó dù bạn muốn con tự lập thế nào vẫn phải để các bé hiểu bố mẹ luôn bên cạnh, che chở, ủng hộ các bé để chúng cảm thấy yên tâm mà “làm việc".


Theo Phụ nữ Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.