5 sai lầm trong việc nuôi dạy con bố mẹ nào cũng mắc

Làm cha mẹ không phải là một công việc dễ dàng, và chuyện cha mẹ mắc sai lầm khi nuôi dạy con là lẽ đương nhiên.

Làm cha mẹ không phải là một công việc dễ dàng, và chuyện cha mẹ mắc sai lầm khi nuôi dạy con là lẽ đương nhiên.

Có những khi bạn phải hét lên với con ở nơi công cộng, cảm thấy bực tức và bất lực vì việc chăm sóc và dạy dỗ con cái cứ như là một gánh nặng trách nhiệm không sao thoát ra được. Có những khi chúng ta mắc sai lầm như vậy, nhưng rất ít người đủ dũng cảm để nhận mình là một người cha, người mẹ tồi. Lại có những sai lầm bạn vô tình mắc phải nhưng lại nghĩ đó là điều tốt cho con. 5 sai lầm bố mẹ hiện đại thường gặp dưới đây có lẽ sẽ khác đôi chút so với những gì bạn thường nghĩ.

1. Không rời con nửa bước

Khi con còn nhỏ, bạn chẳng tin bất kì ai để giao phó“cục vàng” của gia đình dù chỉ trong chốc lát. Bạn luôn cố gắng làm tất cả mọi việc vì nghĩ rằng chỉ có mẹ mới có thể chăm sóc con một cách chu đáo. Nhưng bạn đã lầm. Thử tượng tưởng một ngày dài làm việc, bạn lại tiếp tục tất bật với nào là bỉm sữa, thuốc thang, cho con chơi, cho con học. Điều đó sẽ khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng, và dĩ nhiên, khi mẹ như vậy thì con chắc chắn sẽ không được hưởng sự chăm sóc tốt nhất.

Vì vậy, hãy để chồng bạn, mẹ bạn, bạn bè hay người hàng xóm trông giúp đứa trẻ khi họ muốn có thời gian bên chúng. Kể cả không, hãy nhờ họ. Bạn có quyền và bạn cần nhờ mọi người giúp đỡ để cảm thấy “dễ thở” hơn. Có như vậy,mẹ mới có thể nuôi con tốt hơn.

2. Thờ ơ với con

Bạn có cả núi công việc cần giải quyết và dường như lúc nào cũng bận rộn. Việc cơ quan chưa hết nên về nhà muộn, bạn bè rủ rê tụ tập, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm… đã đủ khiến bạn quay cuồng. Có khi phải kiểm tra mail một chút, lướt Facebook “một chút” là đã hết ngày. Công nghệ ngày nay trở thành một bức tường cản trở bạn xoay xở những công việc khác, ví dụ như chơi với con. Vô tình, đứa con tội nghiệp của bạn đã bị cho “ra rìa”.

Dù cuộc sống bận rộn, hãy luôn cố gắng dành thời gian vun đắp cho mối quan hệ gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa bố mẹ với con. Hãy lên lịch rõ ràng, ví dụ như chỉ kiểm tra Facebook 3 ngày 1 lần, tắt điện thoại sau 10 giờ đêm, hay đi chơi cùng con vào mỗi cuối tuần. Có như vậy, bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì đã chưa thật sự quan tâm đến con.

Công nghệ trở thành bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.

3. Bảo bọc con thái quá

Đây là kiểu “bố mẹ trực thăng” khi lúc nào bạn cũng kè kè bên con, “bay lơ lửng” trong vùng trời của con như một chiếc trực thăng, không cho con làm bất cứ thứ gì ngoài tầm mắt của mình. Có thể bạn nghĩ sẽ tránh cho con khỏi những mối nguy đang rình rập, nhưng bảo bọc con quá mức mà không để con tự mình khám phá cuộc sống cũng chẳng phải là cách hay. Ngày nay, nhiều trẻ có xu hướng ỷ lại, sống phụ thuộc cũng xuất phát từ chính sai lầm này của cha mẹ.

Bạn sợ con bị ngã, nhưng nếu không để con tự đi, làm sao con biết nó có thể làm được những gì. Điều bạn cần làm là ở bên và “phanh” chúng lại kịp thời. Hãy dạy cho con biết về những giới hạn an toàn, để chúng bước ra khỏi vòng tay bố mẹ và khám phá những điều mới mẻ. Bạn có thể đóng vai trò là người hướng dẫn, chứ không phải làm cho chúng tất cả mọi việc.

4. Không giữ lời

Trẻ em có thể ngây thơ, khó kiểm soát, nhưng chúng cũng biết suy nghĩ và xứng đáng được tôn trọng. Nếu bạn dạy trẻ một điều gì đó chỉ bằng lời nói mà không làm, hãy nhớ rằng chúng sẽ theo dõi mọi hành vi của bạn. Nếu bạn hứa một điều gì đó với trẻ mà không thực hiện, chúng sẽ ghi nhớ. Một lần như vậy có thể được bỏ qua, nhưng nếu lặp lại điều đó như một thói quen, bạn sẽ không có được sự tin cậy và tôn trọng của con mình nữa.

Vì vậy, hãy trở thành người cha người mẹ biết giữ lời hứa, trước khi muốn có những đứa con biết giữ lời. Nếu bạn nói tối nay sẽ đọc sách, hãy làm đúng như vậy. Nếu bạn nói sẽ về nhà sau 10 phút nữa, hãy xuất hiện trước mặt con sau đúng 10 phút. Hãy cố gắng làm hết sức mình dù chỉ là những việc nhỏ nhất, đừng bao giờ hứa suông rồi để đấy, bạn có thể quên ngay sau đó, nhưng những đứa trẻ thì không.

Nếu không giữ lời hứa với con, đứa trẻ sẽ nhìn bạn với ánh mắt nghi ngờ.

5. Không lắng nghe

Nhiều khi đứa con nhỏ của bạn nói quá nhiều, và đối với bạn, chúng chỉ toàn là những thứ ngớ ngẩn, những điều vô nghĩa. Bạn thấy quá mệt mỏi và thường chỉ ậm ừ kiểu “Thế à?” và tỏ ra bạn đang hiểu những gì chúng nói. Nhưng nếu không thật sự lắng nghe, đến một lúc nào đó, đừng ngạc nhiên khi con nói với bạn rằng: “Mẹ chẳng nghe con nói gì cả!”.

Trẻ con có những suy nghĩ và tình cảm riêng, và chúng cũng có nhu cầu chia sẻ điều đó với bố mẹ mình. Không có điều gì là vô nghĩa cả. Hãy thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện cùng con, tìm hiểu những vấn đề của con, cùng con chia sẻ cảm xúc trong cuộc sống và trở thành một người bạn đáng tin cậy của chúng. Đôi khi, những suy nghĩ đáng yêu của con trẻ sẽ khiến bạn cảm thấy bất ngờ. Đó cũng là cách làm chắc thêm sợi dây liên kết tình cảm của con với bố mẹ.

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.