Cách xử trí khôn ngoan của cha mẹ khi thấy con đánh bạn

Dạy con nhịn thì con thiệt mà bảo con đánh thì không hay, mẹ nên xử trí thế nào khi con của mình bị bạn bè bắt nạt?

Dạy con nhịn thì con thiệt mà bảo con đánh thì không hay, mẹ nên xử trí thế nào khi con của mình bị bạn bè bắt nạt?

Khó xử vì lý do chính đáng

Nghe con trai kể về chuyện đánh nhau ở trường, chị Hà (Ba Đình, Hà Nội) lúng túng không biết nên dạy con thế nào cho đúng. Con trai chị bình thường là người rất hiền và ngoan nhưng hôm nay đã ra tay đánh một lúc 3 bạn cùng trường. Nếu là gây gổ rồi đánh nhau thì chắc chắn chị sẽ phạt con nhưng lý do dùng bạo lực của con lại rất chính đáng là bảo vệ em gái.

“Con trai mình năm nay học lớp 3, em gái học lớp 1 cùng trường. Mẹ đón 2 anh em thì con trai kể là hôm nay con đánh một lúc 3 thằng liền. Mẹ hỏi sao con lại đánh nhau? Con trai bảo hôm nay có 3 bạn cứ trêu em là pê đê (con gái đi học bằng balo con trai). Con bảo đừng nói em tớ thế. 3 đứa kia cứ gào lên là tao thích thế. Con bảo con mách bác bảo vệ thì 3 bạn xông vào đánh em túi bụi, đấm vài ngực và ức em.

Con nổi điên con chạy theo con túm cổ áo từng thằng 1 con vả cho mỗi đứa 3 phát. Tôi bảo lần sau con chỉ cần nhắc nhở bạn là đừng như thế là được”, chị kể lại.

Chị Hà bảo, chị không ủng hộ việc con đánh nhau nhưng trong trường hợp như thế lại thấy con trai rất ga-lăng khi bảo vệ em gái. Chị dạy con là không bao giờ được phép đánh bạn trước còn nếu bạn đánh thì mách cô. Nếu cô phạt bạn mà lần sau bạn vẫn đánh thì mẹ cho phép con đấm thẳng vào mặt bạn, trừ em bé hơn mình thì không được đánh. Bởi đó là tự vệ, nếu họ đánh mình mà mình nhịn lần sau họ lại đánh tiếp.

Chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thấy khó xử, không biết nên dạy con trai thế nào khi con đánh nhau với bạn vì lý do chính đáng là bạn gây gổ rồi đánh trước.

“Con bình thường rất ngoan, ở nhà chưa bao giờ cãi mẹ, đi học cũng không gây gổ với ai bao giờ. Khi con bảo đánh lại bạn vì bạn cứ trêu con rồi ra tay trước mình cũng không biết nên dạy con thế nào. Bảo con không nên đánh bạn mà hãy mách cô giáo thì con bảo đã mách một lần rồi nhưng bạn vẫn cứ đánh. Nếu bảo con cứ nhịn thì con sẽ ăn đòn mãi”, chị Nga chia sẻ.

dạy con, con bị bạn đánh, làm gì khi con bị bạn đánh, bạo lực học đường
Dạy con đánh hay nhịn khi bị bạn bắt nạt? (Ảnh minh họa)

Hãy cho con học võ để biết cách tự vệ

“Bọn trẻ không nên học hành xử bạo lực. Có nhiều cách thức để tự vệ và bảo vệ người thân. Khi bị bắt nạt đứa trẻ nên có cách thức tự vệ hợp lý. Thực tế rằng, chỉ cần có thái độ cứng rắn một chút thì đối phương cũng đã chùn bước rồi”, TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Theo TS. Hương, trong câu chuyện của chị Hà, nếu em gái bị bắt nạt, đương nhiên anh sẽ phải bảo vệ. Vấn đề là cách thức bảo vệ của anh thế nào để không bạo lực nhưng vẫn an toàn cho cả 2 anh em.

“Trong trường hợp này, theo tôi, chị nên cho 2 anh em đi học chút võ thuật để biết cách tự vệ. Trong võ thuật không phải chỉ có sử dụng bạo lực để giải quyết. Chỉ cần một chút cách thức xử lý hợp lý cũng đã ổn thỏa. Ví dụ: khi bị giật túi, hầu hết nạn nhân sẽ ngã, rách túi, mất đồ. Nhưng nếu đang đị bộ mà bị giật túi, bạn chỉ cần ngồi xụp xuống là đối phương sẽ bị ngã, bạn an toàn và túi vẫn còn nguyên.

Khi cho con theo các lớp học võ, con sẽ học được thêm cả các cách thức giữ bình tĩnh và nghĩ cách xử lý tình huống hợp lý mà không cần sử dụng đến bạo lực”, TS. Hương chia sẻ.

dạy con, con bị bạn đánh, làm gì khi con bị bạn đánh, bạo lực học đường

Cho con theo các lớp học võ, con sẽ học được thêm cả các cách thức giữ bình tĩnh và nghĩ cách xử lý tình huống hợp lý mà không cần sử dụng đến bạo lực (Ảnh minh họa)

Còn theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tâm lý tình yêu – hôn nhân, nếu con bị bắt nạt ở trường, cha mẹ hãy trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô để họ để ý kịp thời tới con mình. Cha mẹ có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt con mình để hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp.

Bà Hà cũng chia sẻ rằng, có những phụ huynh dạy con đối phó rất sai lầm như: nên im lặng, một điều nhịn là chín điều lành, quả nhiên, đứa trẻ đó ngày càng sợ hãi, thu mình, lầm lỳ, ít nói. Có nhiều phụ huynh còn dạy con đánh trả lại, đó cũng không phải là điều hay, chẳng khác gì bố mẹ gieo vào đầu con trẻ quan niệm dùng vũ lực để giải quyết.

Điều cha mẹ nên làm là khuyên con bình tĩnh, cương quyết “dằn mặt” trẻ bắt nạt mình bằng chiêu: nhìn thẳng vào họ và dõng dạc nói “không được trêu tớ nữa”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thầy cô và bố mẹ sẽ có biện pháp can thiệp. Nhiều trường hợp trẻ vì xấu hổ hoặc lý do gì đó mà không nói với người lớn. Vì thế gia đình và nhà trường cần chú ý để tâm tới sự khác lạ ở trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe và chủ động hỏi han con, việc lắng nghe và động viên hỏi thăm con không chỉ có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt nạt mà còn có lợi trong mọi vấn đề mà con gặp phải.

Trang bị cho con những cách đối phó với việc này: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, cho con học võ. Dạy con đi đâu cũng nên đi đông, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn và tuyệt đối không đáp trả bạn bằng vũ lực.

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.