Con học mẫu giáo: Cha mẹ suýt... ly dị

Con đi học mẫu giáo tưởng là chuyện nhỏ. Thế nhưng với nhiều gia đình, đây là việc vô cùng quan trọng, quan trọng tới mức cha mẹ suýt... li dị.

Con đi học mẫu giáo tưởng là chuyện nhỏ. Thế nhưng với nhiều gia đình, đây là việc vô cùng quan trọng, quan trọng tới mức cha mẹ suýt... li dị.

Đau đầu như đi học mẫu giáo

Trong quan điểm của anh Xuân Kiên và chị Kim Hoa, con cái luôn là số 1. Chính vì vậy, ngay từ khi con ra đời, anh chị “nâng như trứng, hứng như hứng hoa”. Từ miếng ăn, giấc ngủ đến đồ chơi của bé Su Su đều được anh chị cân đo, đong đếm cẩn thận.

Vì thương yêu con nên dù con đã 2,5 tuổi, anh chị vẫn giữ con ở nhà với mong muốn tự tay chăm sóc con. Giải thích cho việc chậm đưa cho đi mẫu giáo, anh Kiên chia sẻ: “Cháu còn bé và dại lắm. Cho cháu đi học sớm, tôi chỉ sợ cháu không được các cô quan tâm. Cháu chưa biết gì nên nếu bị cô đánh, cháu không biết mách bố mẹ đâu. Như thế thì tệ hại lắm”.

Đến năm Su Su 3 tuổi, bị nhiều người giục giã, anh Kiên mới nghĩ đến chuyện đưa con đi học mẫu giáo. Anh kỳ công sưu tập tất  cả các trường mầm non quanh khu vực gia đình anh sinh sống. Anh tỉ mẩn ngồi lập danh sách các chỉ tiêu, rồi chấm điểm cho từng trường. Mặc dù đã tìm được ngôi trường có điểm cao nhất nhưng đúng lúc anh định đưa con đi học thì dư luận rúng động với việc bảo mẫu trường mầm non Phương Anh (quận Thủ Đức, TP.HCM) hành hạ trẻ em.

Lo sợ con mình cũng bị đánh đập như vậy, anh Kiên quyết định tiếp tục cho con ở nhà. Nhưng lâu dần, thấy độ phát triển của con thua bạn, kém bè nhiều quá, anh mới đành “dứt ruột” cho Su Su đi học khi cô bé tròn 3,5 tuổi.

Bác sĩ “lệnh” cho chị Hòa phải đưa con đi học ngay lập tức để các cô giáo rèn luyện.


Trong khi đó, gia đình anh Hoàng, chị Hòa lại rơi vào tình cảnh “trớ trêu” khác. Chẳng là Kem – cậu con trai đầu lòng của anh chị mới hơn 1 tuổi nhưng rất nghịch ngợm. Nhiều lúc, chị nghĩ con mình tăng động vì cậu bé luôn chân, luôn tay phá cái nọ, đập cái kia.

Khi đưa con đi tiêm phòng, chị Hòa bị bác sĩ mắng tới tấp. Bác sĩ “lệnh” cho chị Hòa phải đưa con đi học ngay lập tức để các cô giáo rèn luyện. Nếu không, bác sĩ sợ Kem gặp vấn đề về phát  triển.

Quá lo lắng, chị Hòa tập hợp bạn bè “chốt” danh sách những trường mầm non đảm bảo đủ 3 yếu tố “ngon – bổ  -  rẻ” để  chị “kìm” bản năng quậy phá của con trai.

Cha mẹ suýt  li dị

Chị Hòa quyết tâm lắm. Được sự ủng hộ của chồng, chị chấp nhận chi ra mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng để con được học trong một trường mầm non có tiếng ở quận Hai Bà Trưng. Khi đóng xong các loại phí, chị Hòa cứ ngỡ mình chỉ việc đưa con tớt trường là xong. Thế nhưng mọi việc hóa ra lại phức tạp hơn.

Chẳng là gia đình anh Hoàng, chị Hòa ở cùng bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng chị rất yêu thương con cháu. Ông bà sống hết lòng vì con cháu. Nhưng cũng vì quá nhiều “thằng đích tôn”, ông bà nhất định không để Kem đi học quá sớm.

“Ông bà mắng vợ chồng tôi như thể vợ chồng tôi bạc đãi, hành hạ cháu đích tôn của ông bà. Ông bà phân tích trẻ con nghịch ngợm là chuyện bình thường. Bây giờ hiện đại, bác sĩ rảnh việc nên ngồi vẽ ra lắm chuyện để làm. Thực chất, con tôi chẳng làm sao cả”
- Chị Hòa tâm sự.

“Ông bà còn suy diễn vợ chồng tôi chê khả năng chăm sóc trẻ con của ông bà nên mới tìm cách ‘cầm tù’ thằng bé. Ông bà ra tối hậu thư, nếu tôi vẫn cho con đi học thì đừng nhìn mặt ông bà nữa” –
Chị Hòa đau đầu kể thêm.

Quyết tâm đến vậy nhưng chị Hòa vẫn phải “lùi bước”. Chị chia sẻ: “Thực ra, tôi biết, ông bà rất lo cho cháu, chứ không phải có ý gì. Tôi cũng muốn nghe theo nhưng tôi sợ nếu cứ để con ở nhà, sự phát triển của thằng bé bị ảnh hưởng. Vì thế, giai đình tôi căng thẳng suốt nửa tháng. Cuối cùng, vì bà ốm phải nằm viện nên tôi chấp nhận cho Kem đi học muộn hơn”.



Việc cho con đi học mẫu giáo khiến anh Kiên, chị Hoa suýt li dị

Trong khi đó, việc cho con đi học mẫu giáo khiến anh Kiên, chị Hoa suýt li dị. Chị Hoa theo “trường phái” phải cho con đi học sớm còn anh Kiên trung thành ý tưởng con phải nhận thức được nhiều thứ mới nên đi học. Vì thế, anh Kiên lần lữa đến năm Su Su 3,5 tuổi bé mới được đi học.

Tới khi đi học, mọi vấn đề của Su Su mới được bộc lộ. Vì ít tiếp xúc, Su Su có xu hướng tự kỷ. Bé  không chơi với ai, khóc suốt từ lúc đi học tới lúc về. Bé quấy khóc nhiều tới mức cô giáo cũng stress theo. Nhìn con vật vã như vậy, chị quay sang trách móc chồng. Anh Kiên vẫn khư khư bảo vệ quan điểm của mình. Thế là “đại chiến gia đình” xảy ra.

Đỉnh điểm của cuộc “đại chiến” chính là khi đưa con tới trung tâm giáo dục đặc biệt để khám, cô giáo nhận xét bé Su Su chưa đến mức tự kỷ nhưng do gia đình bao bọc quá nên cô bé khó tiếp xúc với bên ngoài.

Trước “chứng cứ sờ sờ” như vậy, anh Kiên vẫn phải nhận trách nhiệm của mình nên chị Hoa đòi... li dị. Rất may, trước khi ra tòa, vì thương  con, anh chị đã nghĩ lại. Và để rút kinh nghiệm cho đứa con thứ hai, chị Hoa đòi được toàn quyền quyết định việc chăm sóc và học hành của con.

Thế mới thấy, việc đi học mẫu giáo của con quan trọng đến như thế nào...
Thảo Vân/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.