Dạy con cách tiêu tiền

Quan trọng nhất là dạy con cách biết quý trọng đồng tiền. Tôi cho phép con mua một món đồ chơi yêu thích nhưng đó phải là tiền của con.

Quan trọng nhất là dạy con cách biết quý trọng đồng tiền. Tôi cho phép con mua một món đồ chơi yêu thích nhưng đó phải là tiền của con.

Sực nhớ vẫn chưa cho con tiền, tôi chạy theo níu con lại rồi lấy tiền trong túi đưa cho con. Con trai nhìn tôi hỏi: “Mẹ cho con bao nhiêu vậy?”. Tôi vừa trả lời vừa chỉ cho con tờ hai ngàn và tờ một ngàn.

Sau vài giây suy nghĩ, con trai ngại ngùng: “Mẹ cho con năm ngàn được không?”. Tôi hỏi lại: “Năm ngàn để làm gì?”. Thằng bé vô tư kể: “Dạ con mua kẹo cho bạn Phúc và bạn Nga. Vì hôm qua hai bạn đó mua bánh cho con”. Tôi vui vẻ gật đầu rồi lấy thêm tờ hai ngàn cuộn chung với ba ngàn hồi nãy.

Tap con xai tien
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Trong lúc mẹ con tôi trò chuyện, một chị phụ huynh đứng gần nghe thấy. Chừng như không nén nổi tò mò, chị nhìn tôi hỏi: “Bé nó mới học lớp 1 mà chị cho tiền chi sớm vậy?”. Tôi quay sang chị, ý nhị: “Dạ, em nghĩ ở tuổi này tập cho con xài tiền là vừa rồi chị ạ!”. Chị tròn mắt nhìn tôi, không giấu vẻ ngạc nhiên.

Tôi cũng chẳng muốn giải thích thêm vì quan điểm mỗi người mỗi khác. Thật ra hơn hai tuần trước đây, tôi cùng suy nghĩ như chị, vẫn cảm thấy con trai mình còn quá nhỏ để mang theo tiền bên mình.

Tốt nhất là cứ hỏi con thích ăn gì, mua cho con mang theo, vậy mà an toàn hơn. Chứ để con cầm tiền ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Nào là trộm cắp, nào là giựt dọc rồi còn những cám dỗ từ những món đồ chơi hay món ăn độc hại nào đó. Quá nhiều thứ nguy hiểm đang rình rập đứa bé khờ khạo, ngây thơ.

Và cách để tôi có thể bảo vệ con trai bé bỏng chính là không cho con tiền. Nhưng… Con nít ngộ lắm! Bánh kẹo tôi mua rất ngon thế mà ngày nào về cũng còn nguyên, nếu có hết thì cũng vì cho bạn mà hết. Đồng thời, tôi hay nghe con tấm tắc khen món mực ngào trong căng tin ăn ngon lắm, bịch mì gói trong căng tin ăn... đã lắm.

Lúc đầu, tôi ngạc nhiên không hiểu sao con lại biết. Nhưng hỏi cách nào con cũng không chịu nói. Càng suy đoán tôi càng lo lắng. Cuối cùng con trai cũng chịu kể chỉ khi nào tôi hứa giữ bí mật: “Mỗi lần ra chơi thấy bạn ăn là con thèm nên xin một miếng”

Tôi bắt đầu suy nghĩ lại. Tôi nhận ra mình đã sai khi cố bảo vệ con trong sự bảo bọc của mình. Thay vì dẫn dắt để con nhận biết điều nên và không nên thì tôi lại vẽ ra một thế giới đầy nguy hiểm và cấm con bước vào. Đắn đo rất lâu, tôi quyết định phải thay đổi.

Sáng hôm sau, tôi vui vẻ nhét vào túi con năm ngàn và dặn: “Ra chơi con thích ăn gì mua nhé. Đừng xin bạn nữa”. Trước sự “hào phóng” của mẹ, con trai dạ to đầy sung sướng. Dù vậy tôi vẫn phòng hờ bằng cách bỏ thêm bịch bánh vào cặp của con.

Trưa rước con về, tôi hỏi: “Tiền sáng mẹ cho, con xài hết chưa?”. Con trai hào hứng kể: “Giờ ra chơi con mua hai cây mực ngào đường. Con một cây. Bạn Ngân một cây”. Tôi ừ: “Vậy còn ba ngàn, con giữ nhé?”. Con trai cười tít cả mắt cảm ơn mẹ.

Hôm sau nữa, con trai về kể: “Mẹ ơi sao ngộ quá, mực ngào có một ngàn một cây, con mua hai cây mà cô không thối tiền cho con?”. Tôi hỏi lại: “Con đưa cô bao nhiêu?”. “Dạ con đưa ba ngàn”. Tôi thở dài:

“Ôi, con trai khờ của mẹ ơi. Con mua hai ngàn thì đưa hai ngàn thôi. Nhiều khi cô bán hàng tưởng con đưa đủ tiền nên không thối lại”. Con trai ngây thơ: “Dạ đâu có, con thấy cô mở tiền ra mà, cô biết ba ngàn mà cô không thối cho con”. Tôi ôm con vào lòng: “Nếu lần sau lại như vậy nữa thì con nói cho cô biết là con đưa dư tiền để cô thối lại, biết chưa?”.

Rồi hôm sau nữa, con trai đưa cho tôi xem tờ một ngàn rách bươm. Tôi nhìn tờ tiền mà nản hết sức. Lại phải dạy con cách nhận biết một tờ tiền còn giá trị. Tôi nói nếu ai thối lại cho con tờ tiền mất góc, mất nửa tờ, bạc trắng hoặc dán quá nhiều thì con yêu cầu đổi lại tờ tiền khác còn nguyên vẹn.

Con trai ngập ngừng: “Con sợ”. Tôi nhìn thẳng con: “Không có gì phải sợ hết. Con cứ nói thật lễ phép nhưng mạnh dạn. Nhớ nhé!”

Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là dạy con cách biết quý trọng đồng tiền. Tôi cho phép con mua một món đồ chơi yêu thích nhưng đó phải là tiền của con. Và việc đó chỉ có thể tiết kiệm bằng bỏ ống heo đợi khi đủ tiền sẽ được mua. Dĩ nhiên khi có mục tiêu, con trai rất ý thức và cố gắng tiết kiệm nhất có thể.

Sau hai tuần cho con đem theo tiền đi học, tôi thấy con trai không còn kể về những “tai nạn” liên quan đến tiền bạc. Tôi không còn lo lắng quá nhiều khi “thả con ra thế giới nguy hiểm”. Bài học dễ nhớ nhất không phải từ chính sai lầm của mình hay sao? Hy vọng những bài học nhỏ sẽ giúp con cứng cáp, trưởng thành và chạm tới thành công sau này.

Theo PNO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.