Dạy con những chuyện thầm kín khó nói

Một ngày đẹp trời nào đó, bạn sẽ bối rối khi nghe đứa con bé bỏng của mình đột nhiên cầm tấm ảnh chụp một bé trai đang “cuổng trời” và hồn nhiên hỏi: “Mẹ ơi, sao bạn này… không giống con?”.

Một ngày đẹp trời nào đó, bạn sẽ bối rối khi nghe đứa con bé bỏng của mình đột nhiên cầm tấm ảnh chụp một bé trai đang “cuổng trời” và hồn nhiên hỏi: “Mẹ ơi, sao bạn này… không giống con?”.

Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu? Mẹ ơi, sao chú đó (nhân vật trong phim) lại… “làm gì” cô đó thế? Mẹ ơi, sao bố hôn con trên trán mà lại hôn mẹ ở… miệng? Bạn lúng túng, thậm chí có lúc “điên tiết” vì sự tò mò của con. Bạn nạt ngang: “Con còn bé, bao giờ lớn mới được biết mấy chuyện đó!”, “Không được hỏi như thế, hỏi như thế là xấu lắm!”. Nhưng có thật, việc nạt ngang hay giấu diếm bé những câu hỏi về giới tính là cách tốt?

Đừng giấu con chuyện “khó nói”!

Rất nhiều bà mẹ đến bây giờ vẫn giữ nguyên quan niệm: Những chuyện giới tính là chuyện không nên nói với trẻ. Trẻ thắc mắc ư? Kệ chúng! Đến một lúc nào đó, khi con lớn thì con sẽ… tự biết! Biết sớm làm gì cho dễ hư hỏng đi!

Song, kỳ thực, rất hiếm đứa trẻ nào biết sớm (và biết một cách rõ ràng, khoa học từ sự hướng dẫn chu đáo của cha mẹ) lại hư hỏng. Trong khi đó, chính vì thiếu kiến thức, chính vì mày mò tự tìm hiểu và không được vẽ đường đúng đắn nên nhiều đứa trẻ lớn lên lại dễ gặp phải những vấn đề lệch lạc về giới tính, dễ gặp phải những sự cố mà đến khi cha mẹ biết được, khóc ròng thì cũng đã quá muộn rồi.

Vì sao bạn nên dạy con về giới tính từ sớm? Vì thực tế, trẻ con bây giờ tiếp xúc quá sớm, quá nhiều và quá dễ dàng với những vấn đề về giới tính. Một cuốn tạp chí bạn để hớ hênh lỡ có bức ảnh hơi nóng bỏng hay một cái tựa bài viết là lạ cũng đủ khiến trẻ tò mò, thắc mắc. Một cảnh phim lỡ lọt vào mắt trẻ, một thông tin trên trang web nào đó bất chợt hiện ra, rồi thì những hình ảnh truyện tranh, mọi thứ đều có thể khiến trẻ thắc mắc, ngạc nhiên. Ban đầu, trẻ rất vô tư mang sự thắc mắc ấy đi hỏi cha mẹ. Nếu cha mẹ bình tĩnh đón nhận, giải thích một cách nghiêm túc, hướng dẫn rõ ràng cho trẻ biết thì trẻ chỉ ồ lên như khám phá ra điều gì đó mới rồi thôi, không quá hoang mang nữa.

day-con-nhung-chuyen-tham-kin-kho-noi

Giáo dục giới tính đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển và hoàn thiện về nhân cách, giúp trẻ có thái độ lành mạnh, suy nghĩ đúng đắn và chín chắn hơn trong những vấn đề về giới tính.

Ngược lại, nếu bị cha mẹ nạt ngang, giấu diếm, những tò mò trong lòng trẻ sẽ ngày một lớn dần. Không dám hỏi cha mẹ vì sợ bị la, trẻ đi kiếm để hỏi bạn bè, anh chị lớn hơn, tìm đọc trên sách báo hoặc trên mạng. Lúc này, thông tin trẻ nạp vào không còn được chọn lọc cẩn thận nữa. Trẻ có thể sốc, bất ngờ, tò mò hơn, hoặc tệ hơn nữa là muốn… thử cho biết những điều mình chưa biết.

Thêm một lý do khiến bạn nên giáo dục giới tính sớm cho con, đó là vì trẻ em hiện nay rất dễ bị lạm dụng tình dục. Đừng hoảng sợ và né tránh khi đọc thấy cụm từ này. Hãy nhìn nhận một thực tế rằng con bạn sẽ rất dễ gặp phải những “tai nạn” như thế nếu như bé không được cha mẹ hướng dẫn từ sớm các vấn đề về giới tính. Việc một bé trai đi bơi ở hồ bơi, bị kẻ xấu lợi dụng sờ soạng hay việc một bé gái gặp chuyện đau lòng xuất hiện rất thường xuyên trên các báo. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn từ đầu, bé sẽ hiểu rõ những nguy cơ, hiểu rõ cách phòng tránh, hiểu rõ những việc được phép và không được phép, ví dụ như bé sẽ không tự ý vào chơi nhà hàng xóm một mình khi được dụ cho kẹo bánh…

Không ít trẻ lớn lên mặc cảm, xấu hổ và sợ hãi khi nhận thấy những biến đổi của cơ thể mình. Không chia sẻ được với cha mẹ, trẻ gặm nhấm nỗi mặc cảm đó và có thể không kiểm soát nổi hành động của chính mình, dễ mắc tật thủ dâm, quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành, bị lệch lạc giới tính

Biến chuyện “khó” thành… dễ nói!

Một câu hỏi đặt ra cho bạn: Nên giáo dục giới tính cho con từ độ tuổi nào và có cách gì để nói với con những chuyện người lớn này mà không làm trẻ sốc? Câu trả lời cho bạn là: Ngay độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, bạn đã có thể bắt đầu khéo léo giáo dục giới tính cho trẻ rồi, chứ không phải đợi đến lúc con va vấp phải những sự cố đầu đời như có kỳ đèn đỏ đầu tiên (với bé gái) hay gặp phải “đêm ướt” lần đầu tiên (với bé trai) mới nghĩ đến chuyện giáo dục giới tính.

Nên dạy trẻ có ý thức về giới tính ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Việc dạy dỗ này có thể thông qua những sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Ở độ tuổi 2-3, bé đã bắt đầu có những tò mò về cơ thể của mình và của người khác (gần gũi nhất là cha mẹ, anh chị em, bạn bè cùng tuổi trong xóm). Bạn sẽ thấy bé có những động tác tò mò, thích thú sờ vào bộ phận sinh dục của mình.

Bé có thể hiểu và gọi tên (theo kiểu “nickname” với những bộ phận này). Điều bạn cần làm ở độ tuổi này là hướng dẫn con hài lòng về cơ thể mình, bắt đầu nhắc nhở trẻ ý thức vệ sinh mỗi khi bạn lau rửa vùng kín cho con. Lớn hơn một chút, bé có thể bắt đầu hỏi bạn những câu: Tại sao bạn này bạn kia lại… không giống con? Đừng tảng lờ hoặc chối bỏ việc trả lời trẻ. Hãy giúp trẻ hiểu theo cách thật đơn giản, để phân biệt những khác nhau về bề ngoài giữa bé trai và bé gái.

day-con-nhung-chuyen-tham-kin-kho-noi

Một số bé có thể khiến bạn bất ngờ khi bé hỏi bạn những điều “nặng đô” hơn, kiểu như: Mẹ sinh con ra như thế nào? Em bé ở trong bụng mẹ rồi làm cách nào em bé ra? Sao mẹ lại có em bé mà bố thì không? Bạn hãy tham khảo những tài liệu hướng dẫn, hoặc gặp các bác sĩ, chuyên gia tư vấn để tìm hiểu cách trả lời bé bằng những từ ngữ đơn giản, những minh họa dễ hiểu nhất nói cho bé biết. Tránh thái độ ngượng ngùng, lúng túng, giấu diếm vì điều đó chỉ khiến con bạn hiểu lầm và lệch lạc suy nghĩ nhiều hơn.

Đến tuổi 4-5, trẻ cần được định hướng xác định giới tính rõ ràng. Ví dụ khi chọn quần áo, đồ chơi cho trẻ, bạn có thể giải thích cho con áo đầm kia dành cho bạn gái, áo con mặc là quần short, áo thun. Nên để trẻ chơi trong nhóm có nhiều bạn đồng giới, đừng để bé trai phải chơi… nhảy dây, lò cò, bán đồ hàng hay chơi búp bê với toàn các chị em gái cũng như ngược lại.

Độ tuổi này, bé sẽ hỏi bạn nhiều hơn về giới tính, hãy hướng dẫn cho bé thật rõ ràng, cụ thể và đơn giản. Ví dụ nếu một lúc nào đó bé bất thần hôn lên… môi bạn, thay vì tỏ thái độ bực tức, giận dữ hay ghê sợ, hãy hiểu rằng đó chỉ là một hành động bắt chước của bé theo phim ảnh hay sách báo mà bé lỡ xem phải mà thôi. Bạn chỉ cần giải thích rõ ràng: Con còn bé, chỉ hôn ở trán và má, không nên để người khác hôn ở miệng hoặc hôn ai khác ở miệng.

Bé lên 6 tuổi, bạn sẽ phải lưu ý dần đến việc hướng dẫn trẻ biết vệ sinh cơ thể, biết bảo vệ cơ thể của mình. Cũng có thể nói mỗi ngày một chút cho trẻ biết những điều được phép và không được phép với người khác giới, người lạ. Ví dụ như vùng nào trên người bé người khác có thể chạm vào (trán, má, bàn tay…), vùng nào người khác chạm vào là không tốt. Cho bé biết con không được vào nhà người khác mà không có bố mẹ đi cùng, không nhận quà bánh của người lạ cho, không để người lạ đụng chạm vào người…

Quan trọng nhất là bạn phải thiết lập được mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa cha mẹ và con cái, để bé chia sẻ được với bạn mọi điều mà con thắc mắc. Một đôi khi, bạn không thể trả lời ngay những câu hỏi về giới tính của con, bạn nên nói đơn giản với bé là để bố/mẹ đọc sách, tìm hiểu thông tin chính xác để nói cho con biết nhé. Nếu lúng túng bất cứ vấn đề gì, bạn có thể tìm đến các tổng đài tư vấn, chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm để hỏi ý kiến.


Hỏi và đáp

- Có phải mẹ nên giáo dục giới tính cho con gái và bố nên giáo dục giới tính cho con trai? 

Đúng thế. Bằng cách này, bố mẹ sẽ chia sẻ một cách tự nhiên hơn và bé cũng dễ dàng tiếp nhận những thông tin hơn (vì có sự giống nhau giữa con gái với mẹ, hay con trai với bố). Trong trường hợp bố mẹ đơn thân, nhà chỉ có bố hoặc mẹ, bạn có thể nhờ những người thân khác trong gia đình làm giúp việc này. Ví dụ như nhà chỉ có bố và con gái thì bố có thể nhờ bà nội, bà ngoại, các dì ruột, cô ruột của bé.

- Nên cảnh báo với con về việc xâm hại tình dục, quấy rối… như thế nào để phù hợp với tâm lý, độ tuổi của bé, không làm bé hoảng sợ?

Bạn có thể trao đổi với bé bất cứ khi nào thuận lợi, để bé hiểu rằng bộ phận sinh dục là những vùng kín trên cơ thể, là bộ phận riêng tư và đặc biệt. Bạn có thể hướng dẫn cho bé quan sát và nhận ra người ta luôn phải mặc quần áo che chắn cẩn thận những bộ phận ấy. Vì riêng tư và đặc biệt như thế nên trẻ không được để cho người khác soi mói hay đụng chạm vào đó.

Theo Mevacon


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.