Học cách khơi dậy cảm xúc tích cực của trẻ

Muốn cho cảm xúc của một đứa trẻ hình thành và phát triển một cách tốt đẹp thì bố mẹ cần làm chủ được chính cảm xúc của mình để điều khiển và dẫn dắt cảm xúc của trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách biểu hiện cảm xúc của cha mẹ có tác động hình thành nhân cách của trẻ. Muốn cho cảm xúc của một đứa trẻ hình thành và phát triển một cách tốt đẹp thì bố mẹ cần làm chủ được chính cảm xúc của mình để điều khiển và dẫn dắt cảm xúc của trẻ.

Trong khi dạy trẻ, nếu cha mẹ để cảm xúc bản thân chi phối như: tức thì quát tháo, vui thì ngọt ngào, từ đó sẽ tạo cho trẻ sự nghi ngờ.

Đừng dập tắt sự cố gắng của trẻ bằng cảm xúc bản năng

Giáo dục trẻ thế nào cho hiệu quả là điều cả xã hội đang quan tâm, thế nhưng, không ít người vẫn nuôi dạy con một cách rất tự nhiên mà chưa nghĩ đến việc lối sống của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái.


Áp đặt con theo cảm xúc của mình có thể làm hại con....

Nỗi ân hận của ông bố trong bài “Bài học kiềm chế cảm xúc khi dạy con” là một minh chứng đắt giá cho điều đó. Người bố do không biết điều chỉnh cảm xúc khi dạy con, nên thường xuyên đánh mắng con mỗi khi có chuyện bực tức, khiến con trở thành một cậu bé ngờ nghệch thụ động.

Theo chị Thùy Dương (Hà Đông, Hà Nội), trẻ con rất nhạy cảm và cha mẹ chính là người khơi dậy hay dập tắt những cảm xúc tích cực, tiêu cực của con. Chẳng hạn, khi con làm sai bài tập, theo cách thông thường nhiều phụ huynh sẽ mắng mỏ rồi phạt, như vậy, con sẽ lo sợ, tự ti về bản thân vì mình học kém. Nhưng nếu một bà mẹ khác cho rằng đó là chuyện nhỏ và cùng con tìm ra cách làm đúng, giúp con hiểu bài và khuyến khích con hỏi bài khi chưa hiểu thì dần dần con sẽ tự tin và mạnh dạn hơn.

Chị Thùy Dương là mẹ của hai bé Tiến Minh và Tiến Sơn

Đồng tình quan điểm này, chị Hồng Nam (Hà Nam) chia sẻ: Con gái mình có lần đòi rửa bát cùng mẹ, mình để con làm thì cháu làm vỡ choang mấy cái bát, giận quá mình mắng cháu một trận. Cháu rất sợ, lủi thủi đi ra và bẵng đi một thời gian sau mình bảo con rửa bát thì cháu không chịu vì sợ lại bị vỡ và bị mắng như lần trước. Nghĩ lại mình thấy mình thật sai lầm, lần đầu theo cảm xúc bản năng nên mình mắng và vô tình vùi dập ý tốt của con. Sau này, khi gặp chuyện tương tự, mình không làm vậy nữa mà bảo con không sao, dặn dò con phải làm thế nào để không bị vỡ, hướng dẫn con cách dọn dẹp an toàn. Hiện tại, cháu rất tự giác, vui vẻ khi giúp đỡ mẹ việc nhà.

Minh Phương, 7 tuổi (con gái chị Hồng Nam) rất tự giác, vui vẻ khi giúp mẹ việc nhà

Bố mẹ lạc quan con mới yêu đời

Bạn Thu Lý (Hà Nội), mẹ Đậu đậu vừa có một chia sẻ trên trang cá nhân được nhiều người đồng cảm. Thu Lý kể rằng: “Thi thoảng Đậu Đậu hay hỏi chuyện về một gia đình hoàn hảo, có đủ mấy ông bà và bố mẹ (hai mẹ con Đậu Đậu ở riêng). Mình hay hỏi con "con có buồn không" để đo tâm lý bạn ấy. Bạn ấy cũng luôn đưa ra câu trả lời là "không"”.

Mẹ con Đậu Đậu luôn có những hạnh phúc và niềm vui thật sự

Đến khi Thu Lý nói chuyện và được một người anh cho lời khuyên: "Em hãy học ông bố trong bộ phim Life is beautiful, luôn luôn lạc quan và yêu cuộc sống hiện tại của mình. Hãy giúp con mình sống như đang tham gia vào trò chơi của hai mẹ con. Em có nhớ, trong phim ấy, khi đứa con muốn bỏ cuộc, ông bố đã nói, con hãy đi đi, bố vẫn chơi tiếp? Hãy đừng hỏi con có buồn không vì như vậy sẽ làm nó tự dưng nghĩ đến nỗi buồn. Hãy cho con thấy, mẹ con mình như này đang tốt lắm rồi, đang vui lắm, mình phải chơi trò chơi của mình, phải tận hưởng những thứ xung quanh mình...”.

“Vậy là, mình nhận ra rằng, bấy lâu nay, mình hơi sai ở khoản đấy. Mình hay mang việc về nhà làm. Mình hay u uất với những suy nghĩ riêng tư…. Thật ra, mình phải nắm lấy tay cái Đậu Đậu, chơi trò chơi của hai mẹ con, yêu cuộc sống này và làm con mình thấy luôn vui vẻ, hạnh phúc. Và hơn hết, con mình luôn luôn phải là tất cả của mình”, Thu Lý chia sẻ. Và khi cô biết gạt những nỗi buồn sang bên, biết tạo niềm vui cho mình và cho con, thì hai mẹ con đã có những hạnh phúc, niềm vui thật sự.

Bạn Lan: không nên tiếp xúc với con khi đang giận dữ...

Bạn Lan (Khâm Thiên, Hà Nội) cho rằng: “Trong cuộc sống tránh sao khỏi những lúc tức giận, bức bối, nhưng để tránh ảnh hưởng sang con bố mẹ phải biết “giấu” nó đi. Tốt nhất những lúc cao trào, không thể gạt bỏ được thì không nên tiếp xúc với con. Bản thân tôi đã nhiều lần phải nhờ chồng hoặc hàng xóm trông con, còn mình thì phi ra đường xả stress. Có thể là ăn uống, đi chơi … để nạp thêm năng lượng, thậm chí có khi vào nhà vệ sinh ngồi cả tiếng đồng hồ để suy nghĩ và tĩnh lại. Khi nào cảm thấy đã kiểm soát được mình, có thể cười với con thì mới ra”.

“Thay vì kêu ca với con về những vất vả khó khăn trong cuộc sống, bố mẹ nên biết dìm sâu chúng xuống bởi chúng chỉ khiến bọn trẻ suy nghĩ tiêu cực như chính bố mẹ mà thôi. Muốn con vui vẻ, yêu đời thì bố mẹ phải lạc quan, mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho con”, anh Nguyễn Giang (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Bạn đang dạy con theo cách nào? Hãy chia sẻ quan điểm và giải pháp của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ email tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

Vân Khánh/VietNamnet


Bình luận