"Nếu không có kỷ luật thì đừng nói đến giáo dục!"

Rất nhiều độc giả cho rằng việc không cho các em học sinh vào phòng thi vì mặc quần đùi, quần sooc là cần thiết. Bởi nghiêm khắc ngay từ những việc nhỏ nhất sẽ giúp các em hoàn thiện hơn.

Xung quanh chuyện trường THPT Hà Nội - Amsterdam không cho thí sinh vào phòng thi vì mặc quần soóc có rất nhiều ý kiến. 

Trong bài viết Cấm học sinh vào phòng thi vì mặc quần đùi có quá cứng nhắc?, tác giả Dương Thảo cho rằng việc học sinh ăn mặc như vậy rõ ràng là không đúng quy định và không đáng bênh vực nhưng nên chăng trường có thể "châm chước" nhắc nhở chứ đừng khắt khe quá, sợ ảnh hưởng đến tâm lý làm bài thi của các em. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của các độc giả khác cho rằng, việc cấm mặc quần soóc, quần đùi vào phòng thi là đúng và đáng được hoan nghênh. Bởi nghiêm khắc ngay từ những việc nhỏ nhất sẽ giúp các em hoàn thiện hơn.

Độc giả có tên Thủy tỏ ra khá bức xúc: “Không thể chấp nhận được những học sinh vô kỷ luật như thế này nữa. Nhất là các bậc phụ huynh... Ngày thường đến trường cũng phải đúng trang phục chứ nói gì đến cuộc thi tuyển sinh như thế này...”



Học sinh vội vã đi "chạy quần dài" để được vào phòng thi


Có chung quan điểm này, độc giả Nguyễn Hùng Minh cho rằng kỷ luật nghiêm minh chính là biện pháp giáo dục hiệu quả nhất: “Mình nghĩ đã là học sinh thì phải nghiêm chỉnh. Nếu du di lần này thì sẽ có lần sau. Đã đi học thì phải vào kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì đừng nói đến giáo dục.”

Độc giả Trần Thái cũng tỏ ra rất ủng hộ quyết định của trường THPT Hà Nội Amsterdam về việc không cho học sinh vào phòng thi vì mặc quần đùi, quần ngố: “Tôi ủng hộ nhà trường về việc không cho học sinh mặc quần cộc vào thi. Vì nếu lần này bỏ qua được lần sau cũng phải bỏ qua được... Học sinh ngồi trên ghế nhà trường mà không tuân thủ những điều đơn giản như vậy là không chấp nhận được.”

Nhiều độc giả cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường là điều đầu tiên học sinh phải làm nếu muốn theo học ở ngôi trường đó. Độc giả Mạnh Cương khẳng định: “Đã là nội quy thì phải thực hiện công bằng không thể vì chuyện này chuyện kia mà cho là cứng nhắc, nhẹ tay trở thành thói quen.”

Cũng có một số phụ huynh học sinh cho rằng vì thời tiết quá nóng nên các em mặc “mát mẻ” như vậy cũng có thể thông cảm được. Tuy nhiên, độc giả Nguyễn Hữu Hoàng lại cho rằng: “Là nơi giáo dục con người từ cái ăn, cái mặc thì phải ăn mặc cho gọn gàng, trang trọng và lịch sự, không phải vì thời tiết mà thích mặc gì thì mặc là không được. Các bố, mẹ cũng nên nhắc nhở con cái. Phải quy định trang phục là đúng. Ủng hộ 100%.”

Nói về nguyên nhân của việc học sinh vẫn mặc quần đùi, quần ngố đến trường, nhiều độc giả cho rằng một phần lỗi cơ bản là do phụ huynh học sinh.


Một thí sinh nữ vội vã nhận quần dài từ phụ huynh để được vào phòng thi


Độc giả Vũ Thu cho rằng, lỗi một phần cũng do ý thức của phụ huynh học sinh: “Các học sinh đã được thông báo nội quy thi trong đó có nhắc nhở về trang phục vào ngày 10/6 rồi mà vẫn vi phạm thì đáng trách quá. Còn đợi phụ huynh nhắc nhở thì nói thật nhiều ông bố đi họp cho con còn mặc quần ngố nữa mà.”

Rõ ràng, việc nghiêm khắc ngay từ những việc nhỏ nhất sẽ giúp học sinh không mắc những sai lầm lớn hơn. Nếu các bậc phụ huynh cũng thực hiện việc dạy dỗ con em mình một cách nghiêm khắc từ những việc nhỏ nhất như vậy, chắc chắn con em họ sẽ trở thành những con người có tính kỷ luật và có nhận thức tốt trong tương lai.

Không ít độc giả lại khẳng định, đây là bài học giáo dục kỹ năng sống nhớ đời cho học sinh. Chắc chắn các em phải đi “chạy quần” để được vào phòng thi sẽ không bao giờ mắc phải những sai lầm về việc lựa chọn trang phục như vậy nữa.

Minh Hiền/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.