Nghề nghiệp: Cần định hướng sớm và đúng

Nếu cánh cửa đại học không mở ra với bạn thì đừng vội bi quan, bạn vẫn có thể lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với mình.

“Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công”, đúng vậy, nếu cánh cửa đại học không mở ra với bạn thì đừng vội bi quan, bạn vẫn có thể lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với mình.  Tuy nhiên, không học ĐH thì chọn nghề gì cho phù hợp lại là điều khiến nhiều bạn trẻ và phụ huynh lúng túng.

Mời tham khảo các bài đã đăng trong tuyến bài: Đại học không phải cánh cửa duy nhất để vào đời.

>> Những người "nổi tiếng" ở Việt Nam không có bằng đại học

>> “Học một đường, làm một nẻo”: Chọn sai nghề hay cơ hội khác cho bản thân?

>> Bỏ thi đại học để thành... Tổng giám đốc

>> Nên học đại học hay học... đại

>> Đại học: Đâu phải là tất cả

>> Cựu sinh viên trường Kinh tế khởi nghiệp từ gánh bún rong

Học gì thì cũng phải chọn nghề cho “đúng”

Chúng ta thường bàn chuyện học ĐH hay học nghề, nhưng thực tế học ĐH thì cũng để làm một nghề nào đó, chỉ khác ở hình thức lao động: lao động chân tay và lao động trí óc. Vậy nên chọn học nghề hay học ĐH, chúng ta cũng cần có sự định hướng nghề nghiệp đúng đắn và phù hợp trước khi lựa chọn.

Có bạn vì tâm lý nặng mác ĐH nên cho dù biết mình học trường đó, ngành đó không đúng sở thích nhưng vẫn cứ theo, cốt là được học ĐH và cuối cùng phải hối hận.

Em Chu Tiến Minh (Khâm Thiên, Hà Nội) là một ví dụ. Minh từng là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng bỏ ngang giữa chừng và rơi vào khủng hoảng vì không thể cố theo một nghề mà mình thiếu đam mê. Theo lời chị gái của Minh, cũng tại bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào Minh và em được gia đình bao bọc nhiều đến mức thụ động. Năm 2011, Minh thích và chọn thi ngành CNTT của ĐH Bách Khoa nhưng không đỗ, chỉ đủ điểm vào khoa Công nghệ hóa dệt. Khi đó, nghĩ vào được ĐH là tốt rồi và sợ năm sau thi lại cũng không đỗ nên em cố theo học. Vì chương trình học của ĐH Bách Khoa khá nặng, lại theo học ngành không yêu thích nên Minh chán nản, học hành sa sút. Đến năm thứ 3 ĐH tình trạng cũng không khá hơn, Minh nợ môn, bỏ học nhiều, bất mãn, thậm chí đã bỏ nhà đi một thời gian… Sau một thời gian dài bỏ học, hiện Minh đã tĩnh tâm lại và dự định sẽ đăng ký học Công nghệ thông tin, Cao đẳng Bách Khoa để được học đúng với sở thích của mình.

Em Chu Tiến Minh từng bị khủng hoảng vì cố học ĐH với chuyên ngành không hề yêu thích

Một số trường hợp khác, mặc dù học đúng ngành nghề mình ưa thích nhưng không có khả năng xin việc nên cũng phải bỏ ngang. Em Nguyễn Minh Tâm (Hưng Yên), chọn thi Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, sau đó học liên thông lên ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Tuy nhiên, ra trường một thời gian dài em vẫn không thể xin được việc làm. “Em chọn sư phạm vì yêu thích nghề giáo nhưng không ngờ xin việc khó quá lại tốn kém. Có một thời gian em đi làm trái nghề trên Hà Nội nhưng vì nhiều lý do nên công việc bị gián đoạn. Hiện tại, em đã lập gia đình, sinh con ở quê và đang chuẩn bị để chuyển hướng sang kinh doanh”, Tâm chia sẻ.


Bạn Nguyễn Minh Tâm cho biết khi ổn định kinh doanh sẽ mở lớp dạy kèm trẻ ở nhà để đỡ nhớ nghề

Em Hoàng Minh Phượng lượng sức mình khó có thể đỗ Đại học nên đã đăng ký học nghề sửa chữa điện tại trường Cao đẳng thương mại. “Ra trường em xin vào làm nhân viên kỹ thuật trong một công ty dệt may nhưng em không thấy hợp, lúc nào cũng máy móc rất bí bách mà lương lại thấp quá nên em chán và bỏ việc. Sau đó, em cũng thử vài việc khác nhưng đều không trụ được, cuối cùng, em quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Công việc hiện nay của em là nhân viên kỹ thuật chuyên ghép đá tự nhiên lên tường trong các công trình xây dựng. Công việc không quá vất vả, ổn định, thu nhập cũng được nên em thấy khá thoải mái và hài lòng", Phượng tâm sự.


Em Hoàng Minh Phương đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan

Như vậy, có thể thấy, kể cả đủ khả năng đỗ đại học hay học kém phải đi học nghề thì việc định hướng nghề nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Việc định hướng ở đây bao gồm cả niềm đam mê, sự yêu thích, khả năng (sức khỏe, kỹ năng) đáp ứng công việc, khả năng học việc, khả năng xin việc….

Ngày nay, các trường đại học, cao đẳng và cả trường nghề được mở ra rất nhiều. Nếu muốn đi học thì sẽ rất dễ dàng, tuy nhiên, đừng chọn đại mà hãy cân nhắc thật kỹ các khả năng đầu vào, đầu ra và khả năng theo đuổi nghề trong tương lai trước khi quyết định.

Cần chuẩn bị tâm lý, định hướng nghề nghiệp sớm

Theo anh Nguyễn Đình Tuấn Phong (Giảng viên trường ĐH Điện lực): “Hiện tại, đa số các phụ huynh đã cho con cái chủ động trong việc chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn chọn sai trường, sai nghề chủ yếu là do các bạn chưa tìm hiểu đủ thông tin và thiếu một số kỹ năng lựa chọn nhất định. Thường các em chọn theo trào lưu, xu hướng của bạn bè và theo định hướng của người khác.

Rất nhiều em bỡ ngỡ thậm chí bị sốc vì sự khác nhau giữa môi trường PTTH và Đại học, rồi cũng nghĩ rằng mình chọn sai trường. Lời khuyên của tôi là trước khi chọn trường, nghề các em nên tìm hiểu thật kỹ thông tin. Cách tốt nhất là thông qua các cựu sinh viên của trường đó để có thể hình dung rõ hơn về ngôi trường và công việc của họ. Hầu hết các trường ĐH bây giờ đều có thông tin của các hội cựu sinh viên thế này. 

Việc lựa chọn nghề phải xuất phát từ niềm yêu thích, đặc tính của bản thân trong lĩnh vực học của mình: Ví dụ trong tự nhiên, nếu bạn có thiên hướng về toán, logic tính tình năng động có thể hợp với những trường kinh tế, nhưng nếu trầm tính, tỉ mẩn thì có thể học về nghiên cứu…

Để tránh chọn sai nghề, các bậc phụ huynh nên định hướng nghề nghiệp cho con em sớm, khi con hết lớp 9 đã có thể nghĩ tới chuyện con mình sẽ phù hợp với lĩnh vực gì. Trong giai đoạn lớp 11, 12 đặc biệt là 11 cần phải có hướng cụ thể về trường, nghề định theo đuổi...".

Cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm

Phát biểu trên báo Kinh tế và đô thị, Bà Nguyễn Thu Huyền - giáo viên trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng: “Thực tế, sự định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) còn rất hạn chế, có chăng chỉ với quy mô nhỏ, chưa có tính phổ biến, chuyên môn hóa cao... Để giảm thiểu nạn thất nghiệp và hiện tượng làm trái ngành, trái nghề hiện nay, theo tôi, cần xây dựng các giải pháp tức thời: Tăng cường cho HS được đi thực tế, tham quan các nông trường, nông trại, định hướng nghề nghiệp ở buổi sinh hoạt lớp, trường. Để HS có được lựa chọn nghề đúng đắn, cần đưa sinh hoạt ngoại khóa như một môn bắt buộc trong nhà trường (HS được tăng cường thảo luận, hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp). Định hướng nghề không chỉ chờ tới bậc THPT mới làm, mà cần có hoạt động thực tế từ cấp THCS, thậm chí có thể định hướng cho các em ngay từ cuối cấp tiểu học…”.

Tóm lại, dù học đại học hay không, chúng ta vẫn có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mình và quyết tâm theo đuổi tới cùng. Thành công sẽ tới với những ai có ý chí, nỗ lực và quyết tâm.

V.K/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.