Những bí quyết "vàng" giúp bạn trở thành bà mẹ thông thái

Nhiều năm gần đây, những khóa học, diễn đàn về chủ đề “Cha mẹ thông thái” ngày càng thu hút đông đảo các bà mẹ tham gia. Vậy một người mẹ thông thái là gì, bạn có tự tin mình là một người mẹ thông thái?

Nhiều năm gần đây, những khóa học, diễn đàn về chủ đề “Cha mẹ thông thái” ngày càng thu hút đông đảo các bà mẹ tham gia. Vậy một người mẹ thông thái là gì, bạn có tự tin mình là một người mẹ thông thái?

Elizabeth Cady Stanton – nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ - đã từng có một câu nói rất nổi tiếng đại ý rằng: Làm mẹ là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý. Đó là nghề đòi hỏi nhiều tri thức nhất trong lĩnh vực khoa học nhân bản. Đó cũng là món quà thiêng liêng nhất mà Tạo Hóa ban tặng cho người phụ nữ. Ai đã từng làm mẹ mới càng thấm thía câu nói này.

Trong xã hội hiện đại, làm mẹ theo bản năng thôi chưa đủ, người phụ nữ hiện đại còn cần hướng tới là một người mẹ thông thái bởi chính họ, với vai trò làm mẹ của mình, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, tâm hồn, thể trạng của con thơ.

Mẹ thông thái – Là chuyên gia dinh dưỡng của con

Ngay từ khi em bé lọt lòng, người mẹ đã chính thức trở thành chuyên gia dinh dưỡng của con với những dòng sữa ngọt ngào đầu tiên. Có thể vụng về, có thể bỡ ngỡ, nhưng với bản năng tuyệt vời của một người mẹ, bạn sẽ tự biết cách cho bé bú và bé cũng sẽ tự biết cách tìm đến nguồn sống của mình. Trong thời gian cho bé bú, bạn cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ 2L nước mỗi ngày, ăn nhiều hoa quả để nguồn sữa luôn dồi dào và đủ chất.

Khi đến thời kỳ ăn dặm, chuyên gia dinh dưỡng – chính là bạn – cũng cần học hỏi rất nhiều từ sách báo hoặc người thân để có chế độ ăn hợp lý cho con theo từng giai đoạn, từng độ tuổi. Thức ăn cho bé nên phong phú đa dạng, để tránh làm bé nhàm chán mà trở nên biếng ăn. Không nên dọa nạt hay ép bé ăn khi bé không thực sự muốn. Bạn cần lắng nghe con, thấu hiểu sở thích ăn uống của con để điều chỉnh sao cho bữa ăn của con được vui vẻ và mẹ được thoải mái tinh thần.

Đối với trẻ lớn hơn, con sẽ cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn cho mọi hoạt động như học tập, vui chơi khám phá. Do đó, mẹ thông thái cũng cần phải tìm hiểu chế độ ăn hợp lý, thêm nhiều bữa ăn phụ bổ sung để giúp trẻ có được năng lượng dồi dào cho cả ngày năng động.

Mẹ thông thái – Là bác sĩ đa khoa của con

Không nỗi lo lắng nào sánh bằng nỗi lo của người mẹ khi con mình bị bệnh, nhất là đối với những người làm mẹ lần đầu. Nhưng từ những lo lắng ban đầu đó, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức về y khoa, về những căn bệnh thường gặp của trẻ em và cách xử lý chúng ra sao. Bạn cần học cách quan sát để biết được những dấu hiệu của bệnh để từ đó bình tĩnh xử lý, chứ không nên quá lo lắng đến mất ăn mất ngủ hoặc đưa ngay con đến bệnh viện hay cơ sở y tế vì rất có thể bệnh của con đang từ nhẹ lại thành nặng hơn hoặc con có thể bị mắc bệnh khác do lây nhiễm chéo. Trường hợp đã có những dấu hiệu nặng của bệnh, cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để khám và có phương pháp điều trị thích hợp.

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”! Luôn luôn vệ sinh sạch sẽ cho con, mặc quần áo cho con phù hợp với thời tiết, sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách, tăng cường khả năng miễn dịch cho con, không nên giữ con trong phòng kín quá lâu dễ là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh sinh sôi… Như vậy mới thực sự là một bác sĩ đa khoa của con!


Mẹ thông thái – Là người xây dựng sự tự tin năng động cho con

Con khỏe mạnh thông minh, tâm hồn phong phú yêu thiên nhiên yêu con người, nhưng rụt rè nhút nhát trước đám đông, không tự tin đưa ra ý kiến của mình hoặc phản biện ý kiến của người khác thì liệu bà mẹ thông thái đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa? Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng nối vòng tay rộng lớn khắp năm châu, liệu bạn có muốn con mình lúc nào cũng núp sau lưng mẹ, không dám làm quen với bạn mới, không dám tự tin thể hiện con người mình? Chắc chắn là không rồi! Vậy làm thế nào để dạy con tự tin?

Dạy con suy nghĩ tích cực

Một trong những lỗi lầm phổ biến nhất của các ông bố bà mẹ là luôn mắng con hư mỗi lần con làm việc xấu, thậm chí có nhiều người còn dùng những từ ngữ rất nặng nề để mắng nhiếc con như “Đồ vô ơn!”, “Sao mẹ lại đẻ ra một đứa con bất hiếu như con nhỉ?” hay “Mẹ chưa thấy đứa nào hư đốn như con!”… Và như vậy, bạn đã găm vào đầu con trẻ những từ ngữ đó, khiến cho nhận thức non nớt của con vô hình chung đã tự nhận những tính cách đó về mình. Một đứa trẻ luôn nghĩ mình là hư đốn, là vô ơn, là bất hiếu… thì rất khó có thể trở thành một con người tự tin được! Con có hành vi xấu hoặc sai trái không có nghĩa là bản chất con như vậy. Người mẹ thông thái cần phân biệt được điều đó để có cách xử lý đúng hơn. Dùng động từ để nói về hành vi không đúng của con thay vì dùng tính từ để gán cho con một tính cách xấu nào đó. Hãy nói “Mẹ rất lo vì dạo này con hay ngủ quên đến 30 phút rồi cuống cuồng đi học muộn. Có việc gì xảy ra với con thế?” thay vì “Đồ lười biếng, ăn trưa ngủ trướng! Chỉ tổ nuôi tốn cơm tốn gạo!”

Đồng thời, bạn cần giải thích rõ vì sao hành động đó của con là sai và hành động đó sẽ dẫn đến hậu quả gì, để con nhìn nhận được sự việc và rút kinh nghiệm không lặp lại hành động đó nữa. Nếu không giải thích mà chỉ mắng mỏ và phạt con thì trẻ sẽ không thấy được lỗi của mình và tiếp tục mắc những lỗi đó về sau.

Bên cạnh đó, khi con có những hành động tốt, bạn không nên quên động viên con, khuyến khích con, khen ngợi con, công nhận những cố gắng nỗ lực của con. Trẻ sẽ rất vui khi nghe thấy những điều đó và lấy đó làm động lực về sau. Con sẽ tự tin làm những việc mà con đã từng được mẹ khen, sẽ chia sẻ với bạn bè mình về những việc tốt đó. Như vậy, mức độ tự tin sẽ được lan truyền. Một thế hệ trẻ tự tin sẽ giúp đất nước phát triển hơn!

Dạy con tính tự lập

Ngoài việc dạy con luôn suy nghĩ tích cực, bạn cần rèn luyện cho con tính tự lập để giúp con tự tin hơn. Hãy cho con “Thử và sai”, hãy cho con tự tay làm thì con mới biết sai ở đâu và phải làm như thế nào cho đúng. Như vậy con sẽ hình thành cho mình suy nghĩ tích cực: “Không thử thì làm sao biết là đúng hay sai và sai vẫn có thể sửa lại được!” và con sẽ thấy rằng việc thất bại là rất bình thường, không phải lo lắng hay tức giận. Trẻ sẽ học được rằng muốn thành công phải trải qua những khó khăn, thử thách chứ không phải thành công bằng việc bố mẹ cố gắng loại bỏ những khó khăn cho con. Điều quan trọng là bạn hãy nên giữ im lặng và đừng can thiệp quá sâu vào vấn đề mà trẻ đang tìm cách tự giải quyết. Hãy là người bạn, người đồng hành cùng con chứ không nên là người chỉ huy con hay “cung phụng” con quá mức.

Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa

Trẻ sẽ không thể tự tin nếu không được ở trong môi trường thuận lợi để thể hiện tính tự tin của mình. Con cần được tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiếp xúc với nhiều người, nhiều sự vật sự việc. Điều đó sẽ giúp con mạnh dạn hơn, năng động hơn, hòa nhập hơn và tự tin giao tiếp, thể hiện mình hơn. Hãy cho con đóng kịch, hãy cho con chơi thể thao, hãy cho con làm MC, hãy cho con chơi các trò chơi tập thể,… Con sẽ học được rất nhiều điều từ những hoạt động đó.

Nhưng trước hết, khi ở nhà, cha mẹ phải là những người đầu tiên tạo môi trường, niềm tin, trò chuyện, khơi gợi cho con biết nói ra những điều mình muốn, những suy nghĩ của mình muốn cho người khác hiểu. Cha mẹ phải thường xuyên cho con đọc thơ, kể chuyện và con tóm tắt lại câu chuyện, tự đặt những câu hỏi cho bố mẹ, tự rút ra bài học sau mỗi câu chuyện… Hoạt động này sẽ rèn cho trẻ cách đặt và giải quyết vấn đề, tò mò và khám phá những điều mình chưa hiểu. Như vậy khi học trên lớp con cũng tự tin khi đặt câu hỏi, trả lời trên lớp mà không sợ sai.

Cùng con nuôi dưỡng ước mơ

Người lớn hay trẻ nhỏ, ai cũng vậy thôi, sẽ thật thoải mái tự tin khi được làm việc mình thích, được sống với đam mê của mình. Bạn muốn con bạn trở thành giáo viên, bác sĩ, nhưng con lại ước mơ được chơi guitar trong một ban nhạc rock nổi tiếng. Đừng nên vội vàng ngăn chặn hay cấm đoán, hãy cùng con nuôi dưỡng ước mơ đó. Vì không ai có thể mơ giấc mơ của người khác! Có thể bạn lo sợ ước mơ đó chỉ là nhất thời non trẻ, rằng con sẽ không có tương lai tốt đẹp sáng sủa gì. Nhưng hãy nên nhớ, bạn đã tạo cho con môi trường “Thử và Sai” thì hãy để cho con làm điều đó một cách thoải mái nhất. Trên con đường chinh phục ước mơ của mình, con sẽ biết được đó có phải là ước mơ mà con nên theo đuổi hay không, rằng ước mơ của con đã đủ lớn để con có thể đánh đổi hay chưa. Có như vậy, trẻ mới trở thành một con người tự tin, dám làm dám sai, dám chịu trách nhiệm và dám sống với ước mơ của mình!

Chúc bạn luôn là bà mẹ thông thái nhất trong mắt con yêu!

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.