Những chiến thuật rèn luyện trẻ bố mẹ không nên bỏ qua

Đưa ra hình thức rèn luyện trẻ không phải là một phần hay ho trong công việc làm cha mẹ, nhưng nó giúp tạo nền tảng cho các "công dân hạnh phúc"

Khi thiên thần nhỏ của bạn nhoẻn miệng cười toe toét hoặc dang tay ôm lấy bạn, bạn sẽ dễ dàng tha thứ cho dù bé có phạm hàng tá lỗi trong ngày. Trên thực tế việc phá vỡ các quy tắc và xem làm thế nào để có thể “qua mặt” bạn là một phần trong những bài học hay "công việc" của bé. Còn việc của bạn là gì? Đó là đóng vai trò của một nhà tạo lập các quy tắc, vạch giới hạn, chuyên gia giải thích cho mọi vấn đề đúng hay sai.

Rõ ràng việc đưa ra hình thức rèn luyện không phải là một phần hay ho trong công việc làm cha mẹ, nhưng nó sẽ giúp xây dựng nền tảng cho các "công dân hạnh phúc". Dù là việc bé đang đánh bạn thân của bé hay mè nheo ầm ĩ tại trung tâm mua sắm thì ít ra một trong các chiến thuật rèn luyện sau cũng có tác dụng.

Nhất quán là trên hết

Không cứ ở lứa tuổi nào, trẻ rất cứng đầu khi bị đặt trong khuôn khổ, nhưng chúng lại tìm thấy sự thoải mái trong các ranh giới rõ ràng. Quy định của bạn không nhất thiết phải “cứng như đá” nhưng chúng cơ bản phải nhất quán ngày này qua ngày khác. Ví dụ, nếu hôm qua bạn đã lấy đi bộ bút màu khi cô con gái bắt đầu bẻ vụn chúng thì ngày mai cũng hãy để chúng biến mất khi cô bé chuẩn bị vẽ lại....

Khi trẻ không biết chính xác những gì sẽ xảy ra hoặc điều chúng mong đợi thì các quy tắc ít có nhiều ý nghĩa và dễ tan biến. Nhưng khi trẻ biết rõ về hậu quả nếu chúng lựa chọn làm việc x, y, z thì lần sau chắc chắn chúng sẽ chọn phương án a, b, c khác, và bạn cũng cần đảm bảo rằng chúng sẽ nhận được kết quả tốt đẹp hơn.

Hãy phớt lờ trẻ

Khi những đứa trẻ muốn gây sự chú ý (đòi kẹo hay thứ đồ chơi gì đó...), chúng có thể làm đủ trò để có được. Tín hiệu chúng đưa ra thường là sự mè nheo và khi ấy bạn đừng nhượng bộ. Hãy giữ yên lặng, không để tâm đến hành động đó và phớt lờ bé, nhưng cũng phải đảm bảo là bé không làm gì tổn thương chính mình.

Làm như vậy có thể khiến bạn thấy cảm thương nhưng chiến lược kỷ luật đó sẽ cho trẻ thấy một thông điệp rõ ràng rằng, hành vi này của trẻ là không chấp nhận được và quan trọng hơn là hành vi đó sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn của trẻ.

Khen ngợi trẻ

Không có liều thuốc tiên nào hiệu quả hơn việc khen ngợi để tạo động lực cho một người nào đó dù ít hay nhiều. Khi bạn thấy “cục cưng” của mình tự động dọn đồ chơi mà không cần bạn yêu cầu nhiều lần, hãy tỏ ra thật ngạc nhiên với việc tốt này của bé. Bé sẽ cảm thấy mình được quan tâm và hãnh diện với việc mình đã làm. Đây cũng là bước quan trọng đầu tiên để bé có tính tự giác, tự lập.

Tuy nhiên bạn cần nhớ: Đừng quá lạm dụng lời khen ngợi, đặc biệt là với những việc không cần quá nhiều nỗ lực để hoàn thành. Cùng với quá trình trưởng thành của trẻ, bạn cũng cần nâng dần những tiêu chuẩn về hành động của trẻ để làm căn cứ khen ngợi.

Đánh lạc hướng trẻ

Bạn có thể nghĩ chiến thuật này chỉ thực sự phù hợp với em bé sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nhưng thực tế nó vẫn hiệu quả với trẻ lớn hoặc trẻ sắp đến trường.

Ngay khi bạn nhận ra dấu hiệu trẻ sắp mè nheo (rên rỉ, than vãn, nước mắt cá sấu), hãy lập tức chuyển chủ đề một cách đầy hứng khởi: “Này con! Có phải ngày mai các anh chị họ của con sẽ đến nhà mình chơi không nhỉ?” hay “Mẹ quên khuấy đi mất, mẹ cho con xem cái này hay lắm... nhanh lên”. Việc làm bất ngờ của bạn sẽ giúp kéo trẻ ra khỏi vòng xoáy cáu kỉnh.

Sức mạnh của hậu quả tự nhiên

Ngoài trời đang rất lạnh, nhưng con bạn không chịu mặc chiếc áo khoác ấm trước khi bạn dẫn bé ra ngoài. Lúc đó, bạn có thể yêu cầu, nài nỉ, đe dọa, hối lộ, thậm chí mắng mỏ để buộc bé phải mặc nó hoặc chịu thua bé.

Sẽ không mất quá nhiều thời gian để cho bé thấy hậu quả trong quyết định của mình. Hai phút trong thời tiết giá buốt có thể sẽ làm cho bé phải quay lại vào nhà ngay lập tức và mặc áo vào. Nếu bạn không làm như vậy, bé có thể vẫn tiếp tục từ chối mặc áo trong các lần sau.

Cho bé một cơ hội làm đúng

Khi bạn nhận thấy bé đang làm điều gì không ổn, hãy cho bé cơ hội làm điều khác đúng đắn hơn. Ví dụ khi bé đang nhảy nhót trên giường, bạn có thể nói “Không nên nhảy trên giường và ghế, con có thể nhảy trên sàn nhà”.

Vài phút sau bạn vào và vẫn thấy bé đang nhảy nhót trên giường, đó là lúc bạn nên cảnh báo: “Nếu con tiếp tục nhảy trên giường thì ...[đưa ra một hậu quả/hình phạt thích hợp]”. Có thể là bé sẽ không được xem tivi hoặc chơi đồ chơi yêu thích của mình trong 1 hoặc 2 giờ…

Lưu ý, dù là bất cứ điều gì đã nói ra, bạn hãy chắc chắn thực hiện (hậu quả bé phải chịu). Nếu trẻ em nhận được quá nhiều cơ hội để làm đúng, chúng sẽ nghĩ rằng chúng không bao giờ thực sự phải thay đổi.

Đưa ra một vài lựa chọn

Đây là cách thông minh để hướng trẻ làm điều bạn muốn khi cho bé thấy thỏa mãn với quyết định của mình. Bí quyết của việc này là bạn xác định trước những gì sẽ xảy ra cuối cùng rồi cho bé chọn cách thực hiện.

Chẳng hạn đến giờ mặc quần áo đi học: Đưa ra 2 bộ trang phục phù hợp và để cho bé chọn bộ quần áo mà bé thích. Sau đó hỏi bé xem bé muốn mặc bộ quần áo đó với tốc độ vừa phải hay mặc siêu nhanh. Bé sẽ mặc quần áo với thời gian nhanh kỷ lục và cả hai sẽ rất vui vẻ. Sau khi ra ngoài, bạn có thể nói chuyện thêm về “chiến thắng” đó giúp bé phấn khích hơn.

 Mời bố mẹ chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của mình. Mọi thông tin vui lòng xin gửi về địa chỉ mail Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc viết bình luận ở bên dưới. Xin trân trọng cảm ơn!

Vân Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.