Con hơn 1 tuổi đã cho học chữ để mong thành ‘thiên tài’

Cuộc chạy đua ngấm ngầm nhưng rất khốc liệt của nhiều bà mẹ với đủ các phương pháp giáo dục sớm chỉ để mong con trở thành thiên tài khi có thể nhận biết mặt chữ từ 2 tuổi, biết đọc từ lúc lên 3.

Cuộc chạy đua ngấm ngầm nhưng rất khốc liệt của nhiều bà mẹ với đủ các phương pháp giáo dục sớm chỉ để mong con trở thành thiên tài khi có thể nhận biết mặt chữ từ 2 tuổi, biết đọc từ lúc lên 3.
giaoduc-som2.jpg
Nhiều cha mẹ đua nhau dạy chữ cho con khi con vài tháng tuổi. Ảnh minh họa.

Con mới hơn 1 tuổi nhưng tối nào chị Phan Minh Thủy (Thanh Nhàn, Hà Nội) cũng dạy con học thông qua bộ thẻ. Chị cho biết, xem quảng cáo bộ chữ và đếm cho trẻ với các video trẻ mới 4 tháng có thể phân biệt chữ, số; 12 tháng biết đọc nên chị vô cùng thích. Chị Thủy kể, hai vợ chồng chị cùng giỏi, đứa con là sự kỳ vọng rất lớn của gia đình nội ngoại nên chị quyết phải biến con thành “thần đồng”.

Con vừa 3 tuổi, chị Kim Khánh (Pháp Vân, Hà Nội) đã cho con đi học tiếng Anh với hy vọng sau vài năm con sẽ nói tiếng Anh như người bản xứ. Trung tâm tiếng Anh cách nhà gần chục cây số nhưng dù trời mưa hay rét, cậu bé 3 tuổi vẫn phải đi học đầy đủ. Theo Kim Khánh, chị đã vô cùng thấm thía với việc kém ngoại ngữ của mình và mất nhiều cơ hội trong công việc, thế nên, dù có vất vả thế nào, chị cũng phải biến con thành “đứa trẻ Tây”.

Một bà mẹ khác lại cuống cuồng dạy con khi thấy đứa con 18 tháng tuổi của vợ chồng anh trai biết nhận mặt số từ 1 đến 10, còn con chị thì chỉ đọc duy nhất được số 1. Chị cho biết, nếu cần, sẽ thuê giáo viên về dạy, không thể để con mình kém hơn con nhà khác vì sẽ bị nhà chồng “quy vào tội” “không biết dạy con”.

Chính những mong muốn của cha mẹ vô tình đã khoác lên người con một “gánh nặng” không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, giáo dục trẻ là quá trình chứ không phải là cuộc đua. Việc các trang mạng quảng cáo “Chờ con lớn thì đã muộn, mẹ hãy cùng bé học theo phương pháp giáo dục sớm ngay từ hôm nay” đã đánh trúng tâm lý lo lắng của các bà mẹ. Từ lo lắng đó, họ ép con học, tự ức chế bản thân.

giaoduc-som.jpg
Nhiều đứa trẻ mười mấy tháng tuổi đang khám phá xung quanh để tìm cách sống đã bị ép học đếm, học chữ. Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, trẻ em không phải là cái máy thu phát. Học tập là một quá trình rất dài. Kết quả học tập chỉ đánh dấu một chặng đường học tập mà một người nào đó đang trải qua. Hơn nữa, con người học tập rất nhiều, từ những bài toán, bài văn cho đến những kỹ năng cuộc sống, từ thái độ cư xử hàng ngày cho đến cách xử lý các vấn đề không may mắn mà mình gặp phải trên đường đời.

Kiến thức, kỹ năng, thái độ cư xử, tính cách, kinh nghiệm, tầm nhìn là những thứ tạo nên một con người. Để có được tất cả những thứ đó, con người phải học liên tục.

Đứa trẻ mười mấy tháng đang khám phá xung quanh để tìm cách sống còn, sống tốt đã bị ép học đếm học chữ, như thế có phải là quá vội vàng hay không?

Hơn nữa, trí nhớ dài hạn của trẻ rất kém. Đứa trẻ 3-4 tuổi học đếm từ 1 đến 5 mà còn quên, thế nên, đứa trẻ vài tháng tuổi rất khó để nhớ. Với trí nhớ kém như vậy, việc dạy chữ trước (dạy theo kiểu học vẹt) đứa trẻ có nhớ đủ đến lớn để xài không?

Tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyên các mẹ cần bình tĩnh trong việc dạy con: Bọn trẻ cần lớn từ từ. Bọn trẻ cần được yêu thương, trân trọng dù con có giỏi như siêu nhân hay chỉ là đứa trẻ bình thường, không có tố chất gì đặc biệt. Các mẹ cần quên hết những nhận xét của người xung quanh và chỉ tập trung vào yêu thương con mình.

Theo Phụ nữ Việt Nam


kỹ năng dạy con

Giáo dục

cách chăm sóc con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.