Phải làm gì khi con tuyên bố… chết?

Người mẹ chết lặng khi thấy con lôi từ ngăn kéo ra con dao và thư tuyệt mệnh đặt lên bàn rồi tuyên bố: “Chết đi để không còn bị kìm kẹp bởi những đòn roi".

Người mẹ chết lặng khi thấy con lôi từ ngăn kéo ra con dao và thư tuyệt mệnh đặt lên bàn rồi tuyên bố: “Chết đi để không còn bị kìm kẹp bởi những đòn roi".

Nổi loạn

TS Vũ Thu Hương - giảng viên Đại học Sư phạm cho rằng, trẻ “dở ông, dở thằng” với những biểu hiện “bùng nổ” ở lứa tuổi từ 11 - 15. Nếu như ở con gái thường là âm thầm bực bội thì với con trai sẽ phá phách, tỏ ra “bất trị” hơn rất nhiều.

Giải thích nguyên nhân của sự “bùng nổ” này, TS tâm lý Nguyễn Kim Quý (cố vấn chuyên môn, Văn phòng Tư vấn & Trị liệu tâm lý trẻ em – Hội khoa học tâm lý giáo dục) cho rằng: Ở tuổi dậy thì đối với trẻ nam tâm lý thường mong muốn khẳng định mình qua đó thể hiện mình là ai, mình như thế nào, có thế mạnh gì?

Trẻ thường thể hiện bằng nhiều cách: Em thì chứng tỏ bằng việc học giỏi vượt trội, em thì có tài lẻ hát hay, chơi thể thao giỏi số còn lại (phần lớn) không có những điều này thì chứng tỏ mình bằng sức mạnh như thể hiện ga lăng trước bạn gái, bảo vệ che chở cho bạn trai yếu hơn mình.

“Trẻ muốn độc lập không phụ thuộc vào ai, tự làm mọi thứ. Vì thế nhiều bố mẹ không khỏi ngỡ ngàng bởi chỉ 2 - 3 tháng trước con mình vẫn còn ngoan ngoãn vâng lời thì nay quay ngoắt 180 độ. Trẻ hoàn toàn muốn tách xa khỏi bố mẹ, không thích đi cùng nghỉ mát với gia đình, thậm chí ra phố mua đồ cho bản thân trẻ”- TS Quý nhấn mạnh.

Đặc điểm tâm lý của trẻ ở lứa tuổi này không ra người lớn những cũng chẳng phải trẻ con, nhưng vẫn thích được mọi người nhìn nhận mình như người lớn. Tuy nhiên, theo TS Quý hầu hết các bậc phụ huynh không hiểu diễn biến tâm lý nên thường cản trở, ép buộc trẻ theo ý mình. Đó chính là nguyên nhân khiến trẻ nam hay cãi, nổi khùng, bỏ nhà đi, thậm chí tử tự.

Trường hợp của Nam (học sinh lớp 9, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ. Trước đây, cậu là một học trò được cô yêu bạn mến, bố mẹ rất tin tưởng vào sự ham học của con. Thế nhưng bắt đầu từ cuối lớp 7, Nam bắt đầu có sự thay đổi lớn trong tâm lý. Bài kiểm tra học kỳ môn Lý, giống như các bạn trong lớp Nam chỉ được điểm trên trung bình, duy chỉ có một bạn học giỏi nhất được 8 điểm.

Khi Nam mang bài kiểm tra về, mặc dù đã giải thích nguyên nhân bài khó, cả lớp điểm cũng không cao nhưng bất biết, một loạt những ngoa ngôn được mẹ Nam trút lên đầu: "Tao cho mày tiền đi học vậy mà chỉ có bài kiểm tra học kỳ cũng không làm được thì chuyên với chọn làm gì? Lúc nào cũng chưa học đã sợ giỏi mất. Chẳng bằng cái đứa con bà bán xôi đầu đường kia".

TS tâm lý Nguyễn Kim Quý.

TS tâm lý Nguyễn Kim Quý.

Chạm vào lòng tự ái, Nam khùng lên. Thấy hai mẹ con to tiếng, bố Nam liền lôi nguyên cây phơi quần áo đánh vào đứa con “mất dạy”. Kể từ đó, Nam không một lần chuyện trò với bố mẹ, đi học về là lẳng lặng đóng cửa phòng, kết quả học ngày càng tụt dốc.

TS Quý kể, bà mẹ ấy đến gặp bà khóc lóc mà rằng: “Tôi đã đánh mất con từ lần ấy. Cháu trở nên lầm lì, ít nói nhưng tỏ thái độ chống đối ra mặt. Cháu kiên quyết không đi học thêm, nếu ép thì lại trốn đi chơi điện tử. Có lần hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau nhưng nó vẫn bất hợp tác, đập vỡ cả đèn học và tuyên bố: Cuộc đời của con con chịu, bố mẹ đừng có can thiệp vào. Nếu không, con sẽ tự tử để bố mẹ được yên.

Những tưởng nó chỉ nói chơi ai dè vừa dứt lời nó liền kéo ngăn kéo, lấy ra một con dao và một bức thư bên ngoài ghi thư tuyệt mệnh rồi đặt lên bàn”.

Giúp trẻ đi qua giai đoạn dậy thì như thế nào?

TS Quý cho rằng giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ hãy tôn trọng trẻ, đáp ứng mong muốn là người lớn của con, coi con như người đàn ông trưởng thành trong gia đình. Có nhiều trẻ thường tỏ ra không nghe lời cha mẹ, luôn phản đối kháng. Trong trường hợp này các bậc cha mẹ không nên la mắng, tức giận đối với trẻ. Vì điều này có thể dẫn đến những hành vi khó kiểm soát, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên xấu đi.

Bạn có thể đưa ra vài cách giải quyết và cùng con chọn cách giải quyết nào hay nhất, hiệu quả nhất. Đây là cách dạy cho chúng hiểu rằng không phải lúc nào mẹ con cũng cãi nhau mà có thể nói chuyện với nhau một cách ôn hòa, thông cảm.

“Nói như thế không có nghĩa là để con phát triển tự do, trái lại cha mẹ cần học cách giám sát con từ xa. Hãy tế nhị để con thấy bạn không còn coi chúng là những đứa trẻ để mọi hoạt động của chúng đều bị quản thúc. Muốn con nghe lời mình, hãy trở thành tấm gương cho con. Mọi áp đặt với trẻ ở giai đoạn này đều phản tác dụng, đừng bao giờ nghĩ trẻ sẽ răm rắp làm khi bố nói “con phải cắt tóc ngắn, không được nhuộm xanh đỏ”, tôi dám chắc trẻ sẽ lập tức để đầu bù, tóc rối.

Tuyệt đối đừng dùng từ “phải” thay vào đó bằng từ “nên” trước mọi hành động lệch chuẩn của con. Trước mỗi tình huống cụ thể, các bậc phụ huynh hãy hỏi “nếu là con sẽ xử lý như thế nào?”- TS Quý nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần phải duy trì thói quen trò chuyện với con. Hãy tận dụng những khoảng thời gian làm việc nhà rủ con cùng làm, giao nhiệm vụ cho con để con cảm thấy có trách nhiệm trong gia đình. Bố mẹ phải luôn luôn lắng nghe những ý kiến và cảm xúc của trẻ. 

“Điều đó giúp bạn hiểu con hơn và có thể tạo dựng được lòng tin nơi con. Đồng thời cho trẻ được tham gia, được đưa ra ý kiến trước mọi công việc của gia đình” - TS Quý nói.

Theo Ngô Châu Anh/Báo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.