Tai hại khi trẻ bất mãn mà cha mẹ không nhận ra

Thực tế có khá nhiều trẻ thường xuyên sống trong tâm trạng buồn chán, bất mãn nhưng cha mẹ “vô tình” không nhận ra.

Thực tế có khá nhiều trẻ thường xuyên sống trong tâm trạng buồn chán, bất mãn nhưng cha mẹ “vô tình” không nhận ra.

Có không ít bậc phụ huynh cho rằng trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn vô tư, ngây thơ “biết lo nghĩ gì đâu” mà không vui vẻ, lạc quan. Song, thực tế có khá nhiều trẻ thường xuyên sống trong tâm trạng buồn chán, bất mãn nhưng cha mẹ “vô tình” không nhận ra. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách của trẻ sau này.

Khi tre bat man
Ảnh: Shutterstock

“Cháu chỉ thấy chán"

Bé Thu Hà (10 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) thổ lộ: “Cháu buồn nhất là khi ba mẹ đối xử thiếu công bằng. Lúc nào ba mẹ cũng đem cháu so sánh với anh, rồi chê bai cháu đủ điều. Cháu làm việc tốt cũng không được ba mẹ thừa nhận, kể cả khi cháu nỗ lực rất nhiều. Cháu chỉ thấy chán, muốn mặc kệ tất cả”.

Chị Vân - mẹ bé Thu Hà khi biết được suy nghĩ của con thì tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ cách cư xử của mình đã khiến con bất mãn như thế. Gia đình chị đã tới gặp chuyên gia tâm lý để tìm cách giúp con có lối sống lạc quan, yêu đời.

Bé Nhân (13 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ấm ức: “Lớp học của cháu có nhiều chuyện chán lắm. Cô chủ nhiệm chỉ bênh bạn Minh, bất kể bạn ấy đúng hay sai. Bạn Minh mắc lỗi gì cô cũng cho qua hết. Chúng cháu thấy thế đâm ra ghét và tẩy chay, không thèm chơi với Minh nữa”.

Nếu được trẻ tin cậy, người lớn có thể nghe trẻ kể ra rất nhiều chuyện khiến chúng bất bình. Các bậc cha mẹ, thầy cô cần hiểu rằng thế giới trẻ thơ không chỉ “biết ăn, biết ngủ”. Chúng cũng luôn suy nghĩ, đắn đo tìm lời giải thích khi có những mong muốn không được thỏa mãn.

Trẻ rất phân vân không biết vì sao cùng trang lứa với nhau mà bạn kia muốn gì được nấy, còn mình thì luôn bị cha mẹ mắng mỏ, cấm đoán. Khi những ước muốn cơ bản không được thỏa mãn, bé sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn, buông xuôi tất cả.

Muốn biết vì sao con mình suy nghĩ và hành động bi quan, cha mẹ cần phải tìm hiểu các nguyên nhân cụ thể, từ đó cùng trẻ kiểm soát, chế ngự tinh thần bất mãn.

Vì sao trẻ bi quan?

Sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ rất phức tạp. Hằng ngày trẻ tiếp nhận rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống, nhưng lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết, vì thế, chúng đâm ra băn khoăn, lo lắng.

Khi trẻ chứng kiến những điều tiêu cực (như hiện tượng xin - cho điểm ở lớp học, bạn bè đánh nhau...), các cháu sẽ mất tự tin, không tin tưởng vào tương lai và những điều tốt đẹp nên dễ sinh tâm lý bi quan, bất mãn.

Cuộc sống của trẻ gắn với gia đình, nhưng nếu chúng mất niềm tin vào cha mẹ hoặc bị người lớn “phủ nhận” những gì trẻ nỗ lực thực hiện, chúng sẽ rất buồn phiền và chán nản.

Trẻ luôn muốn tự khẳng định, muốn thể hiện mình, muốn mọi người biết mình đã lớn, trưởng thành, hiểu biết, chững chạc. Song cha mẹ bao giờ cũng thương con, luôn muốn bao bọc, che chở con.

Hai tư tưởng đó mâu thuẫn nhau gay gắt, nếu cha mẹ giải quyết xung đột không khéo léo, không lắng nghe ý kiến của con, trẻ sẽ buồn chán và muốn buông xuôi tất cả.

Khi trẻ đang “lên tinh thần hừng hực” chuẩn bị cho việc gì đó, nếu bị dội gáo nước lạnh bởi sự ngăn cản của gia đình, trẻ sẽ cảm thấy thế nào? Bị kìm hãm, trói buộc, “không có đất dụng võ”, trẻ thường hụt hẫng, thất vọng, thờ ơ, bất hợp tác trước những tác động từ phía gia đình.

Tương tự, ở trường trẻ cũng gặp những tình huống gây ức chế, khó chịu khi thấy mình có năng lực mà không được thầy cô nhìn nhận, đánh giá đúng, dù thực tế, việc trẻ tự đánh giá không phải lúc nào cũng chính xác.

Lúc đó, cảm giác bị “dìm hàng” làm khổ trẻ và chúng thấy bức bối với mọi thứ: những giờ thầy cô lên lớp, bài tập về nhà… Với nguyên nhân này, cha mẹ cần tế nhị giúp trẻ tự nhận thức và đánh giá đúng bản thân.

Hệ lụy của sự bất mãn

Mặc dù điều không vừa ý có thể giải quyết bằng một vài biện pháp khác nhau, nhưng trẻ chẳng đủ bình tĩnh để suy xét thế nào là thiệt hơn, cứ phản ứng theo cảm tính.

Không ít trẻ khi bị cha mẹ phủ nhận những nỗ lực tự lập của mình đã phản ứng tiêu cực như chây ỳ, ỷ lại, vô trách nhiệm với bản thân, buông xuôi tất cả (không muốn học hành, không giao tiếp với bạn bè, không vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, dửng dưng với thời cuộc…).

Có trẻ bị bố mẹ ngăn cản, không cho làm theo ý thích mà nảy ra kiểu ăn vạ, suốt ngày xin tiền gia đình để ăn chơi, đua đòi, khi xin tiền không được thì nảy sinh thói trộm cắp.

Một số vì bất mãn với thầy cô mà đến lớp quậy phá hoặc trốn học đi chơi cho hả dạ. Trẻ bi quan và bất mãn còn bởi lý do thiếu kinh nghiệm nên thường mắc sai sót, lỗi lầm, không tin vào năng lực của bản thân khi thực hiện công việc.

Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, khi con trẻ đang bi quan, bất mãn, cha mẹ đừng nói rằng “lớn lên con sẽ hiểu” - điều này sẽ làm trẻ rối trí. Chúng sẽ tự mò mẫm để tìm lời giải đáp hoặc sẽ rơi sâu hơn vào trạng thái buồn bã, lo âu vì không có ai quan tâm và thấu hiểu mình.

Điều quan trọng nhất để phòng tránh thái độ bất mãn ở trẻ là cha mẹ cần làm tấm gương lạc quan, yêu đời, biết cách nhìn nhận những điều tốt trong cuộc sống. Người lớn phải tạo bầu không khí gia đình luôn tươi vui, ấm cúng - xứng đáng là điểm tựa tinh thần để con trẻ sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Cha mẹ hãy cho con quyền tự quyết định những việc mà trẻ kiểm soát được và dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình. Hãy mạnh dạn để con nếm trải thất bại, đối diện với những sai sót.

Hãy ân cần chỉ rõ đó là “học phí” cho những bài học kinh nghiệm đáng quý, khích lệ con tìm cách khắc phục khó khăn. Cha mẹ hãy giúp con không suy nghĩ quá lâu về những điều không vui và biết cách nhìn vào mặt tốt của vấn đề.

Khi nào trẻ quá bi quan, hãy kể lại cho trẻ những thành tích chúng đã đạt được, gợi lại những kỷ niệm đẹp giúp trẻ lấy lại tinh thần.

Dạy con hài lòng với cuộc sống

Với những trường hợp trẻ buồn chán do thiếu kinh nghiệm sống, cha mẹ hãy luôn đồng hành, sát cánh bên con, tạo cho trẻ một điểm tựa tinh thần vững chắc.

Người lớn không nên suốt ngày chê bai, soi mói những điều tiêu cực trong xã hội, mà hãy chỉ rõ cho trẻ thấy đó là mặt trái của xã hội, cái xấu là những biểu hiện không phổ biến.

Cha mẹ hãy dạy con biết hy vọng và cố gắng thực hiện những điều tốt đẹp. Cha mẹ hãy lắng nghe và giúp con thỏa mãn những nhu cầu hợp lý, vừa sức.

Khi cấm đoán, hoặc không thỏa mãn một mong ước nào đó của trẻ, cha mẹ cần có lời giải thích rõ ràng, nhất là dạy trẻ biết kiểm soát bản thân vì không phải nhu cầu nào cũng có thể thực hiện.

Cần lưu ý, phân tâm học cho rằng: “Nếu trẻ có những mong muốn không được thỏa mãn mà thiếu đi sự giải thích cặn kẽ, nỗi ấm ức sẽ kéo dài lâu ngày, dồn nén trong vô thức, gây ra hành vi sai lạc mà trẻ không thể kiểm soát được. Điều đó, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách của trẻ khi trưởng thành”.

Cha mẹ cần giúp cho trẻ hiểu, trong cuộc sống, không có ai là toàn diện, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Đừng quá tự ti và bi quan khi chỉ nhìn thấy hạn chế của bản thân.

Do đó, dù thế nào đi nữa cũng nên sống lạc quan, hài lòng với những gì mình có và hãy cố gắng để hoàn thiện hơn. Như thế, trẻ sẽ đỡ bi quan khi nghĩ đến những việc chưa như mong muốn. Khơi gợi và tạo điều kiện cho con thể hiện năng lực vốn có để trẻ tự kiểm định.

Những công việc mà trẻ chủ động tiến hành sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin, yêu đời hơn. Khích lệ trẻ sáng tạo và thử sức mình vào những việc lý thú, mới mẻ.

Nguyễn Văn Công (Giảng viên tâm lý học - Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Theo Phụ Nữ Online



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.