Thiếu kiên định, thống nhất: Bố mẹ đang "bắt" con hư?

Bố mẹ bất đồng trong cách dạy con, bé nảy sinh tính xấu

Tôi từng đọc một cuốn sách khá thú vị có tựa đề Này! Con có thôi đi không – Một tác phẩm hài hước nhưng không kém phần nghiêm túc dành cho bố mẹ.

Trong cuốn sách đó có nêu “Kế hoạch tạo nên những đứa trẻ hư” bao gồm: Những lời đe dọa vô nghĩa, Nói phóng đại, Không = có, có = không và Đá bóng sang sân. Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy đúng và tâm đắc. Những kế hoạch đó chung quy lại: Bố mẹ đã không làm đúng những gì mình nói, nói rồi không làm, nói một đường làm một nẻo hoặc không thống nhất với nhau trong cách dạy con, mỗi người một ý…. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi điều đó: Hãy kiên định và thống nhất trong cách dạy con để có những đứa trẻ ngoan?


Một ví dụ điển hình cho sự thiếu kiên định của bố mẹ với con cái

Kiên định, thống nhất trong lời nói và hành động của chính mình

Người Nhật, Mỹ, Pháp rất nghiêm túc khi dạy con, mặc dù đôi khi bị coi là “lạnh lùng, vô cảm” khi để bé khóc quá lâu, sẵn sàng cho con nhịn ăn nếu không ăn…. Bố mẹ Việt thì lại có xu hướng xót con, không đành lòng thành ra thiếu kiên định, mọi lời nói chỉ mang tính chất tương đối và có thể thay đổi bất cứ khi nào.

Chẳng hạn, khi yêu cầu con làm gì mà bé không muốn, bố mẹ sẵn sàng đưa ra những lời đe dọa rất đáng sợ nhưng không thể thực hiện được nếu bé chót vẫn không nghe lời. Chẳng hạn: Con mà không đi rửa tay ngay, mẹ chặt tay con bây giờ.

Dễ gặp hơn là những tình huống con vừa khóc bố mẹ đã mềm lòng hay ngại con mè nheo trước mặt khách khứa, bố mẹ liền thay đổi quyết định theo ý con.

Bố mẹ thường mềm lòng, thay đổi quyết định chiều theo ý bé khi bé ăn vạ

Nói một đằng nhưng làm một nẻo khiến những đứa trẻ không tin vào những gì bạn nói, lời nói của bạn sẽ trở nên mất trọng lượng và trẻ không nghe lời. Đây là sai lầm muôn thủa của các ông bố bà mẹ Việt, vì hay mềm lòng hoặc ngại phiền toái nên luôn mâu thuẫn trong lời nói và hành động của mình.

Bọn trẻ không thể hiểu được hành vi của bố mẹ. Đối với những tình huống giống nhau, bố mẹ phản ứng khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, khi trẻ làm đổ sữa, khi thì bạn bỏ qua và lau dọn giúp con, khi bạn lại mắng nhiếc, khi khác lại tảng lờ mặc kệ... Điều này khiến trẻ cảm thấy bối rối, không hiểu và căng thẳng.

"Chúng ta sẽ không thể lắng nghe một người lớn mà họ nói một đằng nhưng làm một nẻo, vậy tại sao những đứa trẻ của chúng ta phải lắng nghe những người như vậy? Kiên định chính là nền tảng cho việc dạy dỗ triệt để thói quen xấu của những đứa trẻ hư! Cha mẹ cần phải làm gương như bao người khác, vì vậy, đừng nói những gì mà bạn không muốn làm. Thực hiện tất cả những gì bạn nói ra! Hãy cứng rắn và không khoan nhượng!" - Trích Này! Con có thôi đi không

Hãy thôi kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính những hành vi không hợp lý của cha mẹ đã tạo ra những đứa trẻ hư. Kiên định là điều cần thiết xuất phát từ cả người cha và mẹ như một thể thống nhất. Nếu ta là những cha mẹ kiên định, những công cụ được áp dụng sẽ có hiệu quả! Nếu không kiên định, thống nhất ta sẽ dạy cho bọn trẻ tính lộn xộn, hoang mang, không biết nghe lời và thao túng chính chúng ta.

Thật buồn khi phải lấy chính tình huống trong gia đình mình làm ví dụ. Con trai tôi rất thích xem siêu nhân trên máy vi tính và tôi muốn hạn chế điều đó. Nhưng chồng tôi chiều con, không muốn thằng bé khóc lóc ỉ ôi, nhiều khi để con chịu ngồi yên một chỗ ăn cho nhanh xong bữa, anh sẵn sàng mở máy tính cho cháu vừa xem vừa ăn trong một khoảng thời gian dài. Khi tôi ý kiến thì anh lại xuề xòa, thôi xem tí lúc ăn có sao đâu, nốt lần này thôi… Hậu quả là, con trai tôi luôn có xu hướng đợi bố về mới ăn hoặc cháu khá ngoan khi ở nhà với mẹ nhưng hay nhõng nhẽo, đòi hỏi khi có bố ở nhà….

Bố mẹ không thống nhất cách dạy con sẽ làm cho trẻ lúng túng không biết nên làm thế nào cho đúng. Nhiều khi, trẻ còn lợi dụng điều đó để tìm cách đối phó, né tránh trách nhiệm hoặc việc cần phải làm. Ví dụ, khi trẻ đã làm xong bài tập cô giáo cho về nhà làm, sau đó, mẹ muốn con học thêm nâng cao nhưng bố lại bảo cho con chơi không phải học thêm nữa, kết quả thường là trẻ sẽ làm theo ý kiến của bố là được chơi.

Bố mẹ bất đồng trong cách dạy con, bé nảy sinh tính xấu

Có một thực tế không thể phủ nhận là trong cuộc sống gia đình, vợ chồng thường xuyên bất đồng quan điểm vì con cái. Đôi khi, bố mẹ cãi nhau về cách dạy con ngay trước mặt con. Hậu quả trực tiếp của việc này là khiến bé hoang mang, không nhận ra được lỗi của mình. Sự không thống nhất trong cách dạy còn làm trẻ nảy sinh tính dựa dẫm là dựa vào người hay chiều chuộng, bênh vực trẻ. Điều đó sẽ làm mất đi hiệu lực của sự phê bình hoặc phạt khi trẻ làm điều gì sai và trẻ sẽ không sửa sai.

Không nên tranh cãi về cách dạy con trước mặt trẻ

Vì vậy, cách tốt nhất là hai vợ chồng nên bàn bạc và thống nhất ý kiến với nhau trước khi bảo ban, dạy dỗ bé trong từng trường hợp.

Chẳng hạn, khi con có khuyết điểm bố mẹ không nên cùng mắng con một lúc mà nên chỉ mẹ hoặc bố phân tích cho trẻ hiểu thôi, còn người kia nên im lặng nhưng có quan tâm xem sự việc diễn ra thế nào. Không nên cả hai cùng mắng con một lúc. Kể cả bố mẹ không đồng ý với điều người kia đang mắng con thì cũng không nên lên tiếng phản đối trước mặt con. Đây là một quy tắc cần có trong ứng xử gia đình, vừa tốt cho con cái, vừa tốt cho mối quan hệ vợ chồng.

Bạn đánh giá thế nào về sự kiên định, thống nhất khi giáo dục con cái trong gia đình? Hãy chia sẻ quan điểm, giải pháp và những câu chuyện thực tế của bạn bằng cách gửi mail tới địa chỉ Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết.

V.K/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.