Trẻ có quyền được khóc, quyền được ngã và quyền ở bẩn

Con người cũng cần một chút bụi bặm, một chút bẩn dơ gì đó cho khỏe mạnh!

Con người cũng cần một chút bụi bặm, một chút bẩn dơ gì đó cho khỏe mạnh!

Khi em bé mới ra đời, bé khóc rất to. Các bác sĩ nói rằng bé khóc cho nở phổi. Tuy nhiên, ngay khi em bé về phòng với bố mẹ, bé khóc một chút là bố mẹ đã cuống cà kê cả lên. Mẹ liên tục kêu: Mẹ đây, mẹ đây. Bố thì rối rít, ông bà cũng luống cuống. “Làm gì đi, để nó khóc thế à?”.

Dường như không ai tôn trọng cái quyền được khóc của bé. Nếu như bé không có một chút phiền toái nào, không đói, không bẩn, không đau đớn, thì việc khóc của bé là một thứ nhu cầu dùng để khám phá cuộc sống. Cha mẹ, ông bà can thiệp vào việc này thì quá là tệ.

Đó là chưa kể sau này con lớn hơn, lâu lâu con khóc cũng là để xả căng thẳng mà. Khi cha mẹ gặp chuyện buồn hoặc ức chế gì đó, cha mẹ cũng muốn xả bằng cách khóc. Vậy nhưng hễ bé khóc là lập tức có sự can thiệp của người lớn.

trẻ em, dạy con, nuôi con
Ảnh minh họa.

Chính cái sự can thiệp thô bạo này của người lớn làm cho con trẻ nảy sinh tính mè nheo, ăn vạ… Nếu như ai cần khóc cứ khóc cho thỏa thì đã chẳng có vụ việc đó xảy ra. Cha mẹ chỉ việc tìm hiểu kỹ xem nguyên nhân của việc khóc đó có phải là do đói, do bẩn, do mệt hay do đau không thôi. Nếu không phải các nguyên nhân đó, tốt nhất hãy để trẻ tự do khóc. Trẻ xả xong stress sẽ vui vẻ hớn hở lắm.

Ngã cũng vậy, trẻ mới tập đứng, tập đi, đương nhiên là hay ngã. Việc cha mẹ cần làm là phải dọn dẹp nhà cửa và đảm bảo mọi thứ an toàn để trẻ có ngã cũng không bị tổn thương quá lớn. Còn nếu trẻ đã ngã rồi, (làm gì cũng không quay ngược thời gian được, nó đã ngã rồi mà) thì hãy để con tự khóc và tự nín. Đừng can thiệp. Lúc đó trẻ đang cần trút cái sự bực mình vì ngã đó ra bằng nước mắt. Hãy im lặng tôn trọng khoảnh khắc riêng tư đó của trẻ.

Việc ngã nếu không gây tổn thương thì thật ra là rất cần thiết. Trẻ ngay lập tức sẽ “trả giá” cho hành động thiếu thận trọng của mình và các bé cũng ngay lập tức rút kinh nghiệm. Nâng đỡ trẻ quá mức, không tạo điều kiện cho trẻ ngã sẽ làm chậm quá trình phát triển của trẻ.

Quyền được ngã, quyền được khóc đã quá rõ. Chẳng lẽ trẻ cũng có quyền ở bẩn???

Vâng, đương nhiên rồi. Bố mẹ cũng đầy lúc nghịch bẩn kinh dị, vậy tại sao lại bắt con sạch sẽ. Vì bắt con quá sạch, cha mẹ đã nhiều lúc ngăn cản con được khám phá thế giới. Ở bẩn chưa chắc đã là xấu với sức khỏe của trẻ. Nếu ở sạch quá, sẽ có lúc trẻ bị dị ứng do cơ thể kém thích nghi với hoàn cảnh. Con gà cũng phải ăn cát sỏi để có thể tiêu hóa được thức ăn. Các mẹ làm gà nhiều lần cũng thấy trong diều con gà có nhiều sỏi cát.

Con người cũng thế, con người cũng cần một chút bụi bặm, một chút bẩn dơ gì đó cho khỏe mạnh. Vì thế, đừng ngăn cản con nghịch bẩn. Điều cần làm là sau khi con đã nghịch bẩn thỏa thuê, hãy tắm rửa cho con thật sạch sẽ.

Trẻ con từ khi biết đi là cần phải được chơi với cát. Cát ở đây chính là loại cát đen dùng để xây dựng. Cát này sẽ được trẻ cầm nắm, nhào nặn, lấy các khuôn ra đúc, các xô, chậu, thùng… tí hon ra đựng và xách đi khắp nơi. Chơi cát sẽ làm tăng cường vận động tinh của đôi bàn tay, giúp trẻ sáng tạo và thực hiện những sáng tạo đó trên cát. Chơi cát khi ngã sẽ không đau, chắc chỉ lấm lem bẩn thỉu thôi.

Vì thế, trèo leo trên cát cũng an toàn. Các em nhỏ ở Đức còn trèo tít lên trên mái nhà búp bê được xây dựng tại sân chơi cát. Chẳng thấy bố mẹ nào la hét hay chạy lại lôi cổ con xuống. Lũ trẻ cứ thỏa sức vui đùa ở đó.

Ngoài ra, lâu lâu cho con vọc tay vào gạo cũng là 1 thú vui tuyệt vời. Hoặc mẹ đang nhào bột thì cớ gì không cho con tham gia. Tất cả những hoạt động đó đều giúp con phát triển não tối đa. Con người là sinh vật, nó cần môi trường tự nhiên thật sự. Vì thế, hãy cho con được là sinh vật các bố mẹ nhé!

TS. Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội)
Theo VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.