Từ vụ HS giỏi quốc gia tự tử: Khi những nơi bấu víu rơi rụng...

Áp lực học tập, tâm lý bất ổn, cô đơn, không tìm được sự trợ giúp... không ít học sinh bị trầm cảm, dẫn đến tự tử hoặc có hành vi xấu.

Áp lực học tập, tâm lý bất ổn, cô đơn, không tìm được sự trợ giúp... không ít học sinh bị trầm cảm, dẫn đến tự tử hoặc có hành vi xấu. Danh sách các vụ tự tử ở lứa tuổi trăng tròn mỗi ngày một dài ra trong khi những cánh cửa tư vấn học đường vẫn khép kín.

>>Bàng hoàng phát hiện học sinh giỏi quốc gia tự tử tại nhà

Nỗi đau bất ngờ

Dư luận đang hết sức bàng hoàng khi nghe tin một học sinh trường chuyên chăm ngoan, học giỏi, đạt nhiều giải cao bất ngờ treo cổ tự tử tại nhà riêng ngày 9.5 mới đây. Nam sinh được xác định là em V.N.T.T – học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Quy Nhơn, Bình Định. Điều đáng buồn là trước khi tìm đến cái chết, người thân, bạn bè, thầy cô... không một ai nhận thấy T có biểu hiện tâm lý gì khác thường.

tu vu hs gioi quoc gia tu tu: khi nhung noi bau viu roi rung... hinh anh 1

TS Vũ Thu Hương – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dạy kỹ năng cho trẻ. ảnh:T.L

Các trường hợp học sinh “bỗng dưng” tự tử gây sốc nhưng không mới. Thông tin về kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011 – 2015, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số học sinh có ý định tự tử cả nước ngày càng tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% học sinh phải đến điều trị tại bệnh viện. Một số liệu điều tra khác với mẫu nhỏ hơn của Bộ Y tế, Tổ chức Unicef và WHO trên 3.000 học sinh Hà Nội trong độ tuổi từ 10 - 16 cũng chỉ ra rằng, có trên 19% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần, 9% học sinh cho biết từng có ý định tự tử và 6% đã có kế hoạch thực hiện cái chết.

"Nhà nước cần có các nghiên cứu, các can thiệp chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho thanh thiếu niên, cung cấp cho các em kỹ năng để tự bảo vệ mình, vượt qua những cú sốc, những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo để hiểu về đặc điểm nhạy cảm của thanh thiếu niên, tránh làm tổn thương các em hoặc nhận biết về các dấu hiệu “nguy hiểm” khi con trẻ căng thẳng, suy sụp để có các can thiệp kịp thời”.

Bà Nguyễn Vân Anh

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) nhận định: “Khi thanh thiếu niên tự tử thì đừng trách các em mà hãy trách chính chúng ta – những người lớn”. Bà Vân Anh phân tích, lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt tuổi vị thành niên (13-17) phải giằng xé, “chiến đấu” quyết liệt với những thay đổi từ bên trong (cả về hình thức, tâm lý) cũng như phải tiếp nhận những thay đổi từ bên ngoài. Các em chưa đủ sức mạnh để chống chọi, đối phó, xử lý với tất cả các xung đột, mâu thuẫn, cũng như áp lực từ bên ngoài. Đây là lứa tuổi rất mong manh, dễ tổn thương. Nhưng người lớn lại không chuẩn bị cho các em các kỹ năng đối mặt với những khủng hoảng cá nhân và những thay đổi. Do đó, các em rất dễ cô đơn, suy sụp, trầm cảm khi gặp các cú sốc đầu đời. “Chúng ta đều nói đến thanh thiếu niên với những điều to tát như tương lai, lý tưởng phấn đấu. Nhưng để các em biến giấc mơ, hoài bão thành hiện thực, chúng ta phải giúp các em bằng việc đơn giản, cụ thể nhất như: Làm chủ cảm xúc của mình, bảo vệ được mình. Bản thân các em không an toàn, bị bạo lực, bị xâm hại, trầm cảm đến mức tự tử thì làm sao có thể tiếp tục xây dựng lý tưởng” – bà Vân Anh chất vấn.

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Luyện - Phó Trưởng khoa khám bệnh tổng hợp Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bất ổn về tâm lý đến khám tại bệnh viện, đặc biệt là vào mùa thi. Các em bị các triệu chứng như: Đau đầu, buồn chán, mệt mỏi, có em khóc cười bất chợt, ngại tiếp xúc, có em lại làm đau mình bằng cách gí thuốc lá vào người, cứa tay chân... Đặc biệt vào mùa thi, số ca stress, đau đầu mất ngủ ở tuổi thanh thiếu thiên càng nhiều. “Sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên khá yếu, lại không có các kỹ năng xử lý các mâu thuẫn, nỗi buồn, vì thế dễ bị trầm cảm, nghĩ quẩn vì những lý do bé xíu” – bác sĩ Luyện cho biết.

Chới với tư vấn học đường

TS Vũ Thu Hương – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, có rất nhiều tác nhân có thể gây nên áp lực tâm lý nặng nề cho học: Sự kỳ vọng của cha mẹ, áp lực học hành, nghề nghiệp, công việc tương lai, những xung đột với bạn bè, thầy cô và tác động xấu từ xã hội, internet... Đối diện với những điều này, nếu không có kỹ năng xử lý các em dễ rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn, dễ bị kích động, trầm cảm và tìm đến cái chết.

tu vu hs gioi quoc gia tu tu: khi nhung noi bau viu roi rung... hinh anh 2

Theo bà Hương, học sinh Việt Nam ngoài học tập, bạn bè, gia đình, có rất ít mối quan tâm ngoài xã hội. Còn ở nước ngoài, lứa tuổi này các em thường tham gia rất nhiều câu lạc bộ, các hoạt động từ thiện... tìm được niềm vui, học được những bài học về ý nghĩa cuộc sống. Khi buồn chán, các em có thể tìm đến để giải tỏa. “Ở độ tuổi học sinh, các em có những thay đổi về tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì khiến khả năng kiềm chế tâm lý của các em rất kém. Khi có biến cố, thường các em sẽ không đủ bình tĩnh để phân tích đúng sai và đưa ra quyết định tự tử rất nhanh. Vì vậy, sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô và bạn bè là những cánh tay vững chắc nhất níu các em lại với cuộc sống” – bà Hương nói.

Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận, hiện tại nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn mà đôi khi không có thời gian chia sẻ cùng các con, trong khi rất ít trường học quan tâm đến việc tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho các em. “Một số học sinh chia sẻ rằng, trường các em có giáo viên tâm lý nhưng các cô thường rất trẻ nên các em không thấy... có uy tín và tin tưởng. Trong khi đó, rất nhiều học sinh cho biết các em không có thói quen tìm đến phòng tư vấn của trường vì sợ thông tin chia sẻ không được giữ bí mật” –bà Hương cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, học sinh đang rất thiếu những chỗ dựa tâm lý thích hợp khi phải đối diện với những biến cố ở độ tuổi nhạy cảm. “Chỉ rất ít trường ở thành phố có phòng tâm lý giáo dục. Ở nông thôn thì hoàn toàn không. Nhưng, giáo viên làm tư vấn tâm lý phần lớn là kiêm nhiệm, có trường là giáo viên thể dục, giáo viên giáo dục công dân, cán bộ đoàn... biên chế không có, thiếu chuyên môn vì không được đào tạo bài bản. Đây chính là rào cản khiến các em khó mở lòng và tìm đến để chia sẻ” – ông Lâm nói.

Những vụ học sinh tự tử

* Ngày 11.4.2016, người dân thôn Tân Tiến (xã Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang) phát hiện em N.V.T – học sinh lớp 9 chết trong tư thế treo cổ. Điều tra của Công an huyện Lục Ngạn cho biết, trước khi tìm đến cái chết em T đã có sự chuẩn bị nhưng gia đình không ai phát hiện ra.

* Tháng 1.2016, em N.T.T học sinh lớp 9 Trường THCS Tịnh Bắc (xã Tịnh Bắc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nghi là ăn cắp tiền. Trước khi chết, T để lại lá thư tuyệt mệnh xin lỗi cha mẹ và bày tỏ nỗi oan của mình.

* Tháng 4.2015 nữ sinh lớp 12 N.T.T ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội nhảy sông Hồng tự vẫn do gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm.

* Ngày 6.10.2015, một nam sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) cũng gieo mình xuống cầu tự tử vì bị điểm 2 môn toán.

Nguyễn Thiêm (tổng hợp)

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.