Vì sao tôi "vứt" gần hết đồ chơi của con, và những người mẹ khác cũng nên làm?

Nhiều người coi việc bỏ đồ chơi là trừng phạt con nên cảm thấy tội lỗi, nhưng những người mẹ làm việc này lại cho biết họ đã giúp con được rất nhiều.

Nhiều người coi việc bỏ đồ chơi là trừng phạt con nên cảm thấy tội lỗi, nhưng những người mẹ làm việc này lại cho biết họ đã giúp con được rất nhiều.

Allie Casazza là một người mẹ bốn con, từng có một căn phòng lớn trong nhà chỉ để đồ chơi, với nhiều thùng đầy chất ngất và những món đồ rất đắt nhưng chưa bao giờ được đụng vào. “Căn phòng đó là nguyên nhân suy sụp của tôi. Bọn trẻ vào phòng chơi, đổ bầy bừa ra nhưng chẳng mấy chốc đã chán và đòi ăn vặt.”

Nhiều người không nghĩ sự dư thừa đồ đạc, không chỉ là đồ chơi, trong nhà có thể ảnh hưởng xấu đến những người mẹ, nhưng thật sự đã có nghiên cứu thấy rằng chúng làm tăng đáng kể hormone stress ở những người phụ nữ của gia đình. Vậy nên sau một thời gian phải liên tục dọn dẹp và thúc giục, chị Allie quyết định bỏ gần hết đồ chơi của con đi, không phải để trừng phạt con mà để cứu chính mình - với vai trò một người mẹ, một người vợ.

Và quan trọng hơn đằng sau quyết định này là niềm tin cho các con được sống thật sự, vì trẻ nhỏ vốn bẩm sinh hạnh phúc, sẽ trở nên sáng tạo hơn, hài lòng hơn khi chỉ có ít đồ chơi. Chị Allie cũng cho rằng những món đồ chơi ồn ào đã chen vào giữa sự gắn kết của bọn trẻ với nhau, và tin càng ít đồ đạc, ngôi nhà sẽ càng vui vẻ, gia đình sẽ càng hạnh phúc hơn. Thực tế là sau khi đã bỏ gần hết đồ chơi khỏi nhà, chị đăng ảnh các con cùng chơi với nhau trong căn phòng khách gọn gàng, phong cách, với chỉ một hộp đồ chơi nhỏ bên cạnh - trong đó “chứa mọi món đồ chơi mà các con còn, trừ Lego, và nó chỉ đầy một nửa.”

bỏ đồ chơi
(Ảnh: Internet)

Ta thường bảo các con hãy chơi với đồ chơi, coi đó là cách bọn trẻ giải trí, tìm niềm vui, nên ắt hẳn khi loại bỏ chúng khỏi nhà, bạn sẽ phải đón nhận những “cơn bão” phản đối, cằn nhằn. Nhưng trong bài đăng trên mạng xã hội của mình, Allie chia sẻ “rất sớm thôi, khả năng sáng tạo, tưởng tượng Trời ban cho bọn trẻ sẽ sống lại.” Trẻ con được sinh ra để chơi đùa, khám phá, tưởng tượng và sáng tạo. Khi ít bị phụ thuộc vào đồ chơi, các bé sẽ sớm khám phá được vẻ đẹp của việc tạo nên những câu chuyện, chia nhau đóng vai, hoặc tìm những con bọ trong tự nhiên và đặt tên cho chúng.

Rất nhiều người làm cha mẹ tỏ ra đồng tình với quan điểm này, không quên tranh thủ khóc ròng về việc nhà cửa bừa bộn vì đồ chơi của con. Người mẹ tên Swoopbags cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, thật sự những món đồ sở hữu chúng ta chứ không phải ta đang sở hữu chúng.”

Nhưng cùng với đó, có những người nói lên một thực tế là rất khó duy trì sự tối thiểu này, đặc biệt khi đồ chơi rất thường được người khác mua tặng cho trẻ nhỏ, “Bạn định làm thế nào trong những dịp như Giáng sinh? Vấn đề không phải chuyện bạn có mua cho con hay không, mà là những người thân trong gia đình. Nếu không phải là đồ chơi thì có thể tặng quà gì cho bọn trẻ?”

Đây rõ ràng là một lo lắng rất phổ biến, và Allie đã trả lời: “Ông bà của bọn trẻ nhà tôi tặng chúng quà Giáng sinh là thẻ đi chơi hoặc tham gia vào một trải nghiệm nào đó. Năm nào chúng cũng nhận được vé vào sở thú, trung tâm khoa học, khu vui chơi… những tấm thẻ này luôn có thời hạn một năm, sẽ hết hạn vào dịp Giáng sinh năm sau nên mọi thứ thật hoàn hảo.”

bỏ đồ chơi
(Ảnh: Internet)

Một người mẹ khác có con 28 tháng cùng chia sẻ quan điểm càng ít đồ chơi càng tốt này là Noelle Swift tại New Jersey. Sớm hơn Allie, chị Noelle đã triệt để điều này ngay từ trước khi sinh con, do vậy, tại nhà của chị, bé con có nhiều sách nhưng đồ chơi chỉ vừa vặn trong hai hộp nhỏ, và kết quả ra sao? Bé có thể hào hứng chơi với chỉ một món đồ trong nhiều giờ liền, và do không gian gọn gàng, bé cũng tập được thói quen dọn dẹp ngay từ sớm.

Rất nhiều người coi việc bỏ đồ chơi là trừng phạt con, do đó cảm thấy tội lỗi nhưng nhiều chuyên gia, cũng như những người mẹ đã thử áp dụng cho biết thật sự làm như vậy là tốt hơn cho đứa trẻ vì giúp bé biết trân trọng những món đồ của mình hơn và thoải mái sáng tạo hơn khi không bị phụ thuộc niềm vui vào vật chất. Bên cạnh đó, tất nhiên, việc này cũng khiến mẹ vui hơn, và như người ta vẫn nói: mẹ vui thì gia đình mới vui! Và tất nhiên, nói "vứt bỏ" đồ chơi không có nghĩa bạn tống chúng vào thùng rác hay vào kho, mà hãy đem quyên tặng cho những nơi thật sự cần đến.

Theo Trí Thức Trẻ

kỹ năng làm cha mẹ

đồ chơi

sáng tạo

Dạy con

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.