Xử lý thế nào khi teen luôn có điệp khúc ‘tý nữa con làm’

Con luôn nói: “Tý nữa con sẽ làm”, trong khi mẹ lại mong muốn: “Con phải làm ngay, không chậm trễ”. Đó là lý do vì sao mẹ và con không tìm được tiếng nói chung trong nhiều việc.

Con luôn nói: “Tý nữa con sẽ làm”, trong khi mẹ lại mong muốn: “Con phải làm ngay, không chậm trễ”. Đó là lý do vì sao mẹ và con không tìm được tiếng nói chung trong nhiều việc.

Chị Trần Thị Hòa, mẹ của một teen, kể: “Hình như con gái luôn muốn trêu tức tôi. Mỗi lần tôi bảo con làm gì, nó luôn có lý do để lần lữa thay vì đáp ứng ngay”. Một việc đơn giản như: Con đi học về, mẹ nói con rửa tay, thay quần áo ở nhà cho sạch sẽ. Con đáp: “Tý nữa con làm” rồi nằm ườn trên ghế. Đến khi cả nhà chuẩn bị ăn bữa tối, con vẫn chưa thực hiện.

Mẹ muốn con giúp mẹ việc nhà nhưng con viện lý do “tý nữa” để tiếp tục dán mắt vào tivi. Mẹ nhắc con đã đến giờ đi ngủ, con lại tái diễn điệp khúc “tý nữa” để lần lữa chưa làm ngay. Cứ như vậy, tới khi nào mẹ nổi giận con mới nghe lời bằng thái độ miễn cưỡng.
me-con.jpg
Theo các chuyên gia tâm lý, muốn con nghe lời là đúng nhưng cha mẹ không nên quá cứng nhắc
Ảnh minh họa: Internet
Chị Phan Mỹ Linh, mẹ của một nữ sinh học lớp 10, cũng không hiểu tại sao, con gái mình lúc nào cũng bình chân như vại, khất lần ngay cả trong tình huống khẩn cấp. Buổi sáng, con ngủ quên nên sát giờ học vẫn chưa ra khỏi nhà. Chị Linh giục: “Con dậy ngay nếu không muốn bị muộn”. Con gái chị chẳng có gì lo lắng: “Tý nữa con dậy” và tiếp tục nằm yên trong chăn.

Lần khác, chị nhờ con gái canh chừng món ăn chị nấu trên bếp khi chị đang bận trả lời điện thoại, con gái lại “tý nữa” khiến món ăn bị cháy đen. “Ngay cả khi có thể làm ngay, con gái cũng không chịu làm mà ít nhiều đều câu giờ”, chị Linh cho biết.

Trong khi đó, nhiều bạn gái tuổi teen lại không đồng tình với quan điểm đó của mẹ. Mai Thanh Hà, con gái chị Hòa, kể: “Mẹ lúc nào cũng muốn mình phải làm ngay mọi việc theo ý của mẹ, mà không quan tâm mình đang làm gì, muốn gì. Cả ngày học ở trường, vừa về tới nhà, mình muốn được nghỉ ngơi một chút nhưng mẹ đã liên tiếp giục: Thay quần áo ngay, rửa tay chưa, giúp mẹ làm việc nhà, không được thế này, thế kia. Mẹ không thể để mình có một phút tự do hay sao?”.
7.jpg
Bố mẹ luôn là điểm tựa tinh thần để con vượt qua những thay đổi tâm lý tuổi mới lớn
Ảnh minh họa: Internet
Hà còn nhớ lần đó, hai mẹ con đã xung đột chỉ vì “mẹ muốn Hà phải đi học ngay” nhưng Hà lại muốn xem hết bộ phim. Mẹ giận dữ chạy ra tắt phụt ti vi còn Hà cũng bực bội vừa khóc vừa chạy vào phòng, đóng chặt cửa phòng lại. Vì giận mẹ mà Hà học mãi không vào. “Mẹ không hiểu cảm giác của mình. Đó là bộ phim hay mà mình phải đón đợi mãi. Mẹ thật cứng nhắc, luôn muốn mọi việc phải theo ý mình”.

Còn Hoàng Thu Lan, con gái mẹ Linh, cũng có lý do riêng để giải thích cho hành động của mình. “Hôm đó, mình rất mệt nên muốn nghỉ ngơi thêm. Nhưng, mẹ chỉ biết đã muộn học nên lôi mình ra khỏi giường bằng được. Mình còn tưởng mẹ sẽ hỏi mình lý do và xin phép cho mình được đến trường muộn hôm đó để ngủ thêm một chút.

Song, mẹ không làm vậy”, Lan tâm sự. Mẹ muốn Lan phải hồi đáp yêu cầu của mẹ ngay tức thì. Mỗi lần Lan muốn mẹ giúp một điều gì đó, mẹ luôn trả lời: “Mẹ đang bận, con đừng làm phiền mẹ”.
Trong trường hợp này, để có thể tìm được tiếng nói chung giữa hai mẹ con, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng:

 - Muốn con nghe lời là đúng nhưng cha mẹ không nên quá cứng nhắc. Trong nhiều trường hợp, hãy linh hoạt, thậm chí đồng ý “đợi con một lát”. Chẳng hạn, con đang chăm chú xem một bộ phim mà con mong đợi, thay vì bắt con tắt ti vi ngay, cha mẹ hãy “phá lệ” cho phép con được xem hết bộ phim. Sau đó, con quay trở lại việc học tập cũng chưa muộn.

Tất nhiên, cha mẹ phải thỏa thuận khi cha mẹ đã nhượng bộ thì sau đó con phải có nghĩa vụ hoàn thành công việc tốt nhất. Đừng lấy lý do vì xem phim mệt nên không học được bài.

 - Thay vì nói “con phải làm theo ý cha mẹ ngay” gợi cảm giác cha mẹ đang áp đặt con thì có thể dùng nhiều cách diễn đạt khác tốt hơn như: “Cho con 10 phút nữa”, “Con hãy tự chọn bao lâu nữa thì con dừng công việc đang làm lại”... Như vậy, cha mẹ đã trao cho con quyền tự chủ. Đi học về, con có thể chọn nghỉ ngơi 5, 10 phút rồi sẽ thay quần áo, giúp mẹ việc nhà.

- Con sẽ phải hiểu có những việc thuộc về nguyên tắc và phải làm ngay chứ không phải lúc nào cũng đợi “tý nữa”. Chẳng hạn, đi học thì phải đến đúng giờ. Cha mẹ có thể nhượng bộ con nhưng điều đó không phải là mãi mãi. Khi con mệt, cha mẹ có thể cho con nằm ngủ thêm vài phút nhưng những ngày bình thường, con sẽ không được phép sử dụng “tý nữa” để ngụy biện cho việc chậm trễ khiến đi học muộn của mình. Làm được như vậy, cha mẹ và con sẽ dần tìm được tiếng nói chung.

Theo Phụ nữ Việt Nam

kỹ năng dạy con

Giáo dục

cách chăm sóc con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.