Xung đột với bạn: Dạy trẻ nhường nhịn hay đánh lại?

Nhiều người có quan điểm “kẻ mạnh là kẻ thắng” nên dạy con đánh lại bạn

Xung đột, tranh chấp giữa trẻ với trẻ là điều không tránh khỏi khi các bé đi học, chơi với bạn bè, thậm chí cả khi chơi với anh chị em ruột trong gia đình. Khi đó, các phụ huynh sẽ làm gì?

Chủ đề này không mới nhưng đâu là cách giải quyết hay nhất vẫn là điều nhiều bố mẹ băn khoăn. Tuy nhiên, có thể đưa ra một vài biện pháp phổ biến như sau:

Một điều nhịn là chín điều lành

Đã có khá nhiều những vụ học sinh xô xát, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt. Chứng kiến sự manh động, hiếu chiến ở lớp thanh thiếu niên hiện nay, nhiều phụ huynh có tư tưởng dạy con tránh xa những rắc rối để đảm bảo an toàn, một điều nhịn là chín điều lành, mình chịu thiệt một chút cũng không sao.

Dạy trẻ đối phó với xung đột bằng cách nên im lặng, chịu đựng, một điều nhịn là chín điều lành là sai lầm?

Câu chuyện của độc giả Huy Đăng (Hà Nội) là một ví dụ. Để tránh những xung đột không đáng có, ngay từ khi con trai học mẫu giáo anh luôn nhắc nhở con không được đánh bạn. Một đoạn đối thoại giữa 2 bố con được anh chia sẻ: “Đánh bạn là việc xấu! Con không được đánh bạn!” - “Nhưng mà bạn đánh con!” -Bạn nào đánh con thì con tránh ra, không chơi với bạn đó nữa” - “Con tránh rồi mà bạn vẫn đuổi đánh con!” -Nếu bạn vẫn tiếp tục như thế, con có thể nói với cô giáo. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, con không nên tranh giành với bạn bất cứ thứ gì”…

Tương tự, trong gia đình, yêu cầu các bé nhường nhịn, chia sẻ (nếu anh chị em hoặc bạn bè tranh giành đồ chơi) với nhau là cách giải quyết phổ biến một số phụ huynh đang sử dụng. Giải pháp này có vẻ nhân văn nhưng thực tế lại thiếu công bằng đồng thời dễ nảy sinh những tiêu cực ở trẻ như đứa trẻ đó ngày càng sợ hãi, thu mình, lầm lỳ, ít nói...

>> Lý do bố mẹ không nên dạy con phải chia sẻ đồ chơi với bạn

Dành quyền tự chủ: Kẻ mạnh là kẻ thắng

Trái ngược với quan điểm trên, nhiều người lại có quan điểm “kẻ mạnh là kẻ thắng”, muốn con không bị bắt nạt thì con phải mạnh hơn bạn. Các phụ huynh này đưa ra bài học em nữ sinh ở Trà vinh bị bạn đánh mà không phản kháng gì, cứ ngồi im chịu trận là dại dột.

Bàn luận về vấn đề con cái bị bắt nạt ở trường trên diễn đàn Lamchame, một độc giả đưa ra ý kiến: Con tôi bị bạn bắt nạt ở trường, tôi mách cô giáo nhưng cũng không ăn thua, cuối cùng, tôi phải dạy nó đánh lại bạn học.

Không ít phụ huynh dạy con đánh lại bạn khi bị bắt nạt

Đồng tình quan điểm trên, bà Uyên (Hưng Yên) kể: Con trai tôi xưa đi học cũng hay bị bạn bắt nạt, ban đầu, tôi cũng bảo con nói lý với bạn rồi mách cô nhưng đều không ổn. Cuối cùng, tôi xui con, nếu bạn đánh con, con đánh lại nó thật đau vào cho mẹ. Thế mà hay, con tôi từ đó trở đi không đứa nào dám đánh nữa. Đến giờ cháu tôi tôi cũng dạy như vậy. Tôi còn bảo bố mẹ nó cho cháu đi học thêm võ để có thể tự vệ khi cần.

Tư tưởng “mạnh thắng yếu” còn thể hiện ở việc, khi chứng kiến xung đột của con với trẻ khác, tâm lý phụ huynh thường sợ con thua thiệt nên nhanh chóng vào bênh vực con. Chẳng hạn, khi chơi ở khu vui chơi công cộng, khi thấy con đang tranh chấp đồ chơi với bạn, lập tức bố/mẹ sẽ vào giúp con có được đồ chơi từ bạn đó hoặc một món đồ chơi khác thay thế. Đó liệu có phải là cách hay?

Có ý kiến cho rằng việc nhiều phụ huynh dạy con đánh trả lại chẳng khác gì gieo vào đầu con trẻ quan niệm dùng vũ lực để giải quyết.

Để trẻ tự giải quyết với nhau

Đây là giải pháp đang được các bố mẹ “tân tiến” ủng hộ.

Một nữ MC khá nổi tiếng từng chia sẻ trên facebook cá nhân câu chuyện của con gái mình bị một bạn nam lớn tuổi hơn trêu chọc (hất cát vào người) trong khu vui chơi những 4 lần. Ban đầu cô bé có cầu cứu mẹ, nhưng nữ MC lờ đi để con tự giải quyết. Kết quả, khi cô bé nói "anh ơi, anh đừng xúc cát nữa, bẩn hết cả váy của em rồi" thì bạn nam kia lập tức dừng ngay. Điều kỳ diệu là hòa bình được lập lại ngay sau đó và cô bé lại rất tự hào vì mình đã tự giải quyết được vấn đề mà không cần ai giúp.

Những khu vui chơi công cộng là nơi dễ xảy ra những tranh chấp ở trẻ nhỏ

Theo MC này, nguyên tắc của chị khi đưa con đi chơi ở những nơi có nhiều bạn, nơi dễ xảy ra các "tranh chấp" liên quan tới "lãnh thổ" và "công cụ lao động", là chỉ quan sát hoặc chơi cùng, tuyệt đối không can thiệp vào chuyện của các con. Con muốn chơi thứ bạn đang chơi thì hãy tự thuyết phục, thuyết phục không nổi thì đi tìm thứ khác chơi. Con cũng được quyền từ chối nếu bạn xin/mượn thứ mà con đang chơi thích thú… Chớ nên gieo vào đầu trẻ suy nghĩ: con là nhất, là đứng đầu, là số một, ngay cả khi bạn chỉ có một đứa con. Hãy tập cho con nghĩ: mình như các bạn, mình chơi, các bạn cũng được chơi, và phải học cách chờ đến lượt.

Tuy nhiên, để yên tâm con mình có thể tự giải quyết tốt những tình huống xung đột như vậy, các bậc cha mẹ cũng cần dạy con trước cách ứng phó khi ở nhà. Cụ thể, cha mẹ nên giáo dục cho con đức tính tự lập, tự tin, hòa đồng ngay từ nhỏ. Chẳng hạn, có thể hướng dẫn bé, khi bị bạn chơi xấu, hãy dõng dạc yêu cầu bạn dừng lại. Sau đó, nếu bạn vẫn tiếp tục thì cần chọn các biện pháp hỗ trợ khác như chạy đi tìm người giúp đỡ, thưa với cô giáo... Tất nhiên, chúng ta không nên dạy bé cam chịu hoặc tấn công lại, chỉ nên dạy bé cách phòng vệ chính đáng.

Khi con bạn xung đột với bạn bè, bạn sẽ chọn cách giải quyết nào? Hãy chia sẻ ý kiến, giải pháp và những câu chuyện thực tế của bạn bằng cách gửi mail tới địa chỉ Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment dưới bài viết. Cảm ơn sự đóng góp của các bạn!

V.K/VietNamNet

Thăm dò ý kiến

Khi con bạn xung đột với trẻ khác, bạn sẽ?




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.