Bí quyết dạy con không quát mắng của mẹ Việt

Nhiều người vỗ ngực và tự tin với nguyên tắc "Không roi vọt, không đánh con" của mình, nhưng "bạo hành" bằng ngôn ngữ thực ra cũng kinh khủng và tổn thương mạnh mẽ không kém đến trẻ nhỏ.

Nhiều người vỗ ngực và tự tin với nguyên tắc "Không roi vọt, không đánh con" của mình, nhưng "bạo hành" bằng ngôn ngữ thực ra cũng kinh khủng và tổn thương mạnh mẽ không kém đến trẻ nhỏ.

Hãy tôn trọng trẻ

Thử nhớ lại xem, bạn có thường xuyên làm những việc sau hay không?

- Cúi khom người hoặc quỳ một chân để đứng ngang bằng với các em bé khi nói chuyện/trả lời các em.

- Sử dụng câu với đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ khi nói chuyện với con.

- Thay vì câu mệnh lệnh, bạn dùng câu hỏi để yêu cầu con làm việc gì đó "Con có thể bước xuống sàn được không? Vì đứng trên ghế rất nguy hiểm và dễ ngã" thay vì "Không đứng trên ghế như thế, bước xuống đây ngay".

- Nói "Cám ơn con”.

- Nói "Bố/mẹ rất tự hào về con".

- Nói "Con muốn như thế nào” hoặc “Con nghĩ gì về chuyện này, con có thể nói cho bố/mẹ biết được không?"


Ngồi xuống ngang bằng nói chuyện cùng con sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng hơn. Ảnh minh họa.

Trẻ con như một tấm gương phản chiếu tất cả những gì chúng quan sát được, lắng nghe và học được ở thế giới xung quanh, bao gồm cả chúng ta - bố mẹ của chúng. Đừng đòi hỏi con phải nói đủ chủ ngữ vị ngữ, thưa gửi "ạ", "dạ vâng", nếu như hàng ngày tất cả những gì chúng nghe được là những câu như "Nhai đi, nuốt đi", "Dọn sạch đồ chơi ngay", “Nín. Nín ngay, không khóc nữa", "Không sờ/không nghịch vào cái này", "Mặc áo vào”, đi dép, đeo balo vào”, “đi nhanh lên”, “chậm thôi”, “đứng yên đấy",…

Tôi tin rằng, trẻ nhỏ có thể lớn lên thành một người vui vẻ, hạnh phúc, tự tin vào bản thân thì rất cần được đối xử một cách tôn trọng ngay từ những năm đầu đời.

Bạn có hay nói trống không hoặc dùng câu mệnh lệnh với sếp, đồng nghiệp hay bạn bè, vợ/chồng của mình không? Thậm chí, bạn có là sếp thì cũng chẳng khiến ai thích nổi nếu giao tiếp theo cách đó. Ít nhất cũng phải "nhé", "nhỉ" hay "có được không?". Vậy tại sao lại có thể mặc sức ra lệnh, thản nhiên dùng câu cụt lủn, chẳng có chút cảm xúc nào với đứa con bé nhỏ của mình đang ở tuổi học ăn học nói?

Chưa kể việc lạm dụng câu mệnh lệnh cũng dễ làm gia tăng sự nóng giận, dẫn đến quát mắng, không khí gia đình căng thẳng, mệt mỏi cho không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn khi phải nghe liên tục. Nói chuyện "lịch sự" với con sẽ giúp bố mẹ bình tĩnh hơn, trẻ con cũng dễ tiếp nhận hơn, quan trọng nhất là cực kỳ hiệu quả.


Lạm dụng mệnh lệnh khiến không khí gia đình căng thẳng hơn. Ảnh minh họa.

Nói vậy, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được điều này 100%. Nhiều lần, tôi từng quên hết lý thuyết mà mất bình tĩnh, nhanh cáu, nói câu cụt. Nhưng tôi luôn tự nhủ: Con là bạn thân, rồi nhớ đến những lúc không giữ được bình tĩnh mà quát mắng con để rồi nhận lại khuôn mặt đỏ bừng, ánh mắt sợ sệt, khóc nấc không thành của con. Tôi liền hạ giọng, giãn cơ mặt, nói với tone giọng nhẹ nhàng, ấm áp, chậm rãi hơn.

Trước đây, bé Daisy, con gái tôi, từng hay nói leo khi người lớn đang nói chuyện (vì trẻ con lúc nào cũng có nhiều thứ để kể lể trình bày). Những lúc như thế, thay vì xua con ra chỗ khác kiểu "Không nói leo, đi ra chỗ khác chơi", tôi sẽ nói:

"Daisy ơi, con có thấy hai mẹ đang nói chuyện với nhau không? Nếu con có điều gì muốn hỏi, con hãy nói nhẹ nhàng "Mẹ ơi, mẹ cho con nói được không ạ?" thì bé sẽ lặp lại câu "gà bài" đó của mẹ. Còn việc có cho con nói hay không còn tùy vào độ nghiêm túc của con.

Có thể là "Được, mẹ đồng ý, con nói đi" hoặc "Mẹ vẫn đang nói dở, con đợi 1 lát nữa khi nào mẹ nói xong mẹ sẽ mời Daisy nói nhé". Nếu là một bạn nhỏ hiếu động và liến thoắng không yên, việc hỏi lại, yêu cầu con nói lại, mẹ giải thích..., sẽ giúp con bình tĩnh lại, sự cấp thiết của việc "nói leo" cũng biến mất luôn.

Tuy nhiên, các cha mẹ nên nhớ, đừng coi thường trẻ nhỏ, đôi khi chúng sẽ giúp cảnh báo nguy cơ hay nói cho chúng ta biết về những điều bất thường không ngờ tới trong nhà.

Ngôn ngữ tích cực

Lịch sự tôn trọng với trẻ nhỏ còn thể hiện rõ nhất qua cách dùng từ. Với trẻ con cũng vậy. Hãy hạn chế dùng những từ tiêu cực, chung chung, không có tính miêu tả như "Sao con hư/quấy thế?", "Sao con nghịch thế?” ,“Con không thể ngồi yên được một lúc à?",…

Tất nhiên, trẻ chẳng thế biết tại sao. Những câu hỏi như vậy chỉ làm tình trạng thêm căng thẳng, mà chẳng ra được chút thông tin hay phương án xử lý nào. Thay vào đó, hãy dùng thể phủ định của một từ tích cực như: chưa ngoan, không đúng, không nên, không tốt, không ổn, không hợp lý, không vui, không thoải mái....

Hãy cùng nói chuyện với con về hành động cụ thể mà bạn cho là "hư" đó. Hãy thử mọi hướng tư duy, dẫn dắt con cùng suy nghĩ, và để con tự đưa ra quyết định và đánh giá hành động đó của mình là đúng hay sai, nên hay không nên.


Hãy giúp trẻ tự đánh giá xem hành động của bé là đúng hay sai. Ảnh minh họa.

Tôi từng nói chuyện với con như sau:

- Daisy ơi, có phải con vừa ném thức ăn trong bát xuống sàn nhà không?
- Thứ con vừa ném mẹ đã mất cả buổi tối để nấu được đấy.
- Nếu con cố tình làm như thế thì mẹ thấy là chưa ngoan đâu.
- Nếu thức ăn bị ném xuống sàn nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? (bị dính bẩn, vi khuẩn sẽ tấn công bạn thức ăn, hết thứ để ăn, tối nằm ngủ sẽ đói...)
- Con thử nhớ lại xem một nàng công chúa lịch sự (con đã từng được nghe kể hoặc biết) có vứt đồ ăn xuống sàn như thế không nhỉ?
- Con nghĩ làm thế là đúng hay sai?
- Con có thể sửa chữa bằng cách nhặt lại chỗ thức ăn con vừa ném ra đấy.
- Con có muốn mẹ hướng dẫn con nhặt/cùng nhặt với con không?

Và đừng quên kết thúc bằng một lời khen hoặc động viên, khích lệ hay cám ơn con.

"Những lời nói của chúng ta có sức mạnh cực kỳ lớn. Hãy sử dụng chúng một cách khôn ngoan".

Theo FB Nguyễn Minh Trang



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.