Chàng trai 9x kiếm tiền tỷ… từ kinh doanh bể cá mini

Ý tưởng sáng chế những chiếc bình cá mini có thiết kế nhỏ gọn làm quà tặng hay đặt trên bàn làm việc đã mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/ tháng cho anh Đào Nguyễn Quang Linh

Ý tưởng sáng chế những chiếc bình cá mini có thiết kế nhỏ gọn làm quà tặng hay đặt trên bàn làm việc đã mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/ tháng cho anh Đào Nguyễn Quang Linh ở Gia Lâm – Hà Nội.

Sinh năm 1992, Đào Nguyễn Gia Linh vừa tốt nghiệp khoa cơ khí – ĐH Bách Khoa Hà Nội. Từ khi chập chững bước vào kinh doanh bể cá mini đến nay, Linh cùng với nhóm 5 người bạn của mình đã xây dựng được một thị trường khá rộng lớn với nhiều đại lý được đặt trên cả nước.

Theo Linh các bể cá loại nhỏ trên thị trường hiện nay hầu hết là hàng của Trung Quốc với giá thành cao lại ít tính thẩm mỹ. Chính vì thế, Linh muốn tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.

Bể cá mini do Linh sáng chế có kích thước khá nhỏ dễ dàng bỏ túi mang đi làm quà tặng hoặc thích hợp cho việc trang trí, đặt trên góc bàn làm việc. Để tạo sự ấn tượng cho các sản phẩm của mình, mỗi bể cá Linh thiết kế thêm các phụ kiện đi kèm như cây rong, sỏi lát nền, thảm cỏ…  với những tạo hình độc đáo tạo ra một không gian sống động không khác gì ngoài đời thật.

Giám đốc 9x và sản phẩm bể cá mini do mình sáng chế (Ảnh: Hà Trang)
Giám đốc 9x và sản phẩm bể cá mini do mình sáng chế (Ảnh: Hà Trang)

Chàng trai 9x cho biết, ý tưởng kinh doanh bể cá mini đến với mình khá tình cờ. Năm 2012, khi đang còn là sinh viên Đại học năm thứ 2, Linh mày mò thiết kế một chiếc bể cá mini để dành tặng bạn trong ngày sinh nhật. Không ngờ, khi “khoe chiến tích” của mình trên mạng, sản phẩm của Linh ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi. Nhiều người sau đó cũng ngỏ ý nhờ Linh thiết kế những sản phẩm tương tự: “Nhiều cuộc gọi điện từ khắp nơi khiến tôi khá bất ngờ, ngay lúc đó, tôi nghĩ: Tại sao mình không thử kinh doanh từ chính sản phẩm này…”.

Với số vốn ban đầu chỉ chưa đầy 6 triệu đồng – Linh cho hay đây là một con số quá ít để bắt tay vào thực hiện một dự án kinh doanh. Để tiết kiệm chi phí, Linh chọn phương thức bán và giới thiệu sản phẩm trên các kênh online. Địa điểm xem hàng có thể là ở quán cà phê, tại phòng trọ hay bất cứ đâu mà khách hàng yêu cầu. Thường thì Linh chỉ phụ trách việc thiết kế và tìm nguyên liệu còn lại chàng trai 9x đặt hàng tại các xưởng chế tạo. Linh cho biết, cách làm này vừa giúp anh tiết kiệm được chi phí lại vẫn đảm bảo được độ độc đáo, sáng tạo của sản phẩm.

Các sản phẩm do Linh thiết kế phù hợp làm quà tặng và đặt trong các không gian nhỏ (Ảnh: Hà Trang)
Các sản phẩm do Linh thiết kế phù hợp làm quà tặng và đặt trong các không gian nhỏ (Ảnh: Hà Trang)

Từ chiếc bể cá hình chữ nhật đầu tiên, chàng trai trẻ 9x đã cải tiến cho chiếc bể thành những hình dạng và màu sắc khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như: bể cá hình trái tim, bể cá làm từ gỗ ốp kính…

Theo Linh điểm độc đáo của sản phẩm bể cá mini là khách hàng không phải mất quá nhiều thời gian chăm sóc. Linh tận dụng tối đa ánh sáng thiên nhiên cho các thiết kế của mình, ngoài ra các cây mini trong bể cũng được Linh lựa chọn cẩn thận để vừa cung cấp oxy và có thể làm nguồn thức ăn cho cá.

Với mức giá chỉ từ 160.000 đến 500.000 đồng/ sản phẩm, bể cá mini của Linh được khá nhiều người ưa chuộng. Năm 2014, khi còn đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học, Linh đã cùng với nhóm 5 người bạn của mình thành lập một công ty chuyên sản xuất các loại bể cá mini. Ngoài sản phẩm bể cá mini, Linh còn sản xuất và cho ra thị trường các phiên bản quà tặng như đồ gốm sứ tý hon, thảm cỏ nhân tạo. Trung bình mỗi tháng cơ sở anh cho ra thị trường khoảng 300 chiếc bể cá mini đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trước đó, theo Linh khó khăn lớn nhất mà công ty Linh gặp phải là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng như việc quản lý và điều hành nhân sự: “Có việc mọi việc trở lên rối tung, tôi không thể điều hòa nổi các mối quan hệ, hay phân bổ các công việc một cách hợp lý. Một thời gian, sản phẩm của tôi vừa ra thị trường ngay lập tức đã bị các cơ sở khác “nhái” lại y chang, gây khó khăn rất nhiều trong việc phát triển thương hiệu. Nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng được giải quyết…”.

Chàng trai trẻ 9x chia sẻ, nếu không trở thành một nhà kinh doanh, rất có thể Linh sẽ theo con đường nghiên cứu khoa học, theo đúng chuyên nghành cơ khí mà anh được học ở trường. Thực tế, Linh gần như đã thực hiện được một nửa chặng đường của mình khi nhận được lời mời làm giảng viên một trường đại học và giành suất học bổng du học nước ngoài: “Tuy nhiên, mọi việc đành gác lại khi tôi bị công việc kinh doanh cuốn đi…”, Linh cho hay.

Sắp tới, để mở rộng thị trường Linh dự tính sẽ mở thêm một số đại lý ở các thành phố lớn. Ngoài ra, Linh cùng các cộng sự của mình cũng đang nghiên cứu, và sáng chế thêm một số phản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.