Chàng trai 'hâm dở' từ bỏ xe sang về kho cá bán rong

Sinh năm 1976, đã từng làm phụ trách kinh doanh cho một công ty lớn, có ô tô đưa đón với thu nhập khủng...

Sinh năm 1976, đã từng làm phụ trách kinh doanh cho một công ty lớn, có ô tô đưa đón với thu nhập khủng, nhưng cuối cùng chàng trai quê Nam Định đã bỏ lại sau lưng tất cả để lập nghiệp bằng nồi cá kho.

Từ bỏ tất cả vì cá kho truyền thống

Đó là anh Phạm Đức Cường (sinh năm 1976, ở Nam Định), từng là một trong số những sinh viên loại ưu trường Luật, từng phụ trách kinh doanh cho một công ty lớn chuyên về xuất nhập khẩu, là phó một văn phòng luật sư…Nhưng cuối cùng anh đã từ bỏ tất cả để khởi nghiệp với nồi cá kho mang đậm chất quê hương.

Chia sẻ với phóng viên về quyết định táo bạo này, anh Cường cho biết: “Đối với nhiều người, khi thấy tôi từ bỏ quyền cao chức trọng, từ bỏ lợi danh để đi kho cá đều cho rằng tôi bị điên. Thậm chí, chính những người trong gia đình tôi còn cho rằng tôi bị tâm thần phân liệt.

Nhưng tôi bỏ ngoài tai mọi thứ, tôi vẫn quyết định chọn nghề này vì sự đam mê và muốn giữ một giá trị truyền thống trong ẩm thực cho thế hệ sau, mặc dù con đường để đi đến thành công tôi đã gặp không ít thất bại”.

Theo đó, anh Cường đã bắt đầu khởi nghiệp từ nghề kho cá cách đây 5 năm, nhưng chỉ 1 năm trở lại đây anh mới thật sự được nhiều người biết đến và chấp nhận sản phẩm của anh.

 - 1

Ít ai biết được rằng, để có được nồi cá kho như thế này, anh cường phải mất 5 năm gian khổ

Chia sẻ về những khó khăn đã trải qua, anh Cường cười: “Có lẽ chẳng ai như tôi, trải qua quá nhiều thất bại, nhưng vẫn bám riết lấy nghề. Khi mới bắt đầu kho cá, những mẻ cá đầu tiên bị hỏng, tôi dấu vợ con, gia đình một mình ôm cả một bao tải hàng chục niêu cá kho vứt xuống sông, rồi ngồi trên bờ thẫn thờ suy nghĩ.

Lúc đó, bản thân mình cũng cảm thấy trống rỗng lắm, nhưng càng nghĩ, ý chí tôi càng thôi thúc phải cố gắng và những câu hỏi được đặt ra trong đầu: tại sao lại cháy? Vì chất lượng niêu không tốt hay tại lửa quá to? Cứ như vậy, tôi lại bắt đầu thử nghiệm lại. Mỗi lần thất bại như vậy, tôi lại có một bài học được rút ra cho mẻ cá lần sau”.

Tuy thất bại nhiều, nhưng khi được hỏi về việc quay lại những công việc cho anh danh vọng, anh Cường thẳng thắn: “Tôi đã từ bỏ danh vọng để quay về với đam mê, thì dù thất bại đến đâu, khó khăn đến đâu tôi vẫn cứ theo đuổi đam mê đó, mặc dù có không ít bạn bè mời tôi về làm với mức lương hàng chục triệu đồng”.

Vừa làm chủ vừa làm nhân viên

Đó là điều đang diễn ra hàng ngày với anh Phạm Đức Cường. Theo đó, trong số các sản phẩm cá kho của anh, hiện tại có tất cả 5 loại cá, bao gồm: rô, diếc, chạch, thiết lình, nhệch. Với số lượng hàng ngày lên đến hàng trăm niêu (mỗi niêu cá kho 45.000 đồng) được bán ra thị trường. Tuy nhiên, ít ai biết rằng anh chính là người phụ trách từ nhận đơn hàng, lấy thực phẩm đến kho cá và giao hàng.

Khi đặt câu hỏi về việc thuê người phụ giúp, anh Cường chia sẻ: “Không phải là tôi dấu nghề, tôi sẵn sàng dạy cho bất kể ai muốn học, nhưng cái quan trọng họ có theo được hay không? Có những người đến học chỉ được một tháng là xin nghỉ, họ không có sự kiên trì, họ chỉ muốn thành công ngay. Nhưng họ biết đâu được rằng, để có được nồi cá kho, tôi đã mất 5 năm với những bao nhiêu thất bại và bao nhiêu giọt mồ hôi”.

 - 2

Không chỉ là người trực tiếp kho cá, anh Cường còn là người giao những niêu cá đến tận tay khách hàng.

Theo anh Cường, trong mỗi nồi cá kho không chỉ là con cá, mà người kho phải coi đó là đứa con tinh thần của mình, gửi gắm tâm huyết của mình vào đó. “Mục đích của tôi, khi làm một niêu cá kho cho khách, khách không chỉ ăn được cá, mà trong niêu cá đó phải có cả những vị thuốc chữa bệnh. Chính bởi vậy mà không ai kho cá lâu như tôi, 18 tiếng cho một niêu cá thành phẩm”, anh Cường cho biết.

Ngoài việc dồn tâm huyết vào những niêu cá, theo anh Cường, khách hàng hiện nay không chỉ kén ăn mà họ còn yêu cầu về mặt thẩm mỹ, vì thế ngoài việc kho được con cá ngon miệng thì vấn đề đẹp mắt cũng phải được ưu tiên.

“Trong mâm cơm gia đình hiện đại ngày nay, các gia đình trẻ không bao giờ đồng ý việc để một niêu cá với hình thức cổ ngày xưa lên cả, những niêu cá đó chỉ dành cho những gia đình thế hệ 7X trở về trước.

Từ suy nghĩ đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng cũng cho ra mắt được niêu cá kho hình trái tim với những slogan ghi trên niêu, điều đó không chỉ hợp với xu thế mà còn giúp mâm cơm gia đình trẻ hạnh phúc và gắn kết hơn”, anh Cương tâm sự.

 - 3

Những ngày đầu tiên, anh Cường phải kho cá trên nóc nhà, với những chiếc bếp trấu tự chế.

Nói về tương lai để phát triển thương hiệu cá kho mang đậm bản sắc truyền thống, anh Cường trĩu nặng những suy tư: “Tôi cũng muốn lắm chứ, điều đó không chỉ giúp mình có thêm vốn quay vòng mà còn giúp quảng bá được giá trị truyền thống trong niêu cá kho.

Nhưng hiện nay, đầu vào nguồn cung không thể có đều vì mùa nào cá đấy, mà đã là cá kho truyền thống thì không thể dùng cá nuôi mà phải dùng cá đồng, nên hiện tại tôi vẫn đang đau đáu một suy nghĩ về vấn đề này”.

Theo Khampha



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.